Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lính tàu Không số kể 10 giờ sinh tử đưa tàu chở 60 tấn vũ khí vượt cạn Biển Đông

(VTC News) -

Tàu 41 chở 60 tấn vũ khí mắc cạn Biển Đông nguy cơ phải phá huỷ, nhưng sau hơn 10 giờ vật lộn với sóng biển, tàu lùi nhanh khỏi vùng cạn, thoát hiểm trong gang tấc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với con đường vận tải dọc Trường Sơn, ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Hải quân ngày nay). Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển với Đoàn tàu Không số, vận chuyển người, vũ khí, trang bị kỹ thuật, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tháng 10/1962, vũ khí, đạn dược lần đầu được chở trên 4 tàu gỗ mang mật danh Phương Đông xuất phát từ Hải Phòng vào miền Nam.

Trong suốt 14 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Đoàn tàu Không số huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam. 60 năm đã trôi qua kể từ ngày chiếc tàu Không số đầu tiên rời bến, nhưng huyền thoại về lòng quả cảm, mưu trí, về ý chí cách mạng của những người lính hải quân ở con đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn có sức thu hút mãnh liệt.

Những chuyến tàu không số chở vũ khí, đạn dược chi viện miền Nam đã làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tàu mắc cạn giữa Biển Đông

Trong ngôi nhà ở đường Đình Đông (phường Đông Hải, Lê Chân, Hải Phòng), ông Trần Văn Lịch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đoàn tàu Không số Hải Phòng lần giở những bức ảnh chụp cùng đồng đội tại Khu di tích lịch sử Bến K15 - điểm xuất phát Đường Hồ Chí Minh trên biển (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng).

Trong đời lính của mình, ông Lịch 3 lần tham gia Đoàn tàu Không số, trong đó 2 lần gắn bó với tàu 41 trong vai trò thuỷ thủ (năm 1964, 1965). Năm 1967, một lần nữa, ông Lịch tham gia Đoàn tàu Không số trên tàu 198 vào Đức Phổ (Quảng Ngãi), giữ vị trí thuỷ thủ trưởng.

Ở tuổi 80, người lính năm xưa vẫn nhớ như in khoảnh khắc cùng đồng đội mang theo khí thế tuổi trẻ và khát vọng giải phóng miền Nam bước xuống tàu 41, chở theo 60 tấn vũ khí vượt Biển Đông tới Vàm Lũng (Cà Mau). Chuyến đi ấy in đậm trong trí nhớ của ông bởi đó là lần đầu tiên ông tham gia tàu Không số, và cũng là chuyến đi khiến ông nhiều lần phải giữ chặt lồng ngực khi trải qua phút “sinh tử” giữa Biển Đông.

Nhấp chén trà nóng, ông Lịch trầm ngâm nhớ về ngày 15/10/1964. Khi đồng hồ trong buồng lái chỉ 22h15, tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy lặng lẽ rời cảng K20 (Hải Phòng), bắt đầu hành trình chi viện. Trên chuyến tàu ấy có Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu, máy trưởng Phan Nhạn và 14 thuyền viên, nhiều người là lính nghĩa vụ vừa trải qua huấn luyện cơ bản, cùng 4 "vị khách" đặc biệt tăng cường cho chiến trường miền Nam.

Ông Lịch (trên cùng bên phải) thời trẻ.

Xuất bến từ Hải Phòng, tàu 41 được nguỵ trang thành tàu của dân chài với đầy đủ dụng cụ như lưới sải dài, sải ngắn, cờ, phao cùng những con cá to, nhỏ bằng gỗ được đẽo gọt, sơn phết giống cá tươi phơi nắng, các số hiệu tàu theo mã vùng… để nguỵ trang, qua mắt địch.

Con tàu không thiết bị định vị hiện đại, phải dựa vào sao và mặt trời, tức phương pháp thiên văn xác định vị trí tàu.

Khi ấy, tôi chỉ là lính binh nhì giữ vị trí pháo thủ ở sau lái, kinh nghiệm đi biển bằng con số 0. Tôi cũng chưa hiểu gì về tàu Không số, chỉ biết mình cùng đồng đội góp một phần sức lực trong công cuộc giải phóng miền Nam, đây là một thử thách, là một phần gian khổ trên con đường vượt Biển Đông chở hàng chi viện”, ông Lịch mở đầu câu chuyện với PV VTC News.

