Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lấy người dân là trung tâm để tạo nên những đột phá cho chuyển đổi số quốc gia

(VTC News) -

Đó là khẳng định của Bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10) năm 2023 tổ chức vừa qua.

Người nắm nền tảng số sẽ là người quyết định

Với gần 100.000 Tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn bản để hướng dẫn người dân chuyển đổi số, có thể nói quá trình chuyển đổi số của Việt Nam đang từng bước đạt được mục tiêu phổ cập số cho người dân, tạo nền tảng để công cuộc chuyển đổi số quốc gia được bứt phá trong thời gian tới.

Thông tin được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10) năm 2023 với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị" ngày 10/10/2023 vừa qua. Theo đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh về vai trò, sự cần thiết của chuyển đổi số đối với sự phát triển của Đất nước, của dân tộc, của từng doanh nghiệp, tổ chức và từng người dân trong bối cảnh mới.

Bộ trưởng khẳng định, quốc gia nào muốn thịnh vượng thì đều phải thịnh vượng trên không gian mạng. Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì bắt buộc phải chuyển đổi số. Chuyển đổi số là phát triển nhanh vì tạo ra kinh tế số có tốc độ tăng trưởng cao gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP, là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên hơn, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu, đồng thời làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10/2023).

Ưu thế lớn nhất của chuyển đổi số là phát triển bao trùm vì bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, nếu có sóng di động và điện thoại thông minh thì đều có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số, không ai bị bỏ lại phía sau.

Nếu như năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh đại dịch thì năm 2022 là năm hành động, cũng là năm chúng ta xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, là năm đưa mọi hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.

Năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số quốc gia, tạo ra giá trị mới từ dữ liệu. 2023 là năm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, mà đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam.

Lịch sử nhân loại từ trước đến nay, khi phát triển kinh tế thì tiêu dùng và làm cạn kiệt các tài nguyên. Kinh tế số thì dựa trên tài nguyên mới là dữ liệu. Tài nguyên này lại do con người tạo ra, không bị cạn kiệt. Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người thay vì làm cạn kiệt tài nguyên thì tạo ra tài nguyên để phát triển.

Nhưng trong không gian mạng thì người nào nắm nền tảng số người đó sẽ nắm dữ liệu, và vì nắm dữ liệu mà người đó là quyết định. Bởi vậy, chuyển đổi số Việt Nam mà không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi chính từ chuyển đổi số Việt Nam lại không phải là Việt Nam. Nền tảng số Việt Nam là lời giải chính và đột phá cho chuyển đổi số Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng phân tích, muốn chuyển đổi số nhanh và bền vững thì chúng ta phải đi đều 2 chân. Một là, phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc; hai là, đi nhanh về cái mới thông qua thử nghiệm.

Từ cái mới đã được các đầu tàu triển khai thử nghiệm thành công thì nhanh chóng biến thành cái cơ bản để phổ cập. Đầu tàu phải dẫn đến phổ cập. Đầu tàu mà không dẫn đến phổ cập thì không tạo ra sự thay đổi, không tạo ra sự chuyển đổi, và sẽ không có chuyển đổi số.

Phổ cập số luôn được xác định là trọng tâm

Xác định phổ cập số là trọng tâm, lấy người dân là trung tâm, là thị trường và đưa người dân lên các nền tảng số, thời gian qua, các Tổ Công nghệ số cộng đồng liên tục được phát triển, nâng cao về chất lẫn lượng tại từng địa phương, thôn bản trong cả nước. Điều này đã tạo nên những bước tiến mạnh mẽ trong việc đưa công nghệ số tới từng người dân, cả ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất.

Các Tổ công nghệ số cộng đồng đang phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa công nghệ số đến gần hơn với người dân tại mọi miền Tổ quốc.

Hạt nhân của các Tổ công nghệ số cộng đồng cũng xuất phát từ chính những cá nhân uy tín trong chính cộng đồng đó. Đó là câu chuyện của những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như cô giáo về hưu Nông Thị Thuận ở Bình Phước, dù đã tuổi cao nhưng vẫn miệt mài tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng của tỉnh.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để chia sẻ kiến thức và hướng dẫn những người xung quanh từng bước bước vào môi trường số hóa, cô Thuận là tấm gương tiêu biểu để truyền cảm hứng và cổ vũ cộng đồng thực hiện, là một minh chứng cho việc “chuyển đổi số không khó nếu chúng ta không chịu thay đổi. Người lớn tuổi cũng có thể chuyển đổi số nếu như được tập huấn”.

Đó cũng là câu chuyện của anh Đinh Văn Hin, người dân tộc Cơ Tu - Tổ trưởng Tổ hỗ trợ điểm dịch vụ công trực tuyến thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Đối diện với những khó khăn về địa lý, về cơ sở vật chất, về những hạn chế đặc thù của người dân vùng đồng bào dân tộc, anh Hin và các thành viên Tổ công nghệ số cọng đồng vẫn kiên trì và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ vì mục tiêu chung.

