Chị N.T.Q., 33 tuổi là chủ một doanh nghiệp lớn ở Quảng Ninh. Vốn xinh đẹp nhưng sau 2 lần sinh nở, vòng 1 teo nhỏ hơn khiến chị rất tự ti. Qua giới thiệu, chị khăn gói ra nước ngoài phẫu thuật nâng ngực.
Do không giỏi ngoại ngữ nên chị không hiểu rõ tư vấn của bác sĩ về các phương thức phẫu thuật, lựa chọn đường mổ, loại túi ngực, vị trí đặt... Chị được các bác sĩ đặt túi ngực qua đường nách không nội soi.
Sau 2 ngày mổ, dù chị vẫn đau nhiều nhưng được khuyên nên xuất viện về Việt Nam. Rời bệnh viện, bác sĩ không yêu cầu chị mặc áo bó chuyên dụng cố định ngực.
Sang ngày thứ 4, chị phát hiện ngực phải đau bất thường, căng tức, to gấp đôi ngực trái, như muốn nổ tung.
Ngay lập tức, chị thuê phiên dịch viên nói chuyện với bác sĩ bên nước ngoài, vị bác sĩ yêu cầu chị phải đến viện cấp cứu ngay.
Máu cục và máu tụ được bác sĩ lấy ra khỏi ngực bệnh nhân.
Chị được gia đình đưa đi cấp cứu tại BV Việt Đức Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ phải phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức. Khi mở ra, trong khoang ngực đã có khoảng 500 g máu cục và 500 ml nước máu đỏ tươi.
Một mạch máu đường kính 1,5 mm đang tuôn trào theo nhịp đập của tim. Các bác sĩ phải dùng đến dao hàn mạch chuyên dụng để cầm máu cho bệnh nhân. Sau hơn 10 ngày nằm viện, bệnh nhân đã được ra viện.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, biến chứng chảy máu sau phẫu thuật nâng ngực có thể xảy ra từ 1 đến 5% sau mổ. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa người bệnh, trang thiết bị của bệnh viện, trình độ cũng như mức độ cẩn trọng của từng phẫu thuật viên.
Thường có 2 thời điểm chảy máu hay gặp, thứ nhất là 24h sau mổ. Do trong lúc mổ các bác sĩ thường phải tiêm thuốc co mạch để hạn chế chảy máu trong mổ. Sau khi khi hết tác dụng của thuốc co mạch nếu các mạch máu lớn không được xử lý khâu, thắt hoặc đốt điện cầm máu thì sẽ giãn nở trở lại gây ra hiện tượng chảy máu sớm ngay sau mổ.
Thời điểm thứ hai thường là ngày thứ 7 đến ngày thứ 8 sau mổ. Đây là ngày mà các cục máu đông ở trong các mạch máu không được xử lý khâu buộc thắt hoặc đốt điện cầm máu tốt sẽ bong ra và rơi ra ngoài gây ra hiện tượng chảy máu thứ phát.
Do đó khi bị va chạm mạnh hoặc thực hiện một hoạt động mạnh sai tư thế mà người bệnh lại không mang áo và băng ép chuyên dụng bảo vệ ngực cũng sẽ là điều kiện thuận lợi cho chảy máu.
Những lưu ý về phẫu thuật nâng ngực
Hiện nay, với phẫu thuật nâng ngực thường có 3 đường mổ thông dụng, bao gồm đường quầng vú, đường chân ngực và đường nách. Tuy nhiên, đường nách được chị em lựa chọn nhiều hơn do tính thẩm mỹ cao.
Song, với khoảng cách từ nách vào ngực tương đối xa, nên trước đây các bác sĩ không quan sát trực tiếp được trường mổ mà chỉ nhìn bên ngoài. Vì vậy kỹ thuật mổ kinh điển này còn được gọi là mổ mù (blind technique). Tức là phẫu thuật viên sẽ dùng dụng cụ bóc tách, đẩy dưới cơ làm đứt các thớ cơ ngực lớn khỏi thành ngực để tạo khoang đặt túi.
Do đó kỹ thuật làm mù này thường có nguy cơ chảy máu sau mổ cao hơn, 2 ngực không cân nhau, 2 ngực hay bị xa nhau và nhất là bệnh nhân sẽ rất đau sau mổ.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi đã ứng dụng phẫu nội soi trong phẫu thuật nâng ngực qua đường nách. Thay vì mổ mù, các phẫu thuật viên sẽ đưa hệ thống camera vào khoang mổ, phóng to ra 5- 6 lần trên màn hình full HD để quan sát rõ các vị trí mạch máu lớn, để không làm tổn thương, từ đó giúp giảm nguy cơ chảy máu.
PGS Hà cho rằng, hiện Việt Nam đã có nhiều trung tâm lớn có trang thiết bị hiện đại, trình độ ngang khu vực nên việc chị em ra nước ngoài phẫu thuật không cần thiết, khi có hậu quả khó xử lý.
PGS Hà khuyến cáo, sau nâng ngực cần theo dõi sát để có thể xử lý sớm các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng sau mổ. Sau đó bệnh nhân phải khám định kỳ để kiểm soát bao xơ cũng như các biến đổi nhu mô vú sau mổ, để đảm bảo an toàn lâu dài.
Video: Sự thật đằng sau thông tin nâng ngực sẽ không bị ung thư