Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIV - 2020: Đổi mới và đa dạng

(VTC News) -

Đổi mới nội dung và cách tiếp cận vấn đề; đa dạng về thông tin, cách thể hiện, phương thức truyền tải là mục tiêu của phát thanh trong thời kỳ mới.

Mọi công tác chuẩn bị cho Liên hoan Phát thanh (LHPT) toàn quốc lần thứ XIV năm 2020 đã sẵn sàng.

Trước thềm Liên hoan, phóng viên VOV.VN có cuộc phỏng vấn nhà báo Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức LHPT toàn quốc lần thứ XIV năm 2020.

- Xin ông cho biết chủ đề và ý nghĩa của LHPT toàn quốc lần thứ XIV - 2020?

LHPT toàn quốc là hoạt động nghiệp vụ do Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) khởi xướng, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1994. Chủ đề của LHPT toàn quốc lần thứ XIV năm 2020 là “Phát thanh đổi mới và đa dạng”.

Như các bạn đã biết, chủ đề của Ngày Phát thanh thế giới (13/2) năm nay được UNESCO lựa chọn là “Phát thanh và sự đa dạng”. Chủ đề của LHPT toàn quốc lần thứ XIV năm nay cũng gắn liền với thông điệp này.

Trong thời kỳ cạnh tranh thông tin khốc liệt như hiện nay, mỗi cơ quan báo chí, mỗi loại hình báo chí muốn tồn tại và phát triển thì phải đổi mới về nội dung, cách tiếp cận vấn đề; sự “đa dạng” mà chúng ta đang nói đến ở đây chính là yếu tố đa dạng về thông tin, đa dạng về cách thể hiện, đa dạng về công nghệ, làm sao để sản phẩm đến với công chúng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Hiện nay, một chương trình phát thanh hiện đại hội tụ rất nhiều yếu tố, không chỉ có nội dung hấp dẫn mà còn có vai trò của người dẫn chương trình, của đạo diễn và của kỹ thuật viên…

Thông qua các hoạt động giao lưu, hội thảo nghiệp vụ chuyên sâu cùng triển lãm về kỹ thuật công nghệ tại LHPT toàn quốc lần thứ XIV, những người làm phát thanh trong cả nước sẽ có cơ hội chia sẻ quan điểm, định hướng phát triển nhằm đổi mới hoạt động nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và hiện đại, với mục tiêu phục vụ công chúng ngày một tốt hơn.

- Được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua quãng thời gian căng mình chống dịch COVID-19, điều này ảnh hưởng như thế nào đến công tác tổ chức LHPT toàn quốc lần thứ XIV? Ông có thể chia sẻ những nét mới của kỳ LHPT lần này?

Theo kế hoạch ban đầu, Vòng chung khảo LHPT toàn quốc lần thứ XIV được tổ chức tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào đầu tháng 5, với ý nghĩa kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên thời gian tổ chức Vòng Chung khảo đã được lùi lại từ 24/6-27/6.

Cũng bởi tác động tiêu cực của dịch COVID-19, các chuyên gia và giảng viên của ABU (Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Châu Á-Thái Bình Dương) không thể sang Việt Nam để tập huấn nghiệp vụ như kế hoạch ban đầu; thay vào đó, hội thảo quốc tế tại LHPT lần này sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với một số điểm cầu ngoài nước.

LHPT toàn quốc lần thứ XIV năm 2020, ngoài 5 thể loại dự thi như các kỳ liên hoan trước đây (gồm phóng sự, chương trình trực tiếp, chương trình tổng hợp, chương trình tiếng dân tộc, câu chuyện truyền thanh), có thêm thể loại phỏng vấn; đây cũng là thể loại thế mạnh của phát thanh. Ban Tổ chức cũng sẽ tiến hành trao giải thưởng cho những người dẫn chương trình xuất sắc nhất.

