(VTC News) - Đến Phân đội 70 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam) đóng quân trên cù lao Chàm, chúng tôi nghe kể chuyện vui. “Tháng 9-2009, có đôi vợ chồng nông dân vùng núi lặn lội tìm đến Ban chỉ huy với vẻ mặt lo âu. Theo họ, chiến sĩ Bnước Got, Đại đội Pháo Phòng không 37, con trai họ đã làm việc không tốt là lấy tiền của đơn vị 1 triệu đồng để gửi về cho gia đình, chứ mới đi bộ đội làm gì có tiền”.
Ban chỉ huy đã vui vẻ giải thích cho cha mẹ của chiến sĩ mình biết rõ đó là tiền phụ cấp mà Gót đã tiết kiệm được trong 2 tháng qua. Cha mẹ Gót nghe tới đâu, gương mặt lo âu giãn ra tới đó: “Cám ơn đơn vị giúp con tôi tiết kiệm!Thằng Gót nhà tôi may mắn quá”.
Tiết kiệm phụ cấp để gửi về cho gia đình đã không còn chuyện lạ ở Phân đội 70. Ở Đại đội Hỗn hợp, chiến sĩ Võ Văn Tham, dân tộc Co, xã Trà Kot, Bắc Trà My nhập ngũ đợt 2-2009 khoe: “Ở đây ăn uống đầy đủ, tụi em chẳng phải tiêu gì, chỉ cần chi một ít mua dầu gội, xà phòng, thuốc đánh răng. Tiền phụ cấp có thêm 30 % khu vực biển đảo, 10% binh chủng, nên em tiết kiệm được 5 triệu đồng rồi. Vì nhà xa, lại cách trở biển đảo nên từng tháng em đều nhờ trung đội trưởng giữ giúp. Em định đem tiền này về chạy chữa bệnh khớp cho mẹ và phụ nuôi 2 em ăn học. Ở đơn vị em ai cũng tiết kiệm, nhưng nhiều nhất là Hồ Văn Phú, Phạm Văn Trường, Hồ Văn Dét...”.
Các anh luôn sẵn sàng chiến đấu.
Hai năm nay, từ khi đơn vị phát động “Tiết kiệm xây dựng hậu phương’’ rất nhiều chiến sĩ đã biết tiết kiệm từ tiền phụ cấp gửi về cho gia đình hoặc để dành làm vốn sau này mua sắm phương tiện làm ăn. Đơn vị động viên cán bộ các cấp giữ tiền giúp chiến sĩ nếu anh em yêu cầu và nhất thiết phải ghi chép đầy đủ để người gửi yên tâm.
Qua 18 tháng trong quân ngũ có chiến sĩ tiết kiệm được đến 8 triệu đồng , còn mang về 5 đến 6 triệu đồng thì có hàng chục trường hợp. Ở Đại đội 1 có Chiến sĩ Hồ Văn Kiều, bố mất, số tiền 3 triệu tiết kiệm anh mang về phép cùng với sự giúp đỡ của đơn vị đã giúp gia đình trang trải kịp thời lúc túng bấn. Có chuyện rằng, ngày lên tàu ra quân, nhiều chiến sĩ thấy nhiều tiền quá, sợ mất, nằng nặc nhờ cán bộ giữ giúp cho đến khi vào bờ mới dám nhận lại. Rõ ràng là tiền tiết kiệm cùng số hỗ trợ của Bộ Quốc phòng cho chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự quả là một tài sản lớn, nhất là chiến sĩ gia đình khó khăn.
Cả gia đình “mê” đảo
Trong căn nhà xinh xắn trên đảo cù lao Chàm, thành phố Hội An, Thiếu tá Vũ Văn Đích, Phó chỉ huy trưởng Quân sự Phân đội 70 cùng vợ là Vũ Thị Doan bồi hồi nhớ lại ngày đầu hạ “neo” ở đây với muôn vàn khó khăn.
Quê Hải Dương, tốt nghiệp trường Sĩ quan Pháo binh và nhận công tác ở Phân đội 70 được một năm thì năm sau Vũ Văn Đích lập gia đình với cô gái cùng làng, làm công nhân dệt. Chồng một nơi, vợ một nẻo, về thăm cũng chỉ được mùa hè, ngày Tết gặp lúc biển động thì cũng đành gửi nỗi nhớ về phương bắc.
Giờ nghỉ của chiên sĩ Phân đội 70 trên đảo cù lao Chàm.
Năm 1999, anh quyết định đưa vợ và con gái nhỏ vào Quảng Nam. Những ngày đầu ra đảo, chỗ ở chưa có, hai vợ chồng phải thuê nhà, sau đó vay tiền làm tạm 1 gian, mua tạp hóa về bán. Năm 2009, được Bộ CHQS tỉnh quan tâm hỗ trợ nhà đồng đội với số tiền 50 triệu đồng, anh làm thêm 2 phòng rộng rãi. Gian tạp hóa của chị nhờ thế cũng bán nhiều mặt hàng hơn, hai vợ chồng càng có điều kiện nuôi nấng cô con gái đang học lớp 7 và cậu con trai mẫu giáo.
Theo anh Đích thì ngoài trường hợp anh đưa vợ từ Bắc vào, số cán bộ của đơn vị lấy vợ trên đảo tính ra đã lên đến 7 cặp. Hậu phương vững chắc càng làm cho người lính gắn bó với nơi đầu sóng ngọn gió. Có anh theo niên hạn đã chuyển vào đất liền, nhưng vẫn để vợ con trên đảo, ngày nghỉ lại ra thăm.
Chị Doan khoe: Mấy năm gần đây anh Đích về tiểu đoàn bộ, được gần nhà, vợ chồng cùng cơm nước chứ trước đây công tác ở các đại đội trên núi, bám đơn vị suốt. Nhưng biết anh đang ở bên mình là vui rồi. Cả gia đình tôi ai cũng “mê” đảo. Gần như năm nào ông bà nội hoặc ngoại các cháu cũng vào thăm và tận hưởng không khí trong lành ở đây, có khi ở cả tháng. Có lần ông nội trên đường vào Bình Dương thăm chú em, cứ muốn ra đảo nhưng đúng dịp thời tiết xấu không ra được, cứ tiếc mãi... Hiện nay cù lao Chàm là thắng cảnh du lịch, khách vào ra nườm nượp nên vui hẳn, mới thấy 12 năm trước mình quyết định theo chồng ra đảo là... sáng suốt.
Cả chị Doan và anh Đích cùng cười hạnh phúc. Ngoài kia sóng vẫn mải miết vỗ bờ như rì rầm kể về chuyện tình người lính Phân đội 70...
Hồng Vân