Tháng 10 hàng năm thường có gió mùa, từng đợt sóng quất mạnh mũi tàu. Tàu 41 như bị sóng Biển Đông nuốt chửng.

Điều cần nhất của mỗi chuyến tàu Không số là bí mật, bất ngờ để tránh bị địch phát hiện. Ông Lịch bảo, trên hành trình, nhìn thời tiết, mây trời, các anh lớn tuổi như thuyền trưởng, chính trị viên, máy trưởng… nhiều lần cho rằng, chuyến đi này nhiều thuận lợi, sóng to gió lớn sẽ tạo được hai yếu tố trên.

Ngày thứ 3 của hành trình, ông Lịch cùng đồng đội Phạm Văn Tuyên (người Thái Bình) đi ca. Khoảng 3h, hai người đổi vị trí, ông Tuyên xuống thay ca lái, ông Lịch lên đài quan sát.

Lúc này, sóng gió có phần giảm đi. Qua ánh đèn, ông Lịch thấy sóng vỗ mạn tàu cuộn tròn nhưng không hề hay biết tàu đang đi vào vùng nước nông nên không kịp báo ca trưởng.

Rất may, với kinh nghiệm đi biển nhiều năm, ca trưởng Trần Nhợ lao nhanh vào buồng lái, kịp thời dừng máy. Con tàu theo quán tính chồm lên và dừng lại, tạo ra âm thanh cọ xát lườn đáy tàu nghe rất ghê tai. Tàu bị mắc cạn ở bãi san hô gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Lúc đó là 3h20 ngày 18/10. Ban Chỉ huy tàu 41 nhanh chóng hội ý bên hải đồ.

Ông Lịch và những người lính trẻ khác vẫn chưa hết bàng hoàng, gương mặt ai cũng căng thẳng vì sự cố vừa diễn ra. Con tàu chở 60 tấn vũ khí chi viện miền Nam mắc kẹt giữa Biển Đông, bốn bề là sóng cồn tung bọt trắng.

Lúc sau, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh thông báo với toàn thể thuyền viên: “Tàu mắc cạn tại bãi san hô vùng nam Hoàng Sa khi triều đang xuống. Chúng ta nằm ở đây ít nhất 12 tiếng đồng hồ, phải thật bình tĩnh, đợi trời sáng, các ngành khảo sát vùng cạn. Tôi đã điện về đoàn bộ xin trợ giúp”. Câu nói của thuyền trưởng Thạnh tạm làm an lòng các thành viên trên tàu, mọi người bớt phần lo lắng. Đêm hôm đó như dài hơn, không ai ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để đưa tàu thoát khỏi vùng nước cạn.

Lần đầu tham gia tàu không số là kỷ niệm không bao giờ quên đối với ông Trần Văn Lịch.

Khoảng 10h, một tàu lớn xuất hiện ở mạn trái đuôi tàu, hiện rõ dần và đánh đèn hiệu. Anh Năm, tín hiệu viên của tàu bước những bước dài. Khoảng 5 phút sau, anh cho biết: “Tàu Trung Quốc đến trợ giúp, không vào gần được. Họ cũng không hỗ trợ được gì”. Phát tín hiệu 3 ánh chớp dài tạm biệt, tàu hỗ trợ xa dần và mất tăm, còn lại tàu 41 một mình nằm phơi trên bãi, xung quanh chỉ nghe tiếng sóng vỗ.

“Lúc đó chúng tôi không hề biết đã từng có 2 tàu Không số chi viện miền Nam bị mắc cạn nhưng không thoát được, anh em phải âm thầm thu vũ khí, hàng hoá rồi phá huỷ con tàu. Mặc dù thiệt hại lớn và ảnh hưởng tới tiến độ chi viện miền Nam nhưng để đảm bảo bí mật về đường Hồ Chí Minh trên biển, đoàn buộc phải ra quyết định phá tàu.

