Ngày 29/7 (giờ địa phương), theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, tính từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden tới nay, Washington đã gửi tổng cộng 56,1 tỷ USD viện trợ an ninh cho Ukraine. Trong đó, tính riêng từ khi xung đột nổ ra giữa Ukraine và Nga, số tiền viện trợ an ninh là 55,4 tỷ USD.
Trong đó, các gói viện trợ bao gồm một loạt đạn dược phòng không, pháo binh, hệ thống súng cối, tên lửa chống tăng và chống hạm, xe tăng, trực thăng, máy bay không người lái và nhiều loại thiết bị chiến trường khác.
Lầu Năm Góc Mỹ. (Ảnh: Getty)
Khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1 tới, các khoản viện trợ và chính sách hỗ trợ của Washington dành cho Kiev sẽ phụ thuộc vào vị Tổng thống tiếp theo. Hiện tại, cuộc đua vào Nhà Trắng ở Mỹ đang dần tới giai đoạn cuối cùng, 2 ứng viên đại diện 2 đảng Dân chủ và Cộng hoà tham gia cuộc đua năm nay bao gồm phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Nếu bà Harris đắc cử, bà dự kiến sẽ tiếp tục các chính sách như của Tổng thống Biden. Trong khi đó, ông Trump tuyên bố sẽ cắt viện trợ cho Ukraine nếu được bầu vào Nhà Trắng năm nay. Ông Trump đồng thời đưa ra một đề xuất chính quan trọng cho vấn đề này, đó là cấu trúc viện trợ dưới dạng cho vay. Ông cũng cam kết chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ nếu như tái đắc cử.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc đã công bố một gói mới trị giá 1,7 tỷ USD cho Ukraine, chủ yếu bao gồm đạn dược phòng không, đạn pháo và súng cối, vũ khí nhỏ và thuốc nổ. Đây là đợt cung cấp thiết bị thứ 62 từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc cho Ukraine và kể từ tháng 8/2021, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng.
Trước đây, các đề xuất viện trợ cho Kiev thường bị cản trở tại Quốc hội do không nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng. Gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD từng bị đình trệ trong nhiều tháng tại Quốc hội vào đầu năm nay do sự phản đối của đảng Cộng hòa. Phải tới tháng 4/2024, gói viện trợ này mới được thông qua.