Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lệnh trừng phạt của Mỹ còn hiệu quả?

(VTC News) -

Theo phân tích về chính sách chiến tranh kinh tế của Nhà Trắng của Washington Post, chính phủ Mỹ đang áp đặt lệnh trừng phạt với 1/3 số quốc gia trên thế giới.

Xu hướng trừng phạt kinh tế tăng đột biến trong bốn chính phủ Mỹ gần đây, đạt đến đỉnh điểm dưới thời Tổng thống Joe Biden, với hơn 6.000 lệnh trừng phạt chỉ trong hai năm. Những lệnh trừng phạt này được cho là tạo ra ảnh hưởng không cân xứng đến các quốc gia thu nhập thấp, và ảnh hưởng đến chính các doanh nghiệp Mỹ.

Cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, ông Bill Reinsch nói với Washington Post: “Đó là thứ duy nhất nằm giữa ngoại giao và chiến tranh, do đó, đã trở thành công cụ chính sách đối ngoại quan trọng nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, không ai trong chính phủ chắc chắn rằng toàn bộ chiến lược này có hiệu quả”.

"Mọi thứ chúng ta làm đều là trừng phạt"

Việc Washington sử dụng đồng USD làm “vũ khí” nhiều lên sau các cuộc tấn công ngày 11/9 tại thành phố New York. Trước lúc đó, các lệnh trừng phạt kinh tế chủ yếu nhắm vào các quốc gia mà Mỹ xem là có nguy cơ an ninh đối với họ như Cuba và Libya, để ngăn chặn các nước này tham gia vào hệ thống tài chính toàn cầu.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ tập trung vào Trung Mỹ, sau đó chuyển dịch dần về phía đông. 

Từ năm 2001 trở đi, lệnh trừng phạt được các tổng thống Mỹ sử dụng một cách tự do hơn, nhằm cô lập các quốc gia. Đặc biệt, chiến lược này chuyển sang Tây Á và xa hơn về phía đông. “Khi Bộ Tài chính trở thành một bên chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách Mỹ bắt đầu hiểu được sức mạnh bá quyền tài chính của quốc gia này”, tờ Washington Post bình luận.

Theo Washington Post, sự gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ trên toàn cầu diễn ra song song với sự phát triển của “ngành công nghiệp vận động hành lang” và gây ảnh hưởng trị giá hàng tỷ USD, trong đó các chính phủ nước ngoài và các tập đoàn xuyên quốc gia “chi những khoản tiền ngất ngưởng để gây ảnh hưởng đến hệ thống”.

“Quốc hội tham gia vào hành động này, liên tiếp đưa ra với Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng các yêu cầu trừng phạt, trong một số trường hợp, dường như nhằm mục đích cắt đứt sự cạnh tranh của nước ngoài đối với các ngành công nghiệp trong nước”, bài báo nêu. Thậm chí, năm 2011, một quan chức giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Mỹ còn từng hát một bài hát có tựa đề “Mọi điều nhỏ chúng ta làm đều là trừng phạt”.

“Các lệnh trừng phạt thông minh sẽ là một bữa tiệc tự chọn mà mỗi lệnh trừng phạt cụ thể được áp dụng phù hợp với hành vi và điều kiện của mỗi quốc gia”, George Lopez, chuyên gia về lệnh trừng phạt tại Đại học Notre Dame, nói với tờ Washington Post. “Nhưng ở đây, các nhà hoạch định chính sách như bước vào một bữa tiệc buffet và món gì họ cũng lấy vào đĩa của mình”.

Ảnh hưởng sâu rộng

Vói cách tiếp cận này, một bộ phận các quan chức Nhà Trắng được cho là đã bỏ qua tác động tàn phá của các chính sách trừng phạt đối với nền kinh tế, trong khi vô số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt gây ra thiệt hại to lớn và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người.

“Sự thật là các lệnh trừng phạt này gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và thường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng… Ngay sau khi áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với một quốc gia, nhiều loại thuốc thiết yếu không được cung cấp nữa. Ngay cả việc sản xuất một số loại thuốc đang diễn ra tại quốc gia đó cũng giảm hoặc thậm chí dừng lại do thiếu hụt các thành phần cơ bản hoặc phụ tùng máy móc”, nhà nghiên cứu người Iran Farrokh Habibzadeh viết trong bài được The Lancet công bố vào năm 2018.

“Việc thiếu phụ tùng không chỉ ảnh hưởng đến các thiết bị y tế mà còn ảnh hưởng đến các cơ sở hạ tầng cần thiết khác như máy phát điện; và khi tình trạng mất điện thường xuyên sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng (hỏng vaccine, thuốc, máy thở, máy theo dõi, v.v.). Hàng trăm nghìn người có thể chết trong im lặng vì bệnh tật. Nhưng ảnh hưởng này có thể không được chú ý đúng mức”, Habibzadeh nói thêm.

Trong khi đó, theo Ben Rhodes, cựu phó cố gấn về an ninh quốc gia dưới chính quyền Obama, có một tâm lý kỳ lạ ở Washington là “nếu có điều gì đó tồi tệ xảy ra, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, Mỹ sẽ trừng phạt một số người. Và điều đó thật bất hợp lý. Chúng ta chưa nghĩ về thiệt hại tài sản của các lệnh trừng phạt giống như thiệt hại của chiến tranh”.

Thúc đẩy phi USD hóa

Cũng theo báo cáo, vào năm 2021, các nhân viên của Bộ Tài chính Mỹ đã soạn thảo một đề xuất nội bộ cho chính phủ mới đắc cử nhằm tái cấu trúc hệ thống trừng phạt. Kế hoạch có thể được xem là “cuộc cải tổ chính sách trừng phạt đáng kể nhất trong nhiều thập kỷ”.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã từ chối thực hiện hầu hết các thay đổi này và thay vào đó tăng cường duy trì hàng nghìn lệnh trừng phạt đối với hàng trăm quốc gia, tiếp tục áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hơn nữa.

“Đến thời điểm Bộ Tài chính công bố công khai 'Đánh giá trừng phạt năm 2021 vào tháng 10 năm đó, bản thảo dài 40 trang đã giảm xuống còn 8 trang và không còn nhiều khuyến nghị hữu ích”, Washington Post trích lời những người quen thuộc với đề xuất nội bộ này.

Các cuộc thảo luận tương tự về việc thay đổi chính sách trừng phạt kinh tế của Washington đã sụp đổ vào năm 2022 sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.

"Cho đến gần đây, các nhà hoạch định chính sách phương Tây vẫn duy trì niềm tin vào hiệu quả của các lệnh trừng phạt, mặc dù thực tế họ rõ ràng không đạt được kết quả chính sách mong muốn ở hầu hết các quốc gia... Họ dường như cảm thấy không cần thiết phải tìm hiểu bản chất của vấn đề", Esfandyar Batmanghelidj, Giám đốc điều hành của Bourse & Bazaar Foundation, viết vào đầu năm nay.

Việc Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào các lệnh trừng phạt đã thúc đẩy nhiều quốc gia trên thế giới cân nhắc phi USD hóa trong các hoạt động thương mại song phương. Điều này cũng thúc đẩy sự quan tâm đến các khối kinh tế thay thế như BRICS, Mercosur và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Phương Anh (Nguồn: Washington Post, The Cradle)

Tin mới