Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lính Mỹ đánh trận ăn gì?

(VTC News) -

“Dạo một vòng” các suất ăn dã chiến của quân đội Mỹ, từ thời lập quốc đến nay.

Quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng MRE (Meals, Ready-to-Eat hay khẩu phần ăn liền dành cho quân đội) từ đầu những năm 1980, thay thế các loại thức ăn đóng hộp dã chiến (MCI hay Meal, Combat, Individual) được dùng từ Thế chiến thứ hai cho đến gần như suốt cuộc chiến tranh Việt Nam. Tháng 9/2018, người ta làm phong phú bảng thực đơn của binh lính Mỹ bằng một loại bánh pizza được chế biến đặc biệt, có thể sử dụng trong vòng ba năm, bên cạnh 24 phần ăn MRE có sẵn. Đây được xem là một trong những nỗ lực nhằm nâng cao tinh thần binh sỹ (và tránh thứ gọi là “bệnh chán ngán suất ăn quân đội”). Hãy cùng xem lại lịch sử chuyện ăn uống trong quân đội Mỹ từ thời mới lập quốc đến nay.

Tân binh thuộc Không quân Mỹ đang được hướng dẫn sử dụng các suất ăn MRE

Quân Lục địa trong Cách mạng Mỹ

Cách mạng Mỹ diễn ra từ 1765 - 1783 tại 13 thuộc địa của Đế quốc Anh ở Bắc Mỹ. Chỉ huy George Washington khi đó lãnh đạo quân đội Lục địa chống lại quân đội Anh để giành độc lập cho nước Mỹ. Tuy nhiên ông gặp vấn đề về quân lương.

Quốc hội Mỹ không có thẩm quyền đánh thuế và do đó thiếu tiền để mua lương thực cho quân đội, thêm vào đó là một loạt vấn đề phức tạp khác, ví dụ điều kiện giao thông vận tải hay nguồn cung. Theo Joseph Glatthaar, giáo sư lịch sử tại Đại học North Carolina-Chapel Hill, hậu quả là những người lính Lục địa thường phải hành quân nhiều ngày mà không có đồ ăn. “Bạn sẽ nhận được một ít bột mì và có thể là một ít thịt, nhưng thường thì thịt khá tệ”, ông Glatthaar nói.

Năm 1775, quốc hội Mỹ xác định khẩu phần thống nhất bao gồm 450g thịt bò (hoặc 336g thịt lợn hoặc 450g cá muối), và 450g bột mì hoặc bánh mì mỗi ngày; 1,35kg đậu hạt mỗi tuần, một lít sữa mỗi ngày, một lít gạo mỗi tuần, một phần tư vại bia vân sam hoặc rượu táo mỗi ngày.

Xác định là thế nhưng quân đội hiếm khi cung cấp đủ, binh lính sẽ xin thêm thực phẩm từ dân thường và bổ sung khẩu phần ăn bằng bất kỳ động vật nào họ săn được. Quốc hội Mỹ đã gây áp lực buộc Washington phải đánh chiếm, thu giữ lương thực nhưng tướng Washington lo lắng việc làm này sẽ khiến các thuộc địa xa lánh.

Nội chiến nước Mỹ

Nội chiến nước Mỹ (4/1861 – 5/1865) là một cuộc nội chiến diễn ra ở Mỹ giữa Liên bang miền Bắc (Union) với Liên minh miền Nam (Confederate States). 

Quân đội Liên bang có khẩu phần tiêu chuẩn: hơn 3 lạng thịt, nửa cân bột mì hoặc bột ngô, một số loại rau, giấm và mật đường. Giáo sư Glatthaar nói: “Nếu bạn nhận được đủ khẩu phần tiêu chuẩn, nó sẽ rất đáng kể. Tuy nhiên, trong thực tế, dần dần, mọi việc tệ đi: họ bắt đầu cho lính ăn bánh quy cứng, thịt muối và rau khô”. Bánh quy được làm bằng bột mì và nước, sau đó sấy khô để giữ được lâu hơn.

Trong các chiến dịch, đặc biệt là khi những người lính của Liên bang di chuyển về phía Nam, họ có thể cướp lấy trái cây và rau quả theo mùa, như táo và khoai lang, từ các vườn cây ăn quả và trang trại ven đường. Ngoài ra, những người lính này còn nhận được tiếp tế từ quê nhà, vì hệ thống bưu điện của Liên bang tỏ ra khá đáng tin cậy trong suốt cuộc chiến. Cả quân đội Liên bang và quân Liên minh đều lấy nước hồ và suối để ăn.

Chiến tranh thế giới thứ hai

Trong Thế chiến thứ hai, quân đội Mỹ có hai loại khẩu phần chính: Khẩu phần C (dành cho quân chiến đấu) và Khẩu phần K (ít cồng kềnh hơn và ban đầu được phát triển cho các trung đoàn lính dù). Một bài viết trên trang History dẫn lời giáo sư sử học Glatthaar nói: “Một suất ăn loại C có sáu hộp và các món trong đó cũng không cố định. Bạn sẽ có một món chính—như xúc xích và đậu—một ít thuốc lá, một ít trái cây đóng hộp, một ít kẹo cao su, sô cô la, một ít cà phê hòa tan, một ít giấy vệ sinh. Có một ít phô mai và bánh quy. Và một hộp diêm”.

