Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và những điều người lao động cần biết

(VTC News) -

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đối với người lao động có lịch làm việc cố định 5 ngày/tuần (nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật) là 7 ngày liên tục, hưởng nguyên lương.

Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (gọi tắt là công chức, viên chức) là 7 ngày liên tục. 

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Cụ thể, công chức, viên chức được nghỉ Tết Âm lịch năm 2024 từ thứ Năm ngày 8/2/2024 Dương lịch (29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/2/2024 Dương lịch (mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động.

Các cơ quan, đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ Nhật, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Người lao động có lịch làm việc cố định 5 ngày/tuần (nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật) được nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 7 ngày liên tục. 

Đối với người lao động không thuộc nhóm đối tượng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu người sử dụng lao động quyết định phương án nghỉ Tết Âm lịch lựa chọn 1 ngày cuối năm Quý Mão và 4 ngày đầu năm Giáp Thìn hoặc 2 ngày cuối năm Quý Mão và 3 ngày đầu năm Giáp Thìn hoặc 3 ngày cuối năm Quý Mão và 2 ngày đầu năm Giáp Thìn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ Tết Âm lịch cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức và yêu cầu các cơ quan, tổ chức thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.

Những quy định người lao động cần biết liên quan nghỉ Tết Nguyên đán

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn sử dụng người lao động làm thêm giờ vào ngày Tết phải được sự đồng ý của người lao động (trừ một số trường hợp công ty được điều động làm thêm giờ mà không cần người lao động đồng ý quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019).

Nếu người lao động đồng ý làm việc trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán, mức lương được hưởng sẽ theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể:

Trường hợp làm thêm dịp Tết Nguyên đán vào ban ngày: Được trả ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày (tổng cộng là 400%).

Trường hợp làm thêm dịp Tết vào ban đêm: Được trả ít nhất bằng mức tiền lương làm thêm ban ngày + tiền lương trả thêm khi làm vào ban đêm + tiền lương trả thêm khi làm thêm giờ vào ban đêm của ngày nghỉ lễ. Trong đó:

Làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm thì người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày nghỉ lễ.

Phần tiền làm thêm của người lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân. 

Cơ quan có bắt buộc phải thưởng người lao động Tết Nguyên đán không?

Theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng cho người lao động dịp Tết Nguyên đán không mang tính bắt buộc mà do người sử dụng lao động quyết định dựa vào kết quả kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan quản lý lao động và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Trong trường hợp đơn vị quản lý lao động có quy định rõ điều kiện, quy chế thưởng hoặc có điều khoản cụ thể trong hợp đồng đối với người lao động, người lao động có thể xem xét đối chiếu.

Trường hợp người lao động đã thỏa mãn điều kiện thưởng thì công ty phải thưởng theo đúng quy định tại quy chế thưởng hoặc các điều khoản đã ký kết tại hợp đồng lao động. 

Huyền Thanh

Tin mới