Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đại diện gia đình và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi vòng quanh phần mộ, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đồng chí Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang lên đọc lời cảm tạ.
Gia đình và những người tham dự lễ an táng đi vòng quanh mộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thắp nhang để tiễn biệt lần cuối!
Đội công tác thực hiện lấp mộ; chuyển hoa vào mộ
Đại diện gia đình và lãnh đạo Đảng, Nhà nước thả hoa và đất xuống phần mộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn nghi lễ Quân đội điều hành Lễ hạ huyệt
Lực lượng nghi lễ làm công tác chuẩn bị Lễ an táng; chuyển Linh cữu Tổng Bí thư vào vị trí
Đoàn xe tang về đến nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội)
Đoàn xe tang đi qua ngã tư của phố Hồ Tùng Mậu và phố Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
>
Đoàn xe tang đi qua đường Lê Đức Thọ - SVĐ Quốc gia Mỹ Đình
Đoàn xe tang đi qua sân vận động Mỹ Đình.
Đoàn xe tang đi qua khu vực đường Trần Duy Hưng.
Đoàn xe tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Đoàn xe tang đi qua đường Điện Biên Phủ. (Ảnh: Thạch Anh)
Linh xa chở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng
Đoàn xe tang đi qua ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay (Ảnh: Khắc Duy)
(Ảnh: Đức Anh)
Đoàn xe đưa linh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chầm chậm đi qua Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: Đức Anh)
Gần 14h, đoàn xe chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, ngôi trường Tổng Bí thư từng theo học.
Đoàn xe tang đi qua ngã 4 Lê Thánh Tông - Trần Hưng Đạo.
Đông nghịt người dân chờ đợi để tiễn biệt Tổng Bí thư lần cuối.
Chiến sĩ công an không kìm được cảm xúc.
Nước mắt lăn dài trên gương mặt nhiều người dân khi đoàn xe tang đi qua.
Đoàn xe lễ tang đi qua Nhà hát Lớn Hà Nội
Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trầm hùng, các chiến sĩ tiêu binh mang di ảnh Tổng Bí thư đi đầu, phía sau là các huân chương và Quốc kỳ.
Đưa linh cữu Tổng Bí thư lên linh xa.
Linh cữu Tổng Bí thư được đội tiêu binh phủ Quốc kỳ, đặt ngay ngắn trên linh xa.
Đoàn xe tang lễ rời khỏi Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.
Lễ di quan Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu
Đồng chí Lương Cường: "Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến đây kết thúc. Kính mời đại diện gia đình, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi vòng quanh linh cữu tiễn biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Ông Nguyễn Trọng Trường - con trai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc lời cảm ơn.
Phút mặc niệm
Người thân, người dân làng Lại Đà khóc tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đồng chí Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Lễ tang đọc lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang điều hành Lễ truy điệu.
- Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!
⁃ Kính thưa các đồng chí Lão thành cách mạng!
⁃ Thưa gia đình đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
⁃ Thưa đồng bào, đồng chí
Đề tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong lễ viếng hôm qua và sáng nay đã có hàng trăm đoàn đại biểu, đại diện các cơ quan, đoàn thể địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang Nhân dân, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã đến viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; Hội trường Thống Nhất ⁃ TP.HCM và đến trực tiếp xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Nhiều lãnh đạo các nước, bạn bè quốc tế cũng đã gửi điện chia buồn với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta cùng gia đình đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, vào thời khắc linh thiêng này, chúng ta tập trung tại đây để tiễn đưa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Thay mặt Ban Tổ chức lễ tang tôi xin tuyên bố Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu.
Người dân ôm di ảnh, bồi hồi chờ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại đoạn đường gần Đại học Dược Hà Nội và Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Từ 12h trưa, chị Nguyễn Thu Hoài (38 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cùng chồng có mặt trước cửa khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội, cùng hoà vào dòng người xếp hàng tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Chiều nay cả tôi và chồng quyết định đóng cửa hàng để đứng chờ, tiễn biệt vị lãnh đạo cao nhất của Đảng lần cuối", chị Hoài nói.
