Lee Kang-in đang bị chỉ trích dữ dội sau vụ xô xát giữa anh và đội trưởng đội tuyển bóng đá nam Hàn Quốc Son Heung-min.
Nhãn hàng đã tạm dừng hợp đồng quảng cáo với cầu thủ này. Cổ động viên xé áo, tràn vào trang cá nhân để lại thóa mạ, thậm chí một số người kêu gọi cấm anh vĩnh viễn thi đấu cho đội tuyển quốc gia.
Theo Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA), đơn yêu cầu cấm thi đấu vĩnh viễn đối với Lee đã được đệ trình, cùng với đơn từ chức của Chủ tịch KFA Chung Mong-gyu và huấn luyện viên trưởng Juergen Klinsmann. Ủy ban Đội tuyển Quốc gia của KFA hôm 16/2 đã quyết định sa thải Klinsmann sau thất bại đáng thất vọng ở trận bán kết Asian Cup 2023 hồi đầu tháng này.
Trong khi sự chỉ trích đối với Chung và Klinsmann chủ yếu dựa vào màn trình diễn mờ nhạt của Hàn Quốc tại Asian Cup, thì thái độ căm ghét nhằm vào Lee Kang-in, cầu thủ duy nhất của Hàn Quốc lọt vào đội hình tiêu biểu của giải đấu, lại bắt nguồn từ những gì anh đã làm bên ngoài sân cỏ.
"Kẻ lập dị"
Thái độ của Lee đối với Son trong giải đấu cấp châu lục được một số người mô tả là "cuộc nổi loạn", nhưng vụ việc vẫn còn nhiều uẩn khúc.
Hôm 5/2, một ngày trước trận bán kết giữa Hàn Quốc với Jordan, các cầu thủ kỳ cựu và cầu thủ trẻ của Hàn đã vướng vào tranh cãi. Đội trưởng Son Heung-min hẹn gặp mọi người sau bữa tối, nhưng các cầu thủ trẻ quyết định đi chơi bóng bàn.
Sau một hồi xô xát và tranh cãi không rõ nguyên nhân, Son bị trật khớp ngón tay và phải băng bó khi ra sân vào ngày hôm sau.
KFA nhanh chóng xác nhận thông tin về vụ xô xát. Lee đăng story xin lỗi về điều mà anh gọi là tranh cãi. Tuy nhiên, tiền vệ của Paris Saint-Germain nhấn mạnh rằng anh không có hành động tấn công Son như một số phương tiện truyền thông đưa tin.
Son, hiện trở lại khoác áo Tottenham Hotspur của giải Ngoại hạng Anh, vẫn chưa bình luận gì về vấn đề này.
Son Heung-min và Lee Kang-in xô xát trước trận bán kết Asia Cup 2023. (Ảnh: News1)
Trong bóng đá nói riêng hay thể thao nói chung, những cuộc tranh cãi giữa cầu thủ, kể cả khi họ là đồng đội, không thiếu. Thế những, vụ việc giữa hai ngôi sao tuyển Hàn Quốc lại thu hút sự quan tâm lớn, và có vẻ đang bị đẩy đi quá xa, xuất phát từ một số nguyên nhân đặc biệt.
Lee Kang-in được coi là nhân tố đầy hứa hẹn của bóng đá Hàn Quốc. Cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo ở Tây Ban Nha, gia nhập Paris Saint-Germain, một trong những CLB đẳng cấp thế giới.
Theo giới quan sát, anh lớn lên trong một môi trường tương đối tự do, đồng thời là cầu thủ xuất sắc với khả năng rê bóng, kiến tạo, ghi bàn. Ngoài ra, nhờ thể lực tốt, Lee đã đảm nhận vị trí quan trọng hơn dưới thời của HLV Klinsmann so với lúc ông Paulo Bento còn làm huấn luyện viên của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Lee cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích, nơi các thành viên khác coi anh là một "kẻ lập dị", theo The Hankyoreh. Các chuyên gia nhấn mạnh, vì bóng đá là môn thể thao đồng đội nên cá tính mạnh là điều chỉ có thể chấp nhận được trong một giới hạn nhất định.
Sự tôn trọng đối với đội trưởng và huấn luyện viên cũng được biết đến là giá trị tối thượng trong bóng đá châu Âu. Và Hàn Quốc vốn coi bóng đá châu Âu là nơi có cách tiếp cận tiên tiến hơn để học hỏi và áp dụng.
