Năm 2024 vốn đã là một năm tồi tệ đối với Boeing, tập đoàn hàng không vũ trụ Mỹ. Tuy nhiên, khi một chiếc máy bay của hãng gặp sự cố hạ cánh khẩn cấp tại Hàn Quốc vào 29/12 vừa qua, khiến 179 trong tổng số 181 hành khách thiệt mạng, danh tiếng của hãng gần như đang đứng trên bờ vực.
Alan Price, cựu phi công trưởng tại Delta Air Lines, hiện là cố vấn, nhận định rằng chiếc Boeing 737-800 gặp sự cố càng đáp vừa qua, “vốn là một dòng máy bay đã được chứng minh về độ tin cậy. Đây là một chiếc máy bay rất an toàn".
Người thân nạn nhân đau đớn trước vụ tai nạn thảm khốc ở sân bay Muan, Hàn Quốc, hôm 29/12. (Ảnh: EPA)
Tuy nhiên thực tế dường như lại phủ nhận điều đó. Trong cùng ngày, một chiếc Boeing 737-800 khác cũng phải thực hiện hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Torp Sandefjord, Na Uy. Theo thông báo được Hãng hàng không Hoàng gia Hà Lan (KLM) đăng tải trên nền tảng X, chuyến bay KL1204 đã bị trượt khỏi bên phải đường băng 18 sau khi hạ cánh. Chiếc máy bay trước đó đã đổi hướng đến sân bay Sandefjord Torp, cách Oslo 110 km, ngay sau khi cất cánh từ sân bay Oslo.
Trang tin ap7am.com cho biết, tổ lái đã quyết định chuyển hướng máy bay đến sân bay Sandefjord Torp để thực hiện hạ cánh khẩn cấp. Dù máy bay đã hạ cánh an toàn, nó vẫn bị trượt khỏi đường băng và dừng lại trên bãi cỏ gần đó. Sự cố này được cho là do hệ thống thủy lực của máy bay gặp trục trặc.
Danh tiếng về an toàn của Boeing đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau 2 vụ tai nạn liên quan đến dòng 737 Max xảy ra ngoài khơi Indonesia và tại Ethiopia trong vòng chưa đầy 5 tháng, từ năm 2018 đến 2019, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Trong 5 năm kể từ thời điểm đó, Boeing đã mất hơn 23 tỷ USD và tụt lại phía sau đối thủ châu Âu là Airbus trong việc bán và bàn giao máy bay mới.
Tháng 1 năm nay, một nắp cửa đã bung ra trên chiếc 737 Max của hãng Alaska Airlines. Các cơ quan quản lý tại Mỹ đã phản ứng bằng cách áp đặt giới hạn sản xuất đối với máy bay của Boeing, và tuyên bố rằng các hạn chế này sẽ được duy trì cho đến khi họ cảm thấy an tâm về quy trình sản xuất của công ty.
Nắp cửa chiếc 737 Max 9 bung ra khi bay. (Ảnh: AP)
Tháng 7, Boeing đồng ý nhận tội âm mưu gian lận trong việc lừa dối Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cơ quan đã phê duyệt dòng 737 Max dựa trên các thông tin chưa đầy đủ từ Boeing. Sự thiếu sót này đã dẫn đến việc FAA chỉ yêu cầu đào tạo trên máy tính thay vì các khóa huấn luyện chuyên sâu trên buồng lái mô phỏng, vốn sẽ làm tăng chi phí vận hành cho các hãng hàng không và có thể khiến họ chuyển sang mua máy bay từ Airbus.
Tuy nhiên, các công tố viên cho biết họ không có đủ bằng chứng để khẳng định sự lừa dối này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn.
Che giấu các bộ phận bị lỗi?
Hôm 1/10, tờ Business Insider thông tin Hội đồng An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã đưa ra cảnh báo mới về các dòng máy bay 737 của Boeing, lưu ý rằng ít nhất 40 hãng hàng không ngoài nước Mỹ có thể đang vận hành các máy bay có bộ phận bị lỗi. Trong thông cáo báo chí ngày 26/9, NTSB cho biết họ đã đưa ra các khuyến nghị an toàn khẩn cấp đối với Boeing và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).