Dòng người xếp hàng trước của Nhà hát Lớn Hà Nội, chờ đoàn xe linh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua.
Theo kế hoạch của Ban tổ chức lễ tang, Nhà hát Lớn Hà Nội là một trong 11 điểm đoàn xe chở linh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đi qua trước khi về nơi an táng cuối cùng - Nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà NỘi).
"Mong Tổng Bí thư trở về cõi vĩnh hằng an vui với các đồng chí tiền bối tại nghĩa trang Mai Dịch. Những lời dạy của Tổng Bí thư với Nhân dân, với các thế hệ đi sau sẽ luôn còn mãi", chị Nguyễn Thu Hoài rưng rưng chia sẻ.
Những công tác chuẩn bị cuối cùng được hoàn tất.
Trên tuyến đường Điện Biên Phủ, từ 11h trưa đã có nhiều người dân đội nắng, đứng hai bên đường để mong được tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đông người dân đứng chờ trên đường Điện Biên Phủ từ sớm, mang theo ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bày tỏ sự tưởng nhớ ông. Mọi người xếp hàng ngay ngắn, kiên nhẫn chờ giờ phút được tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Thạch Anh)
"Hôm nay là một ngày vô cùng đặc biệt với em và với tất cả các bạn đoàn viên, sinh viên khác. Chúng em vinh dự là một trong những thành viên được đứng ở đây, để góp phần chờ đón và bảo vệ chuyến đi cuối cùng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiễn đưa bác về với đất mẹ, cảm xúc trong em thực sự khó tả. Em cảm nhận được trọng trách này và sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Em cũng muốn được bày tỏ sự thành kính với Tổng Bí thư", bạn Nguyễn Thu Thủy, đoàn viên phường Nguyễn Trung Trực xúc động nói.
Có mặt từ sớm để chờ tiễn đưa Tổng Bí thư, bà Trần Thị Hoa, (70 tuổi, cựu chiến binh phường Quốc Tử Giám) bày tỏ: "Chúng tôi vô cùng kính trọng, quý mến bác, bác tận tình vì nước, vì dân cho đến hơi thở cuối cùng. Vì sức khỏe, hôm qua tôi không thể vào nhà tang lễ viếng bác nên hôm nay nhất định phải ra tiễn bác đoạn đường cuối cùng".
Trong dòng người chờ tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có cả những em học sinh cấp 2 của trường THCS Ngô Sĩ Liên. Các em cho biết, tuy còn nhỏ nhưng cũng được thầy cô, bố mẹ kể về công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với đất nước. Thế nên, các em cũng ra đây để bày tỏ sự kính yêu đối với Tổng Bí thư.
"Em rất xúc động và em sẽ cố gắng học tập thật tốt để noi theo tấm gương của Bác", em Vương Thục Anh, học sinh lớp 8 nói.
Các em học sinh cấp 2 có mặt trong dòng người chờ tiễn đưa Tổng Bí thư trên đường Điện Biên Phủ. (Ảnh: Thạch Anh)
Tại nghĩa trang Mai Dịch nơi diễn ra lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất.
Hơn 1 giờ đồng hồ nữa, linh cữu Tổng Bí thư mới đi qua tuyến phố Tràng Tiền, hồ Hoàn Kiếm, nhưng nhiều người dân đã ngồi ngay ngắn thẳng hàng, hàng phía trước ngồi xuống để hàng phía sau có thể nhìn thấy linh xa đi qua. Các bạn trẻ chuẩn bị hình ảnh Tổng Bí thư, phát miễn phí cho những người xung quanh.
Rất đông người dân đã chờ sẵn tại vỉa hè các tuyến phố linh xa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua tại phố Tràng Tiền, hồ Hoàn Kiếm.