Hiện vẫn chưa rõ chính xác Lee Kang-in đã làm gì trong cuộc cãi vã với Son Heung-min. Sự bất đồng với đồng đội thường không được coi là hành động dẫn đến án treo giò, nhưng hầu hết đội bóng trên thế giới đều đồng ý rằng xô xát gây ra vấn đề nghiêm trọng.
Mọi đội bóng đều có thứ tự phân hạng riêng và việc thách thức quyền lực của đội trưởng hoặc huấn luyện viên không phải lựa chọn khôn ngoan.
Câu chuyện "xách nước bổ cam"
Các cựu cầu thủ và công chúng chỉ trích Lee thiếu tôn trọng Son, người hơn anh 9 tuổi và là ngôi sao bóng đá nổi tiếng nhất tại xứ kim chi. Cựu tuyển thủ Lee Chun-soo cho biết anh "thực sự tổn thương" trước tin tức đồng đội xô xát nhau.
"Thành thật mà nói, tôi nghĩ đây là điều không nên xảy ra. Hàn Quốc là một đất nước có cách cư xử và rất coi trọng mối quan hệ 'sunbae - hoobae' (tiền bối - hậu bối)", anh nói.
Ngoài ra, cựu tuyển thủ thừa nhận rằng đội tuyển hiện tại khác hẳn so với khi anh chơi cho Hàn Quốc những năm 2000.
Văn hóa Hàn Quốc rất coi trọng thâm niên, ngay cả khi chênh lệch tuổi tác chỉ là một năm hay tính bằng tháng. "Hoobae" (hậu bối), ám chỉ người ít kinh nghiệm hơn, được yêu cầu phải tôn trọng "sunbae" (tiền bối), người được kỳ vọng sẽ hướng dẫn và chăm sóc các thành viên trẻ hơn của tổ chức, công ty, trường học hoặc đội thể thao.
Với người Hàn Quốc, tuổi tác không chỉ là con số. Nó bao hàm kinh nghiệm, khả năng, sức mạnh. Tuổi tác và kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập hình thức và bản chất của một mối quan hệ, có thể quyết định cách bạn đối xử với người khác cũng như ngược lại.
Hình ảnh Son Heung-min (bên trái) lúc còn trẻ viral sau vụ xô xát. Ảnh: Jongang.
Tại đội tuyển Hàn Quốc, Son là đại điện của nhóm "sunbae" và Lee được cho đứng đầu nhóm "hoobae". Vì vậy, trong mắt công chúng, vụ xô xát giữa hai cầu thủ này không chỉ là cuộc cãi vã giữa hai đồng đội, mà là mâu thuẫn giữa hai nhóm, thậm chí là hai thế hệ. Và nếu đặt góc nhìn trong một xã hội phân cấp mạnh mẽ như Hàn Quốc, Lee bị chỉ trích nặng nề là điều dễ hiểu.
Nhiều cổ động viên còn so sánh Lee hiện tại với Son cách đây hơn 10 năm. Truyền thông Hàn Quốc nói rằng thời Son còn là em út ở tuyển quốc gia, anh là "ánh sáng của sự tôn trọng". Hình ảnh cầu thủ sinh năm 1992 "xách nước bổ cam" cho các đàn anh khi đó được chia sẻ trở lại.
Thế nhưng, văn hóa "sunbae - hoobae" có tốt trong bóng đá? Thực tế là các huấn luyện viên nước ngoài thường không quen thuộc, thậm chí muốn loại bỏ văn hóa này.
Khi Guus Hiddink đảm nhận vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Hàn Quốc trước World Cup 2002, ông đã đặt ra mục tiêu xóa bỏ hệ thống phân cấp nghiêm ngặt bằng cách yêu cầu các cầu thủ trẻ sử dụng "banmal" - một dạng nói thân mật thường được dùng với những người cùng tuổi.
Hiddink tin rằng sự cả nể phá hủy tính sáng tạo của bóng đá, đồng thời nhấn mạnh triết lý rằng nếu tiền bối mắc lỗi thì ngay cả hậu bối cũng phải chỉ ra và giúp sửa chữa. "Trên sân, bất kể tuổi tác, các cầu thủ phải nói chuyện thân mật và giao tiếp với nhau bất kể thứ bậc để dẫn dắt trận đấu", ông nói.
Hai thập kỷ sau, văn hóa thâm niên không còn quá khắt khe như trước, nhưng tôn trọng người lớn tuổi vẫn là nét đặc trưng, đã ăn sâu vào xã hội Hàn Quốc.