Một nét mới nữa tại kỳ LHPT năm nay là triển lãm ảnh về hoạt động nghiệp vụ của phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các Đài Phát thanh - Truyền hình trong cả nước. Thông qua triển lãm ảnh, các đơn vị và đông đảo công chúng có thể hiểu hơn về hoạt động nghiệp vụ của những người làm phát thanh, qua đó có cái nhìn chân thực, toàn diện về những phóng viên “báo nói”.

- Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như hiện nay với rất nhiều loại hình truyền thông mới, ông đánh giá như thế nào về vị thế, vai trò của phát thanh trong dòng chảy chung của truyền thông hiện đại?

Như chúng ta đều biết, ngành Phát thanh Việt Nam phát sóng chương trình đầu tiên vào ngày 7/9/1945, chỉ 5 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong lịch sử 75 năm xây dựng và trưởng thành của mình, Đài TNVN luôn đồng hành cùng những thăng trầm của dân tộc, cùng nền báo chí cách mạng nước nhà góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của đất nước.

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển, nếu như trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phát thanh luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu, là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa tư tưởng; đến giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, phát thanh gặp phải sự canh tranh khốc liệt về thông tin của báo in, báo truyền hình, báo điện tử và gần đây là sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội. Hiện nay, ngành phát thanh Việt Nam có 4 cấp là: Đài Phát thanh Quốc gia; Đài Phát thanh truyền hình các tỉnh, thành phố; Đài truyền thanh huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở xã, phường, thị trấn.

Theo quy luật phát triển khách quan, mỗi thời kỳ đều sẽ có một loại hình báo chí đóng vai trò nhất định, tuy nhiên không thể triệt tiêu các loại hình báo chí khác. Ở giai đoạn này, trong bối cảnh truyền thông hiện đại đang không ngừng thay đổi bức tranh báo chí thế giới, những người làm phát thanh phải luôn suy nghĩ về cách tiếp cận vấn đề, phải đổi mới, sáng tạo ra sao cho phù hợp xu thế?!. Mỗi loại hình báo chí đều có những cách riêng hướng tới mục tiêu cuối cùng là tiếp cận công chúng, phát thanh cũng như vậy.

Với ưu thế “rộng và không giới hạn”, phát thanh hiện đại có sức mạnh rất lớn khi tham gia vào việc xử lý các khủng hoảng đặc biệt, các tình huống khẩn cấp như thiên tai, tai nạn, cháy nổ, tụ tập đám đông...

Tôi xin đơn cử ví dụ, trong thời điểm dịch COVID-19 vừa qua, vai trò của phát thanh đã được khẳng định rõ nét. Tại nhiều địa phương, hệ thống truyền thanh không dây được sử dụng tối đa trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch, với việc phổ biến kịp thời các văn bản chỉ đạo, các hướng dẫn phòng chống dịch của ngành y tế đến nhân dân, góp phần hạn chế việc tụ tập đông người, hạn chế nguy cơ lây nhiễm...

Theo thống kê sơ bộ, trong thời gian giãn cách xã hội, mỗi ngày, các đơn vị biên tập của Đài TNVN sản xuất, phát sóng gần 300 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về dịch COVID-19. Là thành viên của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Đài TNVN được Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá cao trong công tác tuyên truyền.

Về kỹ thuật, Đài TNVN không chỉ dừng ở việc phát trực tiếp qua sóng phát thanh mà còn phát qua các nền tảng công nghệ số, mạng Internet. Đài TNVN cũng đã thử nghiệm thành công phát thanh số và đang trình Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan để công bố quy hoạch phát thanh số của Việt Nam.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các phương tiện thông tin hiện đại ngày càng đa dạng, phong phú, cả cơ quan báo chí và các nhà báo của Đài TNVN cũng cần có sự đổi mới, trong đó nhà báo cần tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, mạng xã hội để định hướng và lan tỏa những thông tin hữu ích. Phát thanh giờ đây không chỉ đơn thuần là chiếc radio mà đang là đa phương tiện, đa loại hình phát sóng…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng-Vũ Toàn/VOV.VN

Tin mới