Tại tỉnh Nghệ An, mặc dù học sinh các cấp mới đi học trở lại từ cuối tháng 12/2021, nhưng một số trường học trên địa bàn TP Vinh đã xuất hiện các ca F0, với tổng số 17 học sinh mắc COVID-19. Do các nhà trường đều thực hiện nghiêm “5K”, nên chỉ các lớp có học sinh là F0, học sinh là F1 mới chuyển sang học trực tuyến, các lớp còn lại tiếp tục học trực tiếp.
Bộ GD&ĐT sẽ linh hoạt điều chỉnh dạy học theo diễn biến dịch COVID-19.
Tỉnh Ninh Bình cũng liên tục ghi nhận các ổ dịch trong cộng đồng, trong đó có nhiều ổ dịch phát hiện tại các trường học ở TP Ninh Bình. Ông Đinh Xuân Cấp, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Ninh Bình cho biết, hiện còn 3 trường phải cho học sinh tạm dừng học trực tiếp.
“Để đảm bảo việc học của các em học sinh không gián đoạn, Phòng GD&ĐT TP Ninh Bình đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng phương án để tổ chức dạy học cho các em học sinh. Với những em học sinh mà gia đình có điều kiện trang bị thiết bị thông minh như iPad, máy tính, điện thoại thông minh thì sẽ tổ chức dạy học tuyến. Những gia đình không có trang bị thiết bị thông minh thì nhà trường sẽ phối hợp với phụ huynh để giao bài và có phương án, khi các em học sinh đi học trở lại sẽ bù đắp kiến thức cho các em”, ông Đinh Xuân Cấp cho hay.
Từ 10/1 tới, trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có thêm quận Cầu Giấy phải cho học sinh lớp 12 ngừng tới trường do quận này tăng cấp độ dịch từ mức độ 2 sang mức độ 3 - vùng cam. Các quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ và huyện Thanh Trì chuyển từ cấp độ dịch mức độ 3 xuống mức độ 2. Theo kế hoạch, học sinh lớp 12 tại trường có mức độ dịch cấp độ 1, 2 thuộc quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ được đến trường.
Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết, học sinh lớp 9 và lớp 12 tại trường thuộc xã, phường vùng xanh, vùng vàng được phép trở lại lớp. “Hiện Thanh Trì đang ở vùng dịch có cấp độ 2. Tất cả những xã trong cấp độ dịch 2 thì đều thực hiện các văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo là cho học sinh lớp 9 quay trở lại học trực tiếp. Còn lại những xã nằm trong cấp độ dịch 3 thì cho học sinh học online theo theo quy định”.
Thời gian gần đây, học sinh cuối cấp là khối 9, khối 12 đứng trước sự thay đổi liên tục về hình thức học tập. Điều này đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho nhà trường, thầy cô, học sinh trong việc giữ ổn định chất lượng giáo dục.
Sự thay đổi hình thức học tập trong dịch bệnh đã tạo thách thức cho năng lực đào tạo và khả năng thích ứng của các nhà trường. Hiện nay là thời điểm các trường THPT hoàn thành việc tổ chức thi học kỳ 1, vừa tổ chức ôn thi tốt nghiệp và dạy kiến thức học tập để kết thúc năm học đúng tiến độ kế hoạch đề ra.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, những khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục trong năm 2022 sẽ còn nhiều và thậm chí là lớn hơn. Câu chuyện tới lớp học trực tiếp hoặc học trực tuyến, hay tiến hành kết hợp các hình thức vẫn là những phương án được đặt ra.