(VTC News) - Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Mông còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa rất riêng và độc đáo.
Trong đời sống tâm linh của người Mông (Nghệ An) luôn tồn tại những truyền thuyết cổ xưa, những câu chuyện huyền bí kể về sự linh thiêng ở những khu rừng cấm, còn gọi là rừng thiêng. Họ luôn tin rằng trong rừng có thần rừng cai quản, phù hộ và che chở cho dân làng trong cuộc sống hàng ngày.
Vì vậy, thần rừng được tôn thờ và sùng kính như đối với ông bà tổ tiên. Tín ngưỡng thờ thần rừng của người Mông như một sợi dây tâm linh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
|
Người đồng bào dân tộc Mông của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An |
Chẳng thế mà cứ mỗi độ cuối năm, khi cánh hoa đào đã nở trên đỉnh núi, đồng bào dân tộc Mông đã tổ chức lễ cúng rừng rất độc đáo. Địa điểm thờ cúng cũng rất riêng, đó là một khoảng đất trống bằng phẳng nhất, cao nhất trong khu rừng cấm.
Khi đã chọn được địa điểm làm lễ cúng, bà con sẽ theo sự phân công của bản, mỗi người một việc. Từ sáng sớm, một người được cử đi bắt lợn và gà. Để dựng bàn thờ cho thần rừng, trai tráng trong bản tiến hành chặt cây ngay tại bìa rừng, số còn lại chuẩn bị xoong nồi, bếp núc để chuẩn bị làm lễ tiến cúng.
Anh Mo Lầu Chữ Hùa - Trú bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn - Nghệ An), cho biết: "Sống bao đời trên những đỉnh núi cao mây phủ, người Mông rất yêu rừng. Thế nên nhiều bản làng đều có khu rừng cấm nằm ở địa thế đẹp nhất của bản với những quy định bất khả xâm phạm".
Các lễ vật cúng rừng cũng rất giản đơn. Thường là một con gà trống, một con lợn nhỏ, 4 chén rượu, một ít mẻ, một ít cơm tẻ, hương và giấy bản cắt nhỏ 12 cái. Các lễ vật này được bày trên chiếc bàn tre hoặc vầu.
|
Lợn được người Mông dâng lên thần rừng |
Lễ cúng rừng là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong năm, người Mông cầu mong thần rừng phù hộ cho bản làng mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Một năm thần rừng không nổi giận để những cánh rừng luôn sinh sôi nảy nở nuôi sống con người.
Người được chọn để cúng là người uy tín, được mọi người trong thôn kính trọng và tin tưởng. Người trong thôn gọi người này là "ông Mo".
"Ông Mo" tiến hành lễ cúng thành hai lần, cúng sống và cúng chín. Sau lần đầu cúng sống, con vật được đem đi chế biến chuẩn bị cúng lần thứ hai, cũng là muốn báo với thần rừng dân làng đang dâng lễ vật lên, có như vậy mới linh nghiệm và thần rừng mới chấp nhận.
|
'Ông Mo' được người dân chọn cúng thần rừng phải là người có uy tín |
Mỗi lần cúng đều có bài cúng riêng và tương ứng với một thời gian nhất định trong buổi lễ. Bởi theo quan niệm của người Mông, đó là cái tâm của họ đối với thần rừng.
Ngoài việc cúng thần rừng, đây được xem như một cuộc họp tổng kết năm của bản trong công tác bảo vệ rừng nên được tổ chức công phu, tỉ mỉ.
Ông Vừ Vả Nù - Trưởng ban văn hóa xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn nói: "Một năm tổ chức một lần cúng rừng, cầu thần rừng phù hộ mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh, việc cúng thần rừng này được sự cho phép của chính quyền".
Hồng Thắng - Lâm Vũ