Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lễ hội thề không tham nhũng: Sao chỉ có dân thề, vắng bóng 'quan' thề?

Lễ hội độc đáo Minh Thề là nơi những quan lại, chức sắc, công bộc tuyên thề sẽ công tâm, không tư túi, tham nhũng của công nhưng đến nay chỉ còn dân tham gia

(VTC News) -  Lễ hội độc đáo Minh Thề là nơi những quan lại, chức sắc, công bộc tuyên thề sẽ công tâm, không tư túi, tham nhũng của công nhưng đến nay chỉ còn dân và các trưởng thôn tham gia. 

Sáng nay (4/3 - tức ngày 14 tháng Giêng) đến hẹn lại lên, Lễ hội Minh Thề (Minh Thệ) thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên (Kiến Thụy, Hải Phòng) lại chính thức khai hội - Lễ hội có một không hai ở Hải Phòng. 


Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 14,15,16 tháng Giêng, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương cũng như các 'quan chức làng, xã, huyện và thành phố Hải Phòng.


Dân mong ‘quan’ xã, quan huyện’ đến thề

Tuy mới được khôi phục, nhưng Hội Minh Thề lại có sức hút mạnh mẽ đối với người dân bởi đây là ngày hội để cho những người làm ‘quan’ tuyên thề. Đây là khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được xếp hạng.


Ngoài ý nghĩa tâm linh, Lễ hội còn là dịp để giáo dục mọi người đạo lý, nhân cách, nơi mà các quan lại chức sắc làng, xã tuyên thề.


Cột đá thông thiên đặt trước đền, nơi vẫn diễn ra các dịp lễ Minh Thề

Có từ hơn 500 năm nay, Lễ hội Minh Thề là nơi những quan lại, chức sắc, công bộc tuyên thề sẽ công tâm, không tư túi, tham nhũng của công; không dùng quyền uy để chèn ép bóc lột của dân, không bao che tội phạm… Người dân đến với lễ hội cũng không phải mong lấy chữ danh lợi, mà là để tự nguyện sẽ giữ lòng trung thực, ngay thẳng.


Truyền thống quan thề đầy khí phách, mang đậm bản sắc tín ngưỡng và giáo dục đạo đức, lối sống của những người làm quan đã ngày càng mai một khiến lễ hội mất dần đi giá trị đích thực của nó. Lời thề của những người làm quan theo đó đã bị thay đổi. Lời thề bỗng trở thành hiếm hoi. Người tham gia tuyên thề cũng chỉ còn dành cho dân, cho trưởng thôn trong vùng… 


Ông Phạm Phú Oanh - Trưởng làng Hòa Liễu, người suốt 12 năm qua được chọn làm chủ lễ trong lễ hội Minh thề trải lòng: “Ngày nay, lễ hội chỉ còn dành cho những người giữ chức sắc trong làng, các cụ bô lão sẽ uống rượu thề, còn người dân thì đến chứng kiến. 

Các bô lão có uy tín trong làng tham dự lễ hội - Minh Khang 

Về tâm linh, có thể nhiều người không dám thề khi tâm không trong sáng. Tôi mong lễ hội được mở rộng người tham gia thề như “quan” xã, “quan” huyện, thậm chí cấp thành phố và cao hơn – bởi một khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, thì lễ hội truyền thống của di tích cũng nên mở rộng hơn cấp thôn làng. Làm được như vậy thì lễ hội sẽ có sức lan tỏa và ý nghĩa rộng lớn hơn”. 


Hiện tại, xã giao cho thôn tổ chức lễ hội, chứ xã cũng không đứng ra tổ chức. “Mà lẽ ra, xã phải là nơi tổ chức và các lãnh đạo xã cũng nên thề” - ông Oanh nêu quan điểm.

Các 'quan chức' trong thôn lần lượt uống chén rượu có pha tiết gà trước lễ đài thề 

 

Cụ Phạm Đăng Khoa, 81 tuổi, nguyên Phó Ban quản lý Khu di tích Đền chùa Hòa Liễu, người được mệnh danh là "pho sử sống" của làng – cho biết: Hịch văn Minh thề quy định lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công.  Người có công đứng ra tổ chức lễ hội Minh thề được diễn ra liên tục trong nhiều thế kỷ. 