Mãi tới sau này, khi những người lính Đoàn tàu Không số ngồi lại với nhau, tôi mới biết được điều đó. Bản thân các anh lớn tuổi lúc tàu 41 mắc cạn cũng từng loé lên suy nghĩ, liệu tàu có thể thoát khỏi vùng cạn và tiếp tục hành trình hay cũng phải phá huỷ? Nghĩ là thế nhưng chẳng ai nói ra. 21 con tim cùng suy nghĩ tìm hướng cho tàu ra cạn”, người lính già kể ký ức về chuyến đi năm xưa.

Ông Lịch cùng những người lính trẻ khác xắn tay áo vào các phần việc trên boong như thu lưới nguỵ trang, lập toạ độ cạn, đo độ nông, kéo cáp từ hầm mũi lên cùng neo phụ đi thả.

Sau những phút suy tư, thuyền trưởng phân công cụ thể từng ngành, gặp từng người giao nhiệm vụ. Phải cắm bằng được neo phụ lái xa boong đuôi tàu khoảng 100m, dùng sức người quay cáp căng chờ nước lớn. Hạ sĩ Nguyễn Công Ở được phân công đưa neo phụ ra sau lái, thuỷ thủ Trần Hậu Vệ kéo cáp theo, đi khoảng trên 100m mới cắm neo. Đây là hai người khoẻ nhất trong số những người lính có mặt trên tàu 41.

Thế nhưng, khi triều lên, sóng gió lên theo, từng cơn sóng cồn rộng chân sải dài cuồn cuộn ùa vào vỗ mạnh, dây cáp neo đã căng lại càng căng. Con tàu nửa nổi nửa chìm, chồm lên, hạ xuống theo ngọn sóng, rung lên tạo âm thanh va đập, có lúc tưởng như gãy tàu. 21 con tim trên tàu như thắt lại, đau nhói.

Tất cả thuyền bộ được dồn về boong đuôi lái, giành giật với sóng cồn, gió tạt. Bốn vị khách cũng bắt tay, góp sức quay neo, kéo cáp, động viên anh em. Nước biển ướt đậm lại khô, nắng cháy da bóc thành từng mảng nhưng không ai phát ra một tiếng than thở.

“Tất cả cho tiền tuyến mà”, ông Lịch mỉm cười.

Ông Lịch (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng đội thăm lại Bến Tàu không số K15.

Hành trình vượt cạn

Hơn 10 tiếng trôi đi, ngày như dài thêm, tàu 41 vẫn mắc cạn giữa 2 khe của mảng san hô. Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh thêm phần lo lắng, sốt ruột. Thuyền trưởng đặt ra bài toán để tạo sức mạnh kéo lùi tàu ra cạn. Đó sự kết hợp đúng lúc giữa 3 yếu tố: thuỷ triều cao nhất, máy lùi và sức kéo cơ bắp của con người ở neo lái phụ.

Tuy nhiên, biển vẫn thử thách ý chí con người. Lần thứ nhất thất bại; lần thứ 2, tàu vẫn mắc cạn. Phải tới lần thứ 3, thứ 4, sức mạnh tổng hợp đó mới có hiệu lực.

“Đúng giờ nước cường, cơn sóng cao nhất, sợi cáp neo căng như dây đàn. Kỳ này, chúng tôi ghì chặt, cũng là lúc máy lùi, lùi hết nấc. Mũi tàu chao đảo, ngả dần tạo thành vòng cung. Sợi cáp căng tưởng muốn đứt bỗng dưng chùng xuống – máy dừng, theo quán tính, tàu lùi ra nhanh khỏi vùng cạn.

Tàu quay mũi ra vùng nước sâu thả neo để các ngành ổn định. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, muốn nhảy lên reo hò nhưng cố kìm nén cảm xúc, chỉ nhìn nhau cười vui khi sức mạnh tập thể đã tạo nên sự thoát hiểm thần kỳ đó”, người lính già xúc động kể.

Ông Lịch từng 3 lần tham gia Đoàn tàu không số vào các năm 1964, 1965 và 1967.

Những tưởng mọi chuyện đã êm ả nhưng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau khi ra cạn, thử thách lại đến. Khi nhổ neo, lỉn neo (xích neo) không quay được nữa. Bác Trần Nhợ, máy trưởng Phan Nhạn làm đủ mọi cách nhưng vẫn chịu thua.

Trên đài chỉ huy, một khẩu lệnh truyền xuống: “Tháo chốt neo, thả neo…”. Người đưa ra quyết định nhanh chóng ấy là thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh.