Thời tiết hôm nay khá oi bức và nắng nóng sau nhiều ngày trời mưa to, tuy nhiên tất cả mọi người đều nhẫn nại chờ để được tiễn biệt Tổng Bí thư, thể hiện sự tôn trọng và kính yêu với người lãnh đạo của Đảng. Điều đó giúp họ vượt lên trên tất cả sự mệt nhọc
2 em nhỏ ở Hải Phòng được mẹ là Nguyễn Thanh Thuỷ đưa từ Hải Phòng lên từ 5h sáng để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 12h hơn, 3 mẹ con chị Thuỷ đã đến Tràng Tiền chờ xe tang đi qua.
Tại quê nhà, người nhà Tổng Bí thư tập trung trước di ảnh tụng kinh, chuẩn bị cho lễ Truy điệu.
Dù mới khoảng 12h, hàng nghìn người dân đã có mặt ở đường Lê Đức Thọ - khu vực trước khu vực nghĩa trang Mai Dịch để chờ tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Rất nhiều bạn trẻ mang theo ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng trước khu vực nghĩa trang Mai Dịch chờ đoàn xe đi qua.
Mọi người nhắc nhau đứng ngay ngắn, trật tự trước khu vực nghĩa trang Mai Dịch.
Công tác chuẩn bị cho lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn tất.
Đoàn xe tang, xe nghi thức và đội ngũ sẵn sàng ở khu vực quy định.
Đoàn xe tang, xe nghi thức và đội ngũ sẵn sàng ở khu vực quy định.
Cụ bà Lê Thị Viêm (91 tuổi) ngồi xe lăn, cùng người thân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà Viêm bị xương khớp nặng, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào chiếc xe lăn. Tuy nhiên, từ khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, bà Viêm đã nói với con cháu nhất định phải đưa mình đi viếng vị lãnh đạo đáng kính. Vì sợ bị trễ giờ viếng, bà Viêm đã thức từ 4h sáng.
“Nhìn di ảnh của Tổng Bí thư, tôi thấy đau lòng quá. Cảm giác cứ nghẹn lại, không biết nói sao”, bà Viêm khóc, lấy tay áo lau nước mắt.
"Bác ơi, mất bác rồi... bác ơi! Con xin vĩnh biệt bác, con không vào tới nơi kính viếng bác được!". Tại đầu con phố Lò Đúc giao Nguyễn Công Trứ (Hà Nội), tiếng khóc của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thịnh (79 tuổi, trú quận Thanh Xuân) khiến bao người xúc động.
Đứng vái vọng trước Nhà tang lễ Quốc gia - nơi tổ chức lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông bà không giấu nổi niềm xót xa như mất đi chính người thân ruột thịt của gia đình.
Video: Cặp vợ chồng già khóc nấc, đứng từ xa vái vọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ông Thịnh mới mổ cột sống, việc đi lại khó khăn, phải nhờ vào chiếc khung tập đi. Bà Trần Thị Nghị (79 tuổi, vợ ông Thịnh) là thương binh 61%.
Ông lão 79 tuổi cho biết, từ khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, ông rất buồn, chỉ biết khóc thầm nhưng nước mắt ông cứ trào ra. Hai vợ chồng ông dự định tới nhà tang lễ viếng Tổng Bí thư từ ngày 25/7 nhưng thấy dòng người xếp hàng đông quá nên lùi lại.
Đến sáng nay, hai ông bà quyết tâm đi sớm. 7h, ăn vội bát cơm, ông chậm rãi lên chiếc xe máy, chở vợ đến nhà tang lễ.
Vợ chồng ông Thịnh khóc nấc, đứng từ xa vái vọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Được lực lượng chức năng tạo điều kiện, ông đi xe máy vào khu vực đầu phố Lò Đúc giao Nguyễn Công Trứ, nơi cách cổng nhà tang lễ chừng 300m rồi dừng lại. Nhìn dòng người xếp dài hai bên đường chờ làm thủ tục vào viếng, lo lắng không đủ sức khỏe nên vợ chồng ông Thịnh quyết định dừng chân, đứng vái vọng Tổng Bí thư từ xa.