Năm 1993, khu đền chùa Hòa Liễu được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia và khôi phục lễ hội truyền thống. Đến năm 2003, làng tổ chức lại lễ hội Minh thề. Tính đến nay, lễ hội đã tổ chức được 14 năm liên tiếp. Hiện tại, trong làng không xảy ra những vụ trọng án, người dân yêu làng xóm, sống đạo đức, đúng pháp luật.

“Tôi và bà con mong muốn các cán bộ xã, huyện và thành phố cùng tham gia lễ hội thề này vì đây là lễ hội rất có ý nghĩa” - Cụ Nguyễn Văn Nguyền (86 tuổi, thôn Hòa Lễ, xã Thuận Thiên) mong muốn.



Video Lễ hội Minh Thề ở Thuận Thiên (Kiến Thụy, Hải Phòng)


'Quan' xã nói gì?


Nhà sử học Ngô Đăng Lợi - Nguyên Chủ tịch Hội Sử học Hải Phòng cho biết, từ xa xưa, chuyện thề của người dân đã phổ biến trong dân gian, họ dùng thế lực siêu nhiên để chứng minh và một phần hỏa giải những bất đồng, mâu thuẫn trong đời sống xã hội nói chung. 


Đối với lễ hội Minh Thề (hội Minh Thệ) ở thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên từ xưa những người có trách nhiệm lớn như chánh tổng, lý trưởng (Chủ tịch, Trưởng Công an xã bây giờ) làm lễ thề trước thần thánh, có sự chứng giám của người dân. 


Trong buổi lễ, những người tham gia thề có nhiều điều, trong đó nêu lên trách nhiệm của người làm quan, trách nhiệm của người dân và đạo hiếu của người làm con đối với ông bà, cha mẹ... Đặc biệt là những lời thề liên quan đến việc không được lấy của công làm của tư... Mọi việc làm trong lễ hội này đều thể hiện sự tôn kính, cận trọng trước thần linh. “Dối ai thì dối nhưng không dối được Thánh Thần” - Nhà sử học Ngô Đăng Lợi nêu ý kiến.


Cũng theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, đối với lễ hội Minh Thề, thì cho đến nay sử sách chưa thấy ghi chép lại những vụ việc các quan lại ngày xưa tham gia hội thề nhưng không thực hiện theo những lời mình đã thề nên bị thần linh ‘đả tử’. Bởi xưa kia, những quan lại địa phương vùng này thực hiện khá tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.



Tuyên đọc Hịch Minh Thề

Theo quan điểm của nhà sử học Ngô Đăng Lợi, ngày nay, cấp xã, cấp huyện nên nhân rộng hoạt động của lễ hội này, để đội ngũ cán bộ có trọng trách lớn tham gia lễ hội, trước là răn mình, sau là mang lại niềm tin đối với quần chúng nhân dân, sẽ có ý nghĩa to lớn trong cuộc vận động toàn Đảng, toàn dân tích cực tham gia công tác phòng chống tham nhũng, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Trả lời phỏng vấn VTC News về việc người dân mong muốn các ‘quan xã, quan huyện’ cũng nên tham gia hội thề này như các ‘quan thôn’? ông Nguyễn Trọng Khải - Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên cho biết, Lễ hội Minh Thề là một lễ hội có những nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân địa phương, hàng năm đại diện chính quyền, các đoàn thể từ xã đến huyện cũng đều về tham dự lễ hội. Đối với cán bộ, công chức phải thực hiện theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 


Khi đảm nhiệm các nhiệm vụ được giao, bản thân các cán bộ, công chức cũng đã phải hứa trước cơ quan, đơn vị. Còn việc cùng làm lễ thề trước thần linh như “quan thôn” thì không đúng.

Minh Khang

Nguồn:

Tin mới