Theo thông cáo, NTSB đang điều tra sự cố xảy ra ngày 6/2 với một chiếc Boeing 737 Max 8 của hãng United Airlines. Chiếc máy bay này gặp hiện tượng kẹt bàn đạp điều khiển bánh lái trong khi hạ cánh tại sân bay Newark Liberty, bang New Jersey.
Các nhà điều tra của NTSB đã thử nghiệm một bộ dẫn hướng điều khiển bánh lái – một trong các bộ phận điều khiển bánh lái của chiếc máy bay gặp sự cố – tại nhà sản xuất Collins Aerospace. Khi so sánh với một bộ phận tương tự từ một máy bay khác, cả hai thiết bị đều không đạt yêu cầu. NTSB phát hiện độ ẩm bên trong cả hai bộ phận này.
Collins Aerospace sau đó kết luận rằng các vòng bi kín trong thiết bị đã được lắp ráp sai, làm cho mặt không được bịt kín dễ bị thấm ẩm, có thể đóng băng và hạn chế khả năng hoạt động của hệ thống bánh lái.
Hướng dẫn vận hành của Boeing khuyến cáo phi công đối mặt với bánh lái bị kẹt nên áp dụng "lực tối đa" để vượt qua tình trạng này. Tuy nhiên, NTSB cảnh báo việc sử dụng lực tối đa trên các hệ thống bánh lái bị lỗi có thể "gây mất kiểm soát hoặc trượt khỏi đường băng".
Chủ tịch NTSB, Jennifer Homendy, cho biết Boeing đã nhận được 353 thiết bị dẫn hướng bị lỗi kể từ tháng 2/2017. Trong số này, 271 thiết bị có thể đã được lắp đặt trên các máy bay đang vận hành bởi ít nhất 40 hãng hàng không nước ngoài, và 16 thiết bị "có thể vẫn đang được sử dụng trên các máy bay đăng ký tại Mỹ".
Bà Homendy cũng chỉ trích Boeing vì không thông báo cho United Airlines về việc các thiết bị bị lỗi đã được lắp đặt trên các máy bay mà hãng bàn giao.
Guy Gratton, phó giáo sư về hàng không và môi trường tại Đại học Cranfield, cho rằng các lỗi linh kiện đang khiến danh tiếng Boeing tổn hại. Khi trả lời phỏng vấn BI vài tháng trước, ông vẫn khẳng định: "Tôi vẫn cảm thấy an tâm khi bước lên một chiếc Boeing 737, và thực tế tôi vẫn làm vậy — nhưng các lỗi liên tục cho thấy công ty đang gặp rắc rối, và các sản phẩm của họ kém tin cậy hơn so với các đối thủ cạnh tranh".
Danh tiếng của dòng 737 nói riêng và Boeing nói chung đang ngày càng lung lay sau hàng loạt sự cố. (Ảnh: NBC)
Năm nay, hàng loạt người tố giác cũng đã cáo buộc Boeing lơ là trong kiểm soát an toàn và chất lượng. Một số cáo buộc gây chấn động đã được công khai trong báo cáo dài 204 trang của tiểu ban Thượng viện Mỹ công bố ngày 17/6, nhằm điều tra về các thực hành an toàn và chất lượng của Boeing.
Trong báo cáo, Sam Mohawk, một thanh tra đảm bảo chất lượng của Boeing, cho biết công ty đã mất dấu hàng trăm bộ phận bị lỗi của dòng 737 và ra lệnh cho nhân viên che giấu các bộ phận máy bay được lưu trữ không đúng cách để tránh bị thanh tra FAA phát hiện.
Merle Meyers, cựu quản lý chất lượng của Boeing, tiết lộ đội sản xuất của công ty thường xuyên tìm cách thu hồi các bộ phận hỏng từ khu vực "tái chế" ngay cả sau khi chúng đã bị loại bỏ.
Trước áp lực lớn về vấn đề an toàn, Boeing đã hứa nỗ lực thay đổi văn hóa doanh nghiệp. David Calhoun, CEO của công ty, đã rời ghế lãnh đạo vào tháng 8. Từ tháng 1 đến nay, khoảng 70.000 nhân viên của Boeing đã tham gia các cuộc họp nhằm thảo luận cách cải thiện an toàn trong hoạt động sản xuất và vận hành.