"Nếu thắp được nén nhang trước vong linh Tổng Bí thư thì thật tốt nhưng điều kiện không cho phép nên tôi chỉ có thể đứng đây vái vọng. Được đến đây chắp tay trước bác thế này chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng hơn.
Chúng ta đã mất đi một người lãnh đạo vì Đảng, vì Dân. Cứ nghĩ tới điều đó tôi lại không cầm được nước mắt...", ông Thịnh nghẹn ngào.
Sáng nay, chị Nguyễn Quỳnh Chi (30 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm) một mình gọi xe ôm công nghệ đến nhà tang lễ để thắp nén tâm nhang viếng Tổng Bí thư. Bị khuyết tật từ nhỏ, đi lại khó khăn nên chị được các bạn tình nguyện viên hỗ trợ đi vào gần khu vực nhà tang lễ để vái vọng từ xa.
“Tôi rất biết ơn và ngưỡng mộ Tổng Bí thư vì tấm lòng của bác dành cho dân, cho nước . Từ hôm nghe tin bác mất, tôi rất buồn, nghe một đoạn nhạc, xem một hình ảnh về bác cũng khiến tôi khóc nghẹn”, Quỳnh Chi chia sẻ.
Nguyễn Quỳnh Chi được các tình nguyện viên hỗ trợ đi vào gần khu vực nhà tang lễ.
Chi đứng từ xa vái vọng Tổng Bí thư.
Nước mắt tiếp tục rơi nhiều hơn ở Hội trường Thống Nhất. Nhiều người bật khóc khi vừa nhìn thấy di ảnh Tổng Bí thư. Ngậm ngùi và đau xót. Trong số họ, có người chưa từng gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không ít người thậm chí chưa một lần được đặt chân đến Thủ đô.
Những giọt nước mắt này là minh chứng cho tình cảm mà đồng bào, nhân dân miền Nam dành cho vị lãnh đạo cả đời cống hiến cho sự phát triển giàu mạnh của đất nước.
Tại khu vực cổng Hội trường Thống Nhất, cả ngàn người đang xếp hàng chờ vào viếng. Nhiều cụ bà tóc bạc trắng, bước đi không vững vẫn đến viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Cầm căn cước công dân trên tay, bà Cơ (86 tuổi) buồn bã nói, đã thức đến sáng để chờ con cháu đưa đến Hội trường Thống Nhất.
“Chỉ còn hôm nay để thắp nén hương đưa tiễn Tổng Bí thư thôi. Cả đời Tổng Bí thư đã cống hiến cho đất nước, giờ phút sau cùng này, bằng giá nào tôi cũng phải đến viếng”, bà Cơ xúc động nói.
Người dân mong chờ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cách đó không xa, bà Liên (80 tuổi) đang được lực lượng chức năng hỗ trợ vào viếng. Đang đau ốm triền miên song bà Liên vẫn quyết đến Hội trường Thống Nhất để hòa cùng dòng người đưa tiễn Tổng Bí thư. “Đến đây, tôi nhớ đến những đồng đội năm xưa trên chiến trường. Vừa đến cổng là tôi đã khóc”, bà Liên nói.
Em Trương Thiên Ân và Trương Thiên Vỹ nắm tay nhau đứng trước cổng Hội trường Thống Nhất để chờ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trên tay các em là những tờ giấy khai sinh. Vì chưa có căn cước công dân nên để được qua cổng, các em đã mang giấy khai sinh đến. Các em đi cùng người thân, mặc đồng phục học sinh với chiếc khăn quàng đỏ thắm trên vai.
“Tụi con muốn nói với bác Nguyễn Phú Trọng lời cảm ơn vì những cống hiến của bác cho dân tộc Việt Nam", em Thiên Ân nói. Như những bạn bè đồng trang lứa, em Thiên và Thiên Vỹ được cha mẹ, thầy cô dạy phải ghi nhớ công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời học theo đức tính giản dị, liêm chính của vị lãnh đạo đáng kính.