Không phút chần chừ, neo được xông thả, phóng như mũi tên xuống biển. Nếu như ba hơi còi dài là tín hiệu con tàu rời điểm xuất phát thì lúc này, ba hồi “chuông rung” báo hiệu thả hết neo vang lên trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của mọi người.

Với khí thế thoát hiểm, tàu quay mũi, chồm lên sóng thẳng hướng nam, tiếp tục hành trình theo kế hoạch vào Vàm Lũng.

Xẩm tối ngày thứ 3 sau khi thoát hiểm, đèn chớp, đảo Hòn Khoai loé sáng và rõ dần mạn trái. Thuyền trưởng cùng các sĩ quan cấp phó mừng lắm, coi như đã đi gần hết hành trình.

Đèn Hòn Khoai xa mờ dần về phía đuôi tàu, chúng tôi được lệnh thu nguỵ trang, tắt đèn hành trình, tàu giảm tốc độ, chỉ còn tiếng máy chạy đều đều.

Nhìn về hướng mũi tàu, một vùng tối bưng, thỉnh thoảng xuất hiện những đường đạn đỏ lừ từ dưới bắn lên, đan chéo thành những đường cong rồi tắt ngấm, rồi lại đột nhiên bừng sáng lên một vùng.

Các anh từng đi lại khu vực này cho biết, đó là đạn của ta bắn lên, còn những nơi bừng sáng là hoả pháo của trinh sát OV10 nghi ngờ bắn xuống. Tôi và các bạn trẻ đều nghĩ rằng, tính chiến đấu thực sự đã đến bên tàu 41”, giọng người lính Đoàn tàu Không số trở nên hào sảng hơn khi nhớ lại những đường đạn bắn trong đêm, đan chéo thành đường cong.

Những người đồng chí, đồng đội luôn sát cánh bên nhau cả trong thời chiến và thời bình.

Đáng tự hào

Ông Lịch kể, trong màn đêm, con tàu 41 nhỏ như một khối sắt di động. Lúc này, mọi người trên tàu về vị trí quan sát, sẵn sàng chiến đấu. Ông Lịch được cắt cử giữ vị trí sau lái, chủ yếu quan sát phía đuôi tàu bên khẩu súng 12 ly 7. Giữ chặt khẩu súng trong tay, mắt ông không lúc nào rời vị trí trước mắt, hồi hộp quan sát.

Đột nhiên, máy tàu giảm rồi dừng. Mũi tàu ngả sang trái, con tàu bồng bềnh lắc nhẹ, một chiếc xuồng ba lá đã áp mạn, những người trên xuồng nhanh chóng lên tàu. Trời tối không nhìn rõ mặt, chỉ nghe giọng nói mà những người đồng chí đã nhận ra. Mọi người ôm nhau, nắm chặt tay rồi cùng lên cabin gặp thuyền trưởng.

“Sự việc diễn ra trong giây lát rồi qua đi trong giây lát. Đây cũng là đặc thù thắng lợi mang đậm nét bí mật của người lính tàu Không số. Giây lát được đứng bên nhau ấy sẽ là ký ức khó quên trong đời lính của mình”, ông Lịch trầm ngâm.

Như được tăng thêm sức mạnh, trong màn đêm, con tàu nhanh chóng vượt cửa vàm tiến vào đất liền. Trời vẫn tối om, mặt boong yên tĩnh, chỉ còn tiếng kêu vo vo của máy.

Cung đường cuối cùng trong hành trình chở hàng chi viện từ cảng K20 – Hải Phòng vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) kết thúc an toàn. Đồng hồ trên buồng lái chỉ 3h ngày 22/10/1964.

Ổn định xong hai đầu dây mũi lái, ông Lịch cùng đồng đội và các chiến sĩ trong bến nhanh chóng nguỵ trang tàu. Chiếc dù to phủ kín phần đuôi boong lái và cabin, đảm bảo khi trời sáng, con sông này, đoạn sông này như không có gì biến động. Hàng chi viện cũng được giao nhận đầy đủ, an toàn.

Ông Lịch xem lại những bức ảnh chụp cùng đồng đội khi về thăm Bến Tàu không số K15 tại Hải Phòng.

