Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Liệt nửa người, não tổn thương vì viêm não Nhật Bản

(VTC News) -

Tại nhiều bệnh viện, số trẻ nhỏ mắc viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản có xu hướng gia tăng, việc phát hiện muộn đã để lại nhiều di chứng đáng tiếc.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé N.T.T (7 tuổi, ở Nghệ An) bị liệt nửa người bên phải, cơ thể và cánh tay bên trái run bần bật, tri giác nhận biết lơ mơ. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bé T đã không còn phải dùng máy thở nhưng hậu quả của tổn thương não thì vẫn hiện hữu, khó hồi phục.

BS Đào Hữu Nam, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới chia sẻ, bệnh nhi bị tổn thương não nặng nề. Bốn ngày trước vào viện, trẻ sốt cao, co giật, sau đó hôn mê và được chẩn đoán viêm não Nhật Bản.

"Trẻ đã thoát giai đoạn nặng nhưng lâu dài thì còn nhiều khó khăn vì liên quan đến tổn thương não, chưa tự đi tiểu được", BS Nam thông tin.

Tương tự, bé N.D K (7 tuổi, ở Thái Nguyên) vừa nhập viện được hai ngày cũng được chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Dù trong tình trạng nhẹ hơn nhưng cơ thể bệnh nhi yếu và tinh thần cũng chưa tỉnh táo.

Chị N.T.B (mẹ bé K) cho biết: "Trước đó, con ở nhà sốt run người và cứ ăn vào là nôn. Ngày đầu tiên, gia đình chỉ cho con uống thuốc hạ sốt nhưng không hiệu quả nên đưa vào khám ở bệnh viện tỉnh. Điều trị 2 ngày con vẫn sốt liên tục, gia đình xin được chuyển về Bệnh viện Nhi".

Với trường hợp của K, BS Nam cho biết, trẻ được phát hiện sớm, nhập viện kịp thời nên tình trạng chưa diễn tiến xấu, cơ hồi phục hồi tốt.

Một trường hợp khác là bé trai 12 tuổi (ở Phúc Thọ, Hà Nội). Bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản, sốt cao, cứng gáy, đi lại loạng choạng. Đây là ca bệnh đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản tại Hà Nội trong năm nay.

Trẻ mắc viêm não Nhật Bản đang được điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Dấu hiệu bệnh khó nhận biết

BS Nam cho hay, từ đầu năm tới nay, tại bệnh viện ghi nhận khoảng 10 ca viêm não Nhật Bản, hơn 50 ca viêm não và hàng trăm ca viêm màng não do virus, vi khuẩn. Đa phần bệnh nhi viêm não Nhật Bản nhập viện trong tình trạng rất nặng, sốt cao liên tục, co giật, hôn mê...

Di chứng thường gặp ở trẻ là liệt tứ chi, phụ thuộc máy thở với trẻ mắc viêm não Nhật Bản rất nặng. Nếu bệnh nhẹ và vừa, trẻ sẽ có khả năng hồi phục dần.

Thông tin từ BV Sản Nhi Phú Thọ, chỉ tính riêng tuần đầu tiên của tháng 6, tỷ lệ bệnh nhi nhập viện vì mắc bệnh này đã tăng lên gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

BS Phùng Thị Phương Ngọc, khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, thời tiết miền Bắc hiện nắng nóng, thỉnh thoảng có mưa và xen kẽ đợt không khí lạnh. Đây điều kiện thuận lợi để các virus, vi khuẩn phát triển mạnh, tấn công và gây hại cho sức khỏe con người, nhất là trẻ nhỏ.

Theo BS Ngọc, bệnh viêm màng não nguy hiểm ở chỗ có thể lây qua đường hô hấp và các triệu chứng ban đầu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như sốt, nôn ói, đau đầu…Nhiều phụ huynh do đó chủ quan, bỏ qua các triệu chứng cảnh báo này nên khi trẻ được đưa tới bệnh viện thì tình trạng đã nặng.

Cần được điều trị sớm

Cũng theo BS Ngọc, việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị. Do đó, ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, nôn trớ, cứng gáy, ù tai, sợ ánh sáng… phụ huynh cần nghĩ ngay tới bệnh viêm não, viêm màng não và cho trẻ đi khám kịp thời.

Còn theo BS Nam, viêm não, viêm màng não do virus tỷ lệ khỏi cao, không để lại di chứng. Tuy nhiên với viêm màng não do vi khuẩn thì tùy từng căn nguyên, tùy tình trạng bệnh nhân đến bệnh viện sớm hay muộn, điều trị có đáp ứng thuốc hay không.

"Nếu phát hiện sớm và đáp ứng thuốc, trẻ có thể khỏi hoàn toàn. Ngược lại nếu không đáp ứng thuốc, nhiễm khuẩn toàn thân hay kèm bệnh nền…thì có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ", BS Nam nói.

BS Nam cũng đặc biệt lưu ý, đa phần trẻ lớn mắc viêm não Nhật Bản là do chưa được tiêm mũi vaccine nhắc lại. Do vậy, thường sau 3 mũi tiêm ở 2 năm đầu đời, trẻ cần được tiêm nhắc lại các mũi sau 3-5 năm sau, đến khi 16 tuổi. Hiện cũng đã có loại vaccine mới có thể chỉ tiêm lại một mũi duy nhất.

Phòng tránh cách nào?

Để phòng tránh bệnh viêm màng não, BS Tống Thị Ngọc Cầm, Phó giám đốc Trung tâm Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vaccine đủ và đúng lịch.

Các vaccine có thể phòng bệnh viêm màng não bao gồm vaccine 6 trong 1 Infanrix Hexa, Hexaxim, vaccine 5 trong 1 Pentaxim, vaccine ngừa viêm màng não do vi khuẩn phế cầu (vaccine Synflorix và Prevenar 13); vaccine ngừa viêm màng não do não mô cầu nhóm BC (vaccine VA-Mengoc-BC), nhóm A, C, Y, W-135 (vaccine Menatra) và viêm màng não mô cầu B thế hệ mới Bexsero; vaccine ngừa cúm.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, cho trẻ ăn chín, uống sôi, hạn chế các tác nhân gây bệnh như E.coli, HiB, não mô cầu, phế cầu, lao....

Nguồn: Báo Giao thông

Tin mới