Mặc dù tai đã nặng, chân đã yếu, trí tuệ đã giảm sút nhiều, lúc nhớ, lúc quên nhưng cô Đặng Thị Phúc, 92 tuổi, giáo viên tiểu học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tới Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông- Hà Nội) để viếng người học trò cũ ngày ấy. Tại Nhà tang lễ, cô Đặng Thị Phúc nghẹn ngào trước trước sự ra đi của người học trò năm xưa.
Cô Đặng Thị Phúc, 92 tuổi, giáo viên tiểu học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Anh Eltonbritis đến từ Nam Phi, đã ở Việt Nam được 6 năm. Anh yêu mến đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sáng nay, anh cùng người bạn Việt Nam đến quê của Tổng Bí thư để viếng.
“Tôi rất yêu quý Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là những con người vì nước vì dân, cũng giống như vị lãnh tụ của Nam Phi chúng tôi là Nelson Mandela. Tôi rất xúc động khi hôm nay được đến đây viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, anh Eltonbritis nói.
Video: Người dân xếp hàng dài chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có mặt ở Hội trường Thống nhất từ 7h sáng, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi) không khỏi xúc động khi cầm trên tay bài thơ tự sáng tác đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Tuyết mang theo bài thơ đến viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Vì nhà ở Bình Dương, nên bà Tuyết đã đi xe máy từ 3h sáng cho kịp giờ vào viếng. Xếp hàng giữa dòng người đông đúc, đôi mắt bà Tuyết rưng rưng. Khi được hỏi về vị lãnh đạo đáng kính, người phụ nữ 66 tuổi không giấu được cảm xúc.
Với bà Tuyết, dù chưa một lần được gặp Tổng Bí thư nhưng lối sống giản dị cùng tinh thần làm việc quên mình, cống hiến tất cả cho Đất nước của Tổng Bí thư.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuy đã mất nhưng hình ảnh, lối sống của người vẫn còn mãi trong lòng người dân. Mất mát này không gì bù đắp được”.
Bà Tuyết đọc những vần thơ tự làm về Tổng Bí thư:
“Ngậm ngùi nhớ bác Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Bác ơi! Bác đã đi rồi!
Người dân cả nước ngậm ngùi tiếc thương.
Cả cuộc đời bác dâng trọn cho quê hương, cho đấy nước đẹp giàu sánh cùng năm châu bốn bể…”
Bà Nguyễn Thị Tuyết đọc thơ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chị Cẩm Tú lặng lẽ bật khóc giữa dòng người đông đúc chờ xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sáng nay, chị Cẩm Tú khoác lên người chiếc áo đen, đến Hội trường Thống Nhất hòa cùng hàng ngàn người đang hướng đến vị Tổng Bí thư đáng kính. Không nói được lời nào, chị Cẩm Tú cứ khóc.
Khi được hỏi về Tổng Bí thư, chị Cẩm Tú nghẹn ngào: “Em thương bác lắm, xem tin bác Tổng Bí thư mất qua báo đài mà em cứ khóc mãi thôi”.
Người dân nghẹn ngào, rơi nước mắt khi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dòng người xếp hàng trật tự chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Người dân đổ về làng Lại Đà bắt đầu mỗi lúc một đông, từng đoàn người xếp hàng dài chờ vào viếng Tổng Bí thư.
Những người dân trong làng chuẩn bị nhiều điểm tiếp nước, sữa, bánh mỳ,… miễn phí để cung cấp cho người thập phương đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có mặt từ sớm, nguyên Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dòng người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng dài hơn.
Lực lượng tình nguyện viên cũng có mặt từ sớm, phát nước tiếp sức cho người dân đang xếp hàng đi dần vào khu vực Nhà tang lễ. Theo chương trình, hôm nay, người dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 7h đến 13h, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), quê nhà xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội) và Hội trường Thống Nhất ở TP.HCM.
Từ sáng sớm, rất đông người dân đã xếp hàng chờ tới lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.
Nhiều người lỡ hẹn viếng tối 25/7 nên sáng nay có mặt từ sớm mong được tiễn Tổng Bí Thư đoạn đường cuối. Người dân xếp hàng dài tại ngã tư Nguyễn Công Trứ - Lò Đúc.
