Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lính tình nguyện ở Ukraine trở về Hàn Quốc trong tranh cãi

(VTC News) -

Liều lĩnh rời Seoul và tới chiến đấu cho Ukraine, cựu binh người Hàn bị chính dư luận trong nước chỉ trích vì hám danh.

Ken Rhee, cựu sỹ quan tác chiến đặc biệt Hàn Quốc tới đăng ký tại Đại sứ quán Ukraine ở Seoul ngay sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi sự giúp đỡ của các tính nguyện viên toàn cầu. 

Đầu tháng 3, Rhee có mặt tại Ukraine và chiến đấu tại tiền tuyến gần Kiev. 

Tới được đó, Rhee đã phải làm trái luật Hàn Quốc vốn cấm công dân nước này đến Ukraine. Khi Rhee trở về quê nhà, 15 sỹ quan cảnh sát túc trực sẵn tại sân bay để chờ anh. 

Nhưng cựu binh nổi tiếng, người sở hữu kênh Youtube với 700.000 người theo dõi nói bản thân không hối tiếc. 

"Sẽ là một tội ác nếu không giúp đỡ. Đó là cách tôi nhìn nhận vấn đề", Rhee chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với AFP. 

Ken Rhee chia sẻ hình ảnh chiến đấu ở Ukraine lên Youtube. (Ảnh: Korea Herald)

Rhee sinh ra ở Hàn Quốc nhưng lớn lên tại Mỹ. Anh theo học Viện Quân sự Virginia của Mỹ và dự định gia nhập đơn vị biệt kích SEAL của Hải quân Mỹ. Nhưng cha của Rhee, người mà anh miêu tả là một "người yêu nước" đã thuyết phục con trai trở về quê nhà nhập ngũ. 

Trong 7 năm, Rhee trải qua các khóa đào tạo SEAL của cả Mỹ và Hàn Quốc, tham chiến ở Somalia và Iraq. Sau khi xuất ngũ, anh mở một công ty tư vấn quốc phòng.

"Tôi có kỹ năng và kinh nghiệm. Tôi từng tham chiến ở 2 cuộc chiến tranh khác nhau nên khi tới Ukraine, tôi biết mình có thể giúp đỡ”, Rhee nói.

Anh coi việc mình phá vỡ quy định của luật hộ chiếu Hàn Quốc để tới quốc gia Đông Âu như vi phạm luật giao thông. 

Nhưng tại quê nhà, anh bị chỉ trích dữ dội. 

"Mọi thứ đến ngay lập tức. Người dân Hàn Quốc chỉ trích tôi vì phá vỡ luật lệ", anh nói. 

Nhiều người cho rằng quyết định của cựu binh 38 tuổi là vô trách nhiệm về mặt hình sự và việc anh đăng tải hình ảnh về chiến tranh ở Ukraine lên Youtube hay Instagram chỉ là để khoe khoang.

Rhee nói anh cố không để những lời dèm pha ảnh hưởng tới mình. 

Trong ngày đầu tiên được điều đồng tới khu vực tiền tuyền ở Irpin, Rhee chứng kiến cảnh tượng mà anh mô tả chẳng khác nào "miền Tây hoang dã hỗn loạn". 

"Nó nhắc nhở tôi và đồng đội về những gì chúng tôi đang làm và tại sao chúng tôi lại ở đây", Rhee cho hay. 

Do từng trải qua huấn luyện quân sự, Rhee được yêu cầu tự lập nhóm. Anh chiêu mộ các tình nguyện viên khác có kinh nghiệm chiến đấu và thành lập một nhóm nhóm tác chiến đặc nhiệm đa quốc gia.

Ken Rhee trong vòng vây của báo giới khi trở về Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)

"Tôi ăn phần ăn dã chiến của Canada. Súng của tôi là từ Czech. Tôi được trang bị tên lửa Javelin của Mỹ, rocket từ Đức... Nhưng không thứ gì tới từ Hàn Quốc", anh cho hay. 

Hàn Quốc đã cung cấp một số viện trợ không sát thương cho Ukraine, nhưng Rhee cho rằng chính phủ có thể làm nhiều hơn thế.  

"Hàn Quốc có những trang thiết bị hiện đại nhất. Họ rất giỏi sản xuất vũ khí", anh nói. 

Cách đây vài ngày, giới chức Nga cho biết 4 trong 13 công dân Hàn Quốc tới Ukraine đã thiệt mạng. Seoul cho biết đang cố gắng xác minh tuyên bố trên. Dù không biết số phận tất cả đồng đội của mình, Rhee nói "nhiều bạn bè của tôi đã chết".

Cựu binh dự định viết một cuốn sách, thậm chí là dựng một kịch bản phim về những gì mà anh và đồng đội phải trải qua. 

Nhưng trước hết, anh cần phải đối mặt với hậu quả từ chuyến đi vừa rồi. Rhee lạc quan, cho rằng chính quyền mới theo hướng bảo thủ sẽ không bắt anh ngồi tù. 

Rhee sẽ không được rời Hàn Quốc cho tới khi vụ việc của anh được giải quyết. Trong thời gian chờ đợi kết quả, anh đang phải điều trị chấn thương gặp phải khi tham gia hoạt động tuần tra đặc biệt ở Ukraine. 

Cựu binh này cũng hy vọng một ngày nào đó, anh có có thể tiếp tục sát cánh chiến đấu cùng các đồng đội của mình. 

Song Hy

Tin mới