Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lầu Năm Góc lập dự án phòng thủ tên lửa, sẵn sàng răn đe đối thủ

(VTC News) -

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy nỗ lực phát triển dự án đánh chặn tên lửa mới, sẽ trao hợp đồng cho các nhà thầu quốc phòng trong tháng này.

Quyết định lập dự án đánh chặn tên lửa có tên gọi "Tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo" (Next Generation Interceptor-NGI) được xem là một trong những động thái mua sắm đầu tiên dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Theo đó, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Lầu Năm Góc sẽ lựa chọn 2 nhà thầu trong 3 ứng viên Northrop Grumman, Lockheed Martin và Boeing, để tham gia dự án này. Hợp đồng thiết kế và phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa sẽ kéo dài 5 năm.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jessica Maxwell cho biết, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đánh giá năng lực các nhà thầu và ký hợp đồng trong tháng này. Bên cạnh đó, theo Jessica Maxwell, đơn vị phân tích tài chính của Bộ Quốc phòng phải hoàn thành dự toán chương trình trước khi ký hợp đồng với các nhà thầu.

Chính quyền Biden thúc đẩy nỗ lực phát triển dự án hệ thống phòng thủ tên lửa đến năm 2026. (Ảnh: Lockheed Martin)

Trước đó, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu 664,1 triệu USD trong năm tài chính 2021 cho việc phát triển dự án "Tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo" . Đây là một phần kinh phí của kế hoạch ngân sách dự kiến khoảng 4,9 tỷ USD cho dự án này, kéo dài trong 5 năm.

Dự án này sẽ cung cấp cho Lầu Năm Góc 20 đầu đạn mới vào năm 2026. Bloomberg cho biết, các đầu đạn này được thiết lập nhằm đánh chặn và phá hủy các tên lửa bay tới từ các đối thủ như Triều Tiên và Iran. Các đầu đạn này sẽ được lắp đặt trên các thiết bị đánh chặn tên lửa có trụ sở tại Alaska.

"Tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo" được cho sẽ khắc phục các sai lầm của chương trình phát triển đầu đạn kéo dài dưới thời chính quyền Tổng thống Obama và Tổng thống Trump. Trước đó, chương trình này bị hủy bỏ vào tháng 8/2019. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa và các nhà thầu trong dự án đó gồm Boeing và Raytheon Technologies đã bắt tay để thực hiện dự án từ năm 2010.

Theo Tim Morrison, cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia của chính quyền Trump, hiện là nhà phân tích của Viện Hudson: “Chính quyền Biden có thể chứng minh họ có thể phòng thủ tên lửa tốt hơn chính quyền Trump”. Ông cho rằng, việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất sẽ gia tăng lựa chọn cho chính quyền Biden trong việc đối phó với Triều Tiên và Iran, đồng thời tạo ra “sự răn đe chống lại sự hiếu chiến của Nga và Trung Quốc”.

Kông Anh

Tin mới