Hàng dài người xếp hàng chờ trên đường Trần Khánh Dư, Lò Đúc kéo dài gần 2km.
Trong dòng người xếp hàng chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Minh Tuyển đến từ Ninh Hiệp (Gia Lâm) cho biết: "Đêm qua tôi không ngủ. 12h đêm tôi bắt xe tới đây xếp hàng để sớm hôm sau hy vọng được vào viếng Tổng Bí thư đầu tiên".
Nhiều bạn trẻ cũng có mặt từ sớm để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 6h40 lực lượng chức năng mở rào cho người dân tiến vào khu vực Nhà tang lễ.
Người dân làm các thủ tục vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ 5h, hàng nghìn người đã xếp hàng trên các con phố gần nhà tang lễ để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Hôm nay (26/7), người dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 7h đến 13h, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), quê nhà xã Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội) và Hội trường Thống Nhất ở TP.HCM.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7, lễ an táng hồi 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ 7h đến 19h30 ngày 25/7 có 1.565 đoàn với khoảng 55.600 lượt, là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Số liệu này được thống kê ở 3 địa điểm: Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Hội trường Thống nhất (TP.HCM) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Hàng vạn người dân xếp hàng trong đêm 25/7 vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Tang lễ Quốc gia.
Trong niềm xúc động, tiếc thương sâu sắc, từ sáng sớm, các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ban, ngành, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng đông đảo tầng lớp Nhân dân Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tập trung tại khu vực Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cùng thời điểm này, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), nhiều đoàn đại biểu các Bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương khu vực phía Nam, các tầng lớp Nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại Hội trường Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, vào viếng Tổng Bí thư có đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội; các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương… và đông đảo Nhân dân đã đến viếng, bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người con ưu tú của quê hương Đông Hội.
7h ngày 25/7, lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Phu nhân Ngô Thị Mận nghẹn ngào bên linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn gia quyến do bà Ngô Thị Mận, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, vào viếng. Vòng hoa mang dòng chữ "Vợ cùng các con cháu vô cùng thương tiếc".
Sau đoàn gia quyến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào viếng. Tham gia đoàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực ban Bí thư Lương Cường.
Cùng tham gia đoàn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ.
Dẫn đầu đoàn Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính thắp hương, đi vòng quanh linh cữu, nắm tay chia sẻ với bà Ngô Thị Mận cùng gia quyến Tổng Bí thư.
"Trước anh linh đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thành kính tôn vinh và biết ơn sâu sắc công lao to lớn, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, của dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời đại mới", Thủ tướng ghi sổ tang.
Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính viết sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng đoàn vào viếng. Đi cùng còn có các nguyên Chủ tịch nước: Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, các nguyên Phó Chủ tịch nước. Ngoài ra còn có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước.
Ghi sổ tang, ông Tô Lâm bày tỏ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "người con yêu quý của dân tộc Việt Nam, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, người bạn lớn của nhân dân thế giới; người đã dành trọn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho nhân dân".
"Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng", Chủ tịch nước Tô Lâm ghi trong sổ tang.
Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn viếng Tổng Bí thư. Tham gia đoàn có các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ; các Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Ghi sổ tang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; người cộng sản kiên trung, mẫu mực, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân.
Chủ tịch Quốc hội viết: "Đồng chí đã dành thời gian, công sức, trí tuệ đối với vấn đề đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; có định hướng quan trọng để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước và kỳ vọng, tin tưởng của cử tri, Nhân dân cả nước. Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng chí, đồng bào, gia quyến và bạn bè quốc tế".
Tiếp đó là các đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đoàn Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đoàn các Bộ, ban, ngành, các địa phương...
Đoàn Cuba do Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez làm trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Đắc Huy)
Bên cạnh các đoàn viếng trong nước, trong ngày 25/7, nhiều đoàn khách quốc tế với đại diện là lãnh đạo các nước, đặc phái viên của chính phủ và tổ chức quốc tế đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.