Suất ăn K có ba “bữa ăn”: bữa sáng, bữa trưa và bữa tối với hơn một lạng thịt và/hoặc trứng, pho mát, bánh quy, kẹo, kẹo cao su, viên muối và đồ uống có đường. Ngoài ra còn có thuốc lá, thìa gỗ và giấy vệ sinh.

Chiến tranh Việt Nam

Từ năm 1958 đến năm 1981, khẩu phần ăn của lính Mỹ được gọi là bữa ăn chiến đấu cá nhân (MCI), sau đó được thay thế bằng khẩu phần ăn liền (MRE). Ở Việt Nam, những thứ này được quân đội Mỹ phát cho lính chiến đấu trong một hộp bìa cứng, chứa 1.200 calo với thịt hộp (có thể là giăm bông và đậu lima, hoặc bánh mì kèm gà tây), một hộp “bánh mì”, có thể là bánh quy giòn, hộp đồ tráng miệng, chẳng hạn như nước sốt táo, đào thái lát hoặc bánh ngọt.

Khẩu phần ăn MCI của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, giai đoạn 1966-1967

Một khẩu phần ăn đầy đủ có vẻ cồng kềnh, vì vậy binh lính thường tháo rời ra, chỉ lấy những gì họ cần khi tuần tra rồi bỏ vào ba lô. Trong cuốn sách Vietnam: An Epic Tragedy 1945-1975, tác giả Max Hastings viết rằng lính Mỹ nấu chín các suất ăn bằng cách đục lỗ trên hộp đựng khẩu phần ăn và sử dụng chất nổ C4 để làm nóng nó. Ông Hastings cũng viết về những viên thuốc mà lính Mỹ dùng hàng ngày, bao gồm viên sốt rét, viên muối ngậm, viên Lomotil, uống bốn lần mỗi ngày để kiểm soát bệnh tiêu chảy.

MRE-khẩu phần ăn thời hiện đại

Đây là khẩu phần dã chiến gọn nhẹ dành cho binh sỹ quân đội Mỹ sử dụng trong điều kiện chiến đấu hoặc dã ngoại hiện nay. MRE quân sự đôi khi cũng được phân phối cho dân thường trong các điều kiện có thiên tai, thảm họa.

Một lính lục quân Mỹ đang ăn trưa với suất ăn MRE

Theo Soldiers Project, mỗi gói MRE của quân đội Mỹ cung cấp khoảng 1.200 calo và có thể ăn tối đa trong 21 ngày (sau khi đã bóc túi bảo quản). Theo một số tính toán, cơ thể nam giới cần khoảng 2.500 calo mỗi ngày, do vậy chỉ cần 2 túi MRE là đủ cho một binh sỹ trong một ngày.

Thời hạn bảo quản tối thiểu của mỗi gói MRE là ba năm, mặc dù thời hạn này có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện bảo quản.

Các gói MRE được chế tạo từ những vật liệu có thể chịu đựng những cú rơi dù từ độ cao 400m, mỗi gói nặng 510 – 740g tùy thuộc vào thành phần  trong túi.

Một gói thường có món chính, món phụ, món tráng miệng hoặc đồ ăn nhẹ dạng như bánh snack. Các món ăn nhẹ phổ biến trong MRE cho binh sỹ Mỹ là bánh quy giòn hoặc bánh mì, thạch, bơ đậu phộng hoặc hỗn hợp pho mát và đồ uống dạng bột (ca cao, cà phê hòa tan hoặc trà…).

Ngoài ra còn có một cái muỗng, một máy hâm nóng thức ăn không lửa và một túi pha đồ uống.

Túi MRE còn có thêm một số thứ khác, bao gồm kẹo cao su, gia vị (muối, đường, tiêu…), bột cà phê, giấy vệ sinh và một cuốn diêm.

Trong điều kiện bình thường, binh sỹ Mỹ sẽ có nhà ăn và đầu bếp riêng

Binh sỹ Mỹ chỉ ăn MRE khi hành quân hoặc làm nhiệm vụ trong điều kiện dã chiến. Trong trường hợp này, MRE là nguồn thức ăn duy nhất mà họ có. Trong điều kiện bình thường, họ sẽ có nhà ăn và đầu bếp riêng.

>>>Những chuyện ít biết về lương thảo trong quân đội Trung Quốc thời cổ đại

>>>Quân đội Trung Quốc cổ đại: Mâm tiệc ê hề rượu thịt khao quân trước khi ra trận

>>>Quân lính Thành Cát Tư Hãn hay Napoleon ăn gì khi đánh trận?

>>>Chuyện ăn uống trong quân đội Trung Quốc thời hiện đại

Nguyễn Xuân Thủy (Nguồn: History.com; Soldiers Project)

Tin mới