Đề cập đến thông tin Nhật Bản yêu cầu Mỹ đình chỉ tất cả các chuyến bay V-22 Osprey không khẩn cấp trên bầu trời nước này sau tai nạn hôm 29/11, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói chưa nhận được yêu cầu chính thức về vấn đề này.
“Hiện tại, Ospreys vẫn đang hoạt động ở Nhật Bản", người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho hay.
Hình ảnh máy bay Osprey. (Ảnh: Getty)
Theo người phát ngôn Sabrina Singh, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vẫn tiếp tục với những nạn nhân trên máy bay.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cho biết: "Việc xảy ra vụ tai nạn như vậy gây ra sự lo lắng lớn cho người dân trong khu vực... Chúng tôi yêu cầu Mỹ chỉ cất cánh những chiếc Osprey được triển khai tại Nhật Bản sau khi nó được xác nhận là an toàn".
Quan chức cấp cao khác của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho hay, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản - đơn vị vận hành Ospreys, sẽ đình chỉ các chuyến bay của loại máy bay này cho đến khi chi tiết vụ tai nạn được làm rõ.
Việc sử dụng chiến đấu cơ Osprey tạm thời bị cấm ở Okinawa sau vụ tai nạn liên quan đến Osprey của quân đội Mỹ vào tháng 12/2016.
Do lo ngại về an toàn, việc sử dụng Osprey đã gây tranh cãi ở Nhật Bản. Nhiều người cho rằng máy bay này này dễ xảy ra tai nạn, trong khi đó quân đội Mỹ và Nhật Bản nói an toàn.
Vào tháng 8, có 3 lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng khi một chiếc Osprey bị rơi trong cuộc tập trận định kỳ ở Australia. Trước đó, 5 lính thủy quân lục chiến cũng thiệt mạng vào tháng 6/2022 trong vụ tai nạn Osprey ở California
Ngoài ra, nhiều vụ tai nạn liên quan đến máy bay Osprey cũng đã xảy ra tại nhiều nơi, trong đó có một vụ tai nạn vào tháng 3/2022 ở Na Uy khiến 4 người thiệt mạng và các vụ tai nạn ở Syria và Australia vào năm 2017.
Osprey là máy bay có thiết kế "lai" khi có thể bay giống như trực thăng và máy bay cánh cố định. Thủy quân lục chiến Mỹ, hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vận hành máy bay này.