Giới chuyên gia nhận định, Triều Tiên có thể đang tận dụng mong muốn có được “di sản ngoại giao” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước khi nhiệm kỳ kết thúc, để thúc đẩy quan hệ liên Triều, qua đó đạt lợi thế trên bàn đàm phán và nhượng bộ từ phía Mỹ.
Tên lửa Triều Tiên. (Ảnh: SMH)
Hàng loạt các vũ khí hiện đại được Triều Tiên trình làng trong các đợt thử nghiệm gần đây, trong đó có vụ phóng thử đầu tiên tên lửa siêu thanh mới Hwasong-8. Đây là loại vũ khí tinh vi mà quân đội Mỹ và Nga cũng đang phát triển.
Trong tuyên bố tại Khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần trước, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song khẳng định quyền phát triển chương trình vũ khí để phòng vệ của nước này: “Trên trái đất này không có quốc gia nào liên tục phải đối mặt với đe dọa chiến tranh như Triều Tiên và cũng không có một dân tộc nào khát khao hòa bình như người dân Triều Tiên. Các biện pháp phòng vệ chiến tranh là quyền đúng đắn để bảo vệ bản thân và ngăn ngừa các hành vi chiến tranh”.
Các động thái mới nhất của Triều Tiên đang khiến nhiều quốc gia lo ngại. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng các hành động này của Triều Tiên nhằm gia tăng sự mất ổn định và an ninh trong khu vực. Đây là lần đầu tiên nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ bình luận trực tiếp về các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Boo Seung Chan nhấn mạnh: “Hàn Quốc đang phân tích ý định các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Các vụ phóng tên lửa là đáng tiếc và diễn ra vào thời điểm chúng ta cần khẩn cấp ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên”.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua tiến hành họp khẩn sau các vụ phóng liên tiếp của Triều Tiên, nhưng không thể đưa ra tuyên bố chung sau khi cuộc họp kết thúc. Phiên họp được tiến hành theo yêu cầu của Mỹ, Pháp và Anh với mong muốn đưa ra thông cáo chung, song vấp phải sự phản đối từ Nga và Trung Quốc cho rằng cần có thêm thời gian để phân tích tình hình.
Sau một thời gian yên ắng, các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên đang được giới quan sát phân tích và đánh giá. Trong khi từ chối đề nghị đối thoại và liên tiếp chỉ trích Mỹ nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đề xuất sẵn sàng khôi phục các đường dây nóng liên Triều trong tháng này.
Một số nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận mới nhất của Triều Tiên là khẳng định tiếp tục chương trình phát triển vũ khí của mình, trong khi tận dụng mong muốn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có được một “di sản ngoại giao” trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào giữa năm sau để thúc đẩy quan hệ liên Triều.
Mục tiêu thứ nhất có thể là “tách hai đồng minh Mỹ và Hàn Quốc” bằng cách theo đuổi liên lạc với Hàn Quốc nhưng cắt đứt với Mỹ. Trong khi đó, cũng có khả năng Triều Tiên sẽ dựa vào Hàn Quốc, để gia tăng sức ép lên Mỹ, giảm bớt các lệnh trừng phạt và các nhượng bộ khác.
Hiện Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ngay sau các vụ thử tên lửa liên tiếp từ phía Triều Tiên, quan chức quốc phòng cấp cao 3 bên đã có cuộc thảo luận, khẳng định phối hợp chặt chẽ trong cách thức phản ứng vấn đề này trong tương lai. Bất chấp việc Triều Tiên từ chối đối thoại, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn khẳng định sẵn sàng thảo luận “mọi vấn đề” với Bình Nhưỡng.