“Trong buổi họp, chia tay 4 vị khách, tôi mới được biết trong số họ có 1 bác sĩ, 2 sĩ quan pháo, 1 cán bộ chính trị cấp Trung ương. Được ôm ghì, nắm chặt tay các anh, tôi phấn khởi lắm nhưng không hình dung hết được sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh đối với các anh.

Chúng tôi ở lại bến Vàm Lũng 3 đêm, màn phải thấm ướt, sau đó vắt khô mới treo lên ngủ để không bị bọ mát cắn. Cho tới tận bây giờ, hình ảnh quân giải phóng súng vác trên vai, đi trên chiếc xuồng ba lá, trước mũi xuồng là ổ bùi nhùi hun khói chống bọ mát luôn hiện về trong tâm trí tôi”, ông Lịch chia sẻ.

19h25 ngày 25/10/1964, tàu vượt cửa vàm quay ra Bắc. Những ngày đầu của hành trình trở về, tàu ở trạng thái không tải nước ngọt, dầu máy chỉ còn cơ số để về tới hậu cứ… nên bị gió mùa trên Biển Đông tác động mạnh. Mũi tàu càng nhô cao, hai hầm hàng rỗng rung mạnh, có lúc tưởng gãy lườn.

Với sức bền của sắt thép cộng ý chí con người, tàu 41 vào Vịnh Bắc Bộ ngày 31/10.

“Về đến đây, chúng tôi coi như đã về tới nhà. 22h15 ngày 1/11/1964, tàu cập cảng K20, kết thúc chuyến hành trình chi viện dài ngày trên Biển Đông. 

Đến nay, tôi vẫn còn nhớ từng câu, từng chữ mà Trung tá Võ Hành nói trong buổi họp rút kinh nghiệm sau chuyến đi: Tàu 41 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, một chuyến đi đạt hai thắng lợi… Các đồng chí là những người đáng được tự hào về thắng lợi của mình”, ông Lịch nói.

Tàu HQ671 còn được biết đến với số hiệu 41, 641 góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. (Ảnh tư liệu)

Tàu 41 đã trải qua hai lần thay đổi về chất liệu (từ tàu gỗ lên tàu vỏ sắt) và ba lần thay đổi phiên hiệu (tàu 41, 641 và sau là HQ-671). Tháng 11/2017, tàu HQ-671 được công nhận là bảo vật quốc gia, hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân.

Sau những lần sát cánh cùng đồng đội bí mật chở vũ khí chi viện miền Nam trên những con tàu Không số, ông Lịch về làm thuyền phó của tàu 401 thuộc đoàn tàu này.

Năm 1976, ông chuyển ngành về làm Phó phòng Kế toán một công ty lâm sản tại Hải Phòng. Năm 1985, ông về làm thuyền phó tại công ty thuộc Bộ GTVT rồi về hưu năm 1998. Năm 2018, ông giữ cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đoàn tàu Không số TP Hải Phòng.

Ông Trần Văn Lịch hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đoàn tàu không số TP Hải Phòng.

Câu chuyện về hành trình hơn 10 tiếng đồng hồ vượt cạn của tàu Không số trên Biển Đông kết thúc, ông Lịch khẽ nhìn về người vợ rồi bảo: “Vợ chồng tôi quen nhau từ năm 1960 và 8 năm sau tổ chức đám cưới. Khi tôi tham gia Đoàn tàu Không số, bà ấy chỉ biết người yêu mình đang là bộ đội hải quân tại Hải Phòng, không hay biết về những ngày tôi cùng đồng đội lênh đênh trên biển cả. Những câu chuyện về chuyến tàu được chúng tôi giữ bí mật. Mãi sau khi đất nước giải phóng, mọi thông tin được công khai, vợ tôi mới biết chồng mình từng tham gia những chuyến đi đầy sóng gió và nguy hiểm nhưng rất tự hào”.

Hôm nay, sống giữa đời thường, những chiến sĩ của Đoàn tàu Không số năm xưa người còn, người mất. Người còn sống vẫn giữ mãi ân tình đồng chí, đồng đội, thường xuyên quan tâm, chăm sóc thân nhân những người đã mãi mãi ra đi, để đồng đội được phần nào an ủi và thấy được tình cảm từ ngôi nhà chung: Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam.

Nguyễn Huệ

Tin mới