Rất nhiều trường học trưng câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ và Văn ở đây là gì? Và tại sao lại “tiên học lễ” rồi mới đến “hậu học văn”?
Lễ là một trong những khái niệm trung tâm, thậm chí là quan trọng nhất của luân lý Khổng giáo. Khổng giáo đã nâng vai trò của Lễ lên mức tột đỉnh. Lễ chi phối mọi quan hệ nhân sinh trong đời sống xã hội: Khen, chê một con người qua Lễ, đánh giá phẩm chất của một cá nhân cũng qua Lễ; nhận định về thế sự hay sự suy vong, hưng thịnh của một quốc gia cũng qua lăng kính của Lễ. Lễ của Khổng giáo bị cực đoan hóa thành những quy chuẩn đạo đức và cũng hàm chứa cả phẩm chất, năng lực.
Mục đích cao nhất của Lễ được đúc kết trong những luận thuyết của Khổng giáo như: “Vua đối đãi với bầy tôi bằng lễ, bề tôi đối đãi với vua bằng sự trung thành”; “Người trên học lễ thì sẽ dễ sai khiến dân”; “Kẻ tiểu nhân biết lễ thì dễ sai bảo”.
Chữ "lễ" được dạy cho học trò ngày xưa là Lễ theo luân lý Khổng giáo.
Thực chất, cốt lõi của Lễ trong Khổng giáo không phải là để khai hóa người dân mà ngược lại làm cho dân chúng càng thêm mê muội, sùng bái quân vương, thiên tử với những lập luận như “Vua bảo chết mà không chết là bất trung”, rồi coi đó là “đạo trời” và “trời không đổi thì đạo không đổi”. Lễ của Khổng giáo suy cho cùng không phải là để nâng cao phẩm tính con người mà ngược lại, cốt làm cho dân chúng nhu nhược để dễ bề cai trị. Nó không có mục đích nào khác hơn là củng cố uy thế độc tôn của quyền lực chuyên chế, để quần chúng mãi an phận trong tôn ti trật tự mà giới thống trị toàn quyền áp đặt một cách tuyệt đối.
Trong vòng cương tỏa của Lễ này thì Văn tất yếu cũng phải nương nhờ vào đó mà tồn tại, mà diễn bày, tức Văn phải đi trên con đường Lễ đã vạch ra. Lễ và Văn của Khổng giáo là “Lễ khuôn”, “Văn mẫu”. Sự kết hợp này dẫn đến hình thành não trạng “đồng phục” cho cộng đồng, xã hội, và tạo ra thứ “phụ phẩm” không kém phần đặc trưng: Thói háo danh, thói sính chữ kiểu hoa ngôn xảo ngữ của những ngụy quân tử nói một đàng làm một nẻo, hay những ngụy trí thức không dám nói ra chính kiến của mình.
Văn, hiểu rộng ra là tri thức. Tri thức đó cần có sứ mạng độc lập, vượt thoát khỏi vòng kim cô của những trói buộc cũ kỹ, lạc hậu. Văn ấy phải không bị “chăn dắt” bởi cái Lễ giả tạo. Đó mới là Văn đích thực và đảm nhận luôn vai trò của cái Lễ chân chính nhất. Đó là tiến trình nhân văn, hình thành phẩm giá cao quý của con người độc lập, tự chủ, có năng lực tự quyết, tự chịu trách nhiệm với chính đời sống của mình trong sự tương tác tích cực với xã hội vốn không ngừng đổi thay và biến chuyển.
Chung quy lại, Lễ và Văn của Khổng giáo thuộc về xã hội quân thần, là xã hội quy phục, nơi việc duy trì tôn ti trật tự đóng vai trò chính yếu, còn tinh thần sáng tạo năng động bị đẩy xuống hàng thứ yếu.
Dưới ánh sáng của thời đại mới, vấn đề Lễ và Văn cần được xem xét trên bình diện toàn cục vì tương lai giống nòi, vì tiền đồ dân tộc và sự cường thịnh của quốc gia. Không nên cố dán nhãn “ngàn đời”, “bản sắc”, “truyền thống” vào Lễ và Văn để rồi nghiễm nhiên mặc định đó là thứ bất biến một cách giáo điều, bảo thủ, hoặc thậm chí là ngụy biện.
Vấn đề cốt lõi cần nói ở đây là nhân cách và trí tuệ con người - hai mặt của mỗi chỉnh thể. Nhân cách dẫn lối cho trí tuệ đi trên con đường của lương tri và công lý. Trí tuệ soi sáng cho đời sống có nhân cách, lấy phẩm giá con người làm động lực và mục tiêu.
Về phẩm giá con người, lòng tự trọng là một trong những đặc tính nằm ở vị trí trung tâm. Nhân cách và trí tuệ tương hỗ, song hành, thể hiện qua suy nghĩ đúng đắn, lời nói đúng đắn, việc làm đúng đắn và chính trực. Nhân cách và trí tuệ hòa quyện vào nhau trong sự gắn kết hữu cơ không thể tách rời. Và vì thế, không thể hiểu theo kiểu cái nào quan trọng hơn cái nào, hay cái nào trước, cái nào sau. Nhân cách và trí tuệ cũng không thể quan niệm theo công thức thô kiểu “có cái này mà không có cái kia thì…”.
Suy cho cùng, trong mối quan hệ giữa nhân cách và trí tuệ, yếu tố này là điều kiện cần và đủ của yếu tố kia; tức nhân cách là điệu kiện cần và đủ của trí tuệ và ngược lại.
Nhân cách và trí tuệ là giá trị tự thân của mỗi công dân, được rèn luyện bền bỉ trong tự nguyện, tự giác. Chính giá trị tự thân đó hình thành nên những công dân có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng, với xã hội. Tổng hợp và cộng hưởng giá trị tự thân của các công dân sẽ làm nên giá trị của quốc gia, dân tộc. Rộng hơn nữa, nó sẽ tác động tích cực vào việc tạo ra giá trị mang tầm nhân loại với tư cách công dân toàn cầu. Nhân cách và trí tuệ là sự lựa chọn, là lẽ sống của con người có sự tự chủ, có niềm tin, chính kiến, có tư duy độc lập chứ không bao giờ và không thể nào là sản phẩm của sự nhồi sọ, áp đặt, cưỡng chế.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.