Không chỉ thực hiện phát thanh vận động bà con đến nhà văn hóa thôn để tập trung hướng dẫn, họ còn xây dựng nhóm trên mạng xã hội Facebook, thường xuyên đăng tải các thông báo, thông tin để bà con nắm bắt được. Với những hộ gia đình đến hỗ trợ nhưng họ không có nhà, tổ sẽ tiếp tục đến lần tiếp theo, phân công thành viên ở gần gia đình họ để hỗ trợ, hướng dẫn.

Những người cùng dân tộc, là đồng bào của nhau, có cùng ngôn ngữ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, văn minh hơn mỗi ngày, điều đó thật sự rất trân quý”, anh Hin chia sẻ niềm vui khi nhìn thấy đồng bào của mình được tiếp cận với những công nghệ hiện đại, sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp bà con đỡ vất vả hơn trong xử lý các thủ tục hành chính

Đa dạng các dịch vụ số, lấy quyền lợi, trải nghiệm số của người dân làm trung tâm

Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành đã liên tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng quá trình chuyển đổi số quốc gia dựa trên chính những đặc thù riêng của xã hội Việt. Hiện tại, gần 100% lượng hồ sơ trực tuyến đã được thực hiện toàn trình từ đầu đến cuối trên môi trường mạng, thuận tiện cho người dân nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu. Hiệu quả được thể hiện trên hầu khắp các lĩnh vực dịch vụ công trên toàn quốc.

Đơn cử, trước kia, mỗi năm sẽ có hàng triệu thí sinh phải thực hiện đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng theo phương thức truyền thống, phải nhập tay các thông tin cá nhân, nộp giấy tờ, thủ tục về xét tuyển,.. mất rất nhiều thời gian, nhân lực thực hiện mà vẫn dễ sai sót thông tin, tốn kém chi phí.

Ngày nay, với việc được kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công và Cổng dịch vụ công quốc gia, thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký, nộp hồ sơ, lệ phí qua mạng. Thông tin thí sinh cũng tự động được đồng bộ, chỉ cần kiểm tra, chỉnh sửa khi cần thiết.

Hệ thống Hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT thực hiện xét tuyển tự động (lọc ảo), kết quả được thông báo đến thí sinh trúng tuyển qua hệ thống, sau đó theo lịch, thí sinh xác nhận nhập học thông qua dịch vụ công trực tuyến và được thực hiện mọi nơi có kết nối Internet. Điều đó giúp cho công tác tuyển sinh trở nên hiệu quả, tiết kiệm hơn trước rất nhiều cho cả thí sinh lẫn Bộ và các trường.

Với dịch vụ công trực tuyến “Cấp hộ chiếu phổ thông”, nếu như trước đây người dân phải đến cơ quan Công an để lấy vân tay, chụp ảnh, xác nhận CMND/CCCD, cư trú, quan hệ nhân thân…. thì hiện tại có thể thực hiện khai thông tin, nộp hồ sơ, thanh toán hoàn toàn trên môi trường mạng.

Tính từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 15/8/2023, dịch vụ công cấp hộ chiếu phổ thông tiếp nhận 1.871.341 hồ sơ, trong đó có 1.737.665 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 92,86%.

Một lĩnh vực khác được người dân đặc biệt quan tâm là khai và nộp thuế GTGT. Trước đây, người dân phải đến cơ quan thuế để khai báo và nộp trực tiếp hồ sơ. Việc kê khai bằng giấy cũng thường gặp tình trạng sai sót, mất thời gian, khó theo dõi và kiểm tra.

Đến nay, nhờ triển khai dịch vụ công trực tuyến đã giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm về thời gian, chi phí tối ưu. Thời gian trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện thủ tục hành chính thuế chỉ còn khoảng 5 giờ. Người nộp thuế có thể nộp thuế, tra cứu thông tin thuế và thực hiện các giao dịch khác một cách dễ dàng từ bất kỳ đâu có kết nối internet.

Không chỉ giúp cải thiện tính minh bạch và theo dõi giao dịch thuế, dịch vụ công trực tuyến còn giúp tăng cường khả năng thu thuế của nhà nước, tăng thu ngân sách và cải thiện tình hình tài chính công, giảm bớt tình trạng tồn đọng giấy tờ và thủ tục hành chính, tiết kiệm nguồn lực của cơ quan thuế và giảm tải cho hệ thống hành chính…

Với những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống, các dịch vụ công trực tuyến đang ngày càng chứng minh được những ưu thế, lợi ích thiết thực cho cả người dân và Nhà nước. Điều này cũng là tiền để để thúc đẩy quá trình số hóa nền kinh tế, xã hội mọi mặt, đưa công cuộc Chuyển đổi số quốc gia về đích sớm.

Bảo Anh

Tin mới