Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lắp barie chắn ngõ: Đâu phải cứ hiến đất mở rộng đường thì đường thành của riêng

(VTC News) -

Từng hiến đất để mở rộng lối đi không thể là lý do để lắp barie chặn xe máy vào ngõ như một số cư dân ở Hà Nội đang làm, vì đường được mở đã là tài sản chung.

Trong cuộc tranh luận xoay quanh hiện tượng một số nhóm dân cư lắp barie chắn ngõ để xe máy không thể đi qua trong những giờ tắc đường cao điểm, nhiều ý kiến bênh vực hành vi ngăn sông cấm chợ vô lý và sai pháp luật này bằng lập luận: Nhiều gia đình trong các khu dân cư đó đã hiến đất để mở rộng đường làng ngõ xóm, vì thế khi cuộc sống bị ảnh hưởng quá mức bởi dòng người từ đường lớn đang ùn tắc người lao xe máy vào ngõ, họ ngăn ngõ lại cũng là điều chính đáng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Bình luận về chủ đề này trên không gian mạng, nhiều người nói đại ý "phần ngõ trước mặt vốn là ông bà/bố mẹ tôi bỏ đất ra mới được rộng như vậy, tôi có quyền quyết định cho mọi người sử dụng hay không". Họ mặc định ngõ gần nhà mình là của mình và những gia đình xung quanh, người nơi khác chẳng qua là dùng nhờ mà thôi, khi không muốn cho nhờ nữa thì họ có quyền chặn.

Đó là một cách tư duy hoàn toàn sai lầm; nhiều người khác tỏ ra thông cảm và bênh vực hành vi lắp barie cản trở giao thông cũng do bị dẫn dắt bởi cách nghĩ sai lầm đó.

Ngõ 144 đường Thượng Đình bị lắp barie chắn ngang lối vào. (Ảnh: VOV Giao Thông)

Hiến, tức là tự nguyện từ bỏ một thứ vốn thuộc về mình, nếu sau đó vẫn cho rằng mình có quyền quyết định việc sử dụng hay sở hữu thì sao lại gọi là hiến, là cho hay tặng được? Khác với "cho", "tặng" bình thường, từ "hiến" thường áp dụng với những gì rất quý giá, vì thế hành động đó là một biểu hiện của lòng vị tha và thậm chí là đức hy sinh. Vì thế, khi đã hiến đi một thứ thuộc về mình, người ta sẽ không so đo về lợi ích mà thứ đó sẽ mang lại.

Đất cũng thế, nếu vẫn muốn duy trì quyền sở hữu thì đừng hiến, còn nếu đã hiến đất mở đường, mở ngõ thì sau đó, chủ cũ không nên cho rằng mình có quyền đối với phần đất này nhiều hơn những công dân khác. Khi phần đất đã trở thành đất công, nó sẽ được Nhà nước sử dụng dựa trên việc tối ưu lợi ích của cả cộng đồng.

Đường, ngõ sinh ra là để đảm bảo giao thông, không thể vì dân trong ngõ thấy ồn, thấy phiền vì xe cộ đông đúc mà cấm người nơi khác qua lại, cũng như các hộ ở mặt đường lớn không có quyền chắn lối đi để sáng sáng chiều chiều khỏi phải chịu cảnh ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí. Hơn nữa, khi hiến đất làm ngõ, dân cư ở đó là những người được hưởng lợi ích trước tiên và thường xuyên nhất. Ngõ rộng ra, họ sẽ được thuận tiện trong đi lại, sinh hoạt, nhà đất tăng giá trị... Những bất tiện kéo theo cũng là đương nhiên, nên biết cách chấp nhận.

Dựng barie chặn ngõ lại để người nơi khác không thể đi qua là hành vi ích kỷ và trái với các quy định của pháp luật. Sự bất tiện, nỗi khổ của người dân ngõ nhỏ rất đáng thông cảm; việc hiến đất mở rộng ngõ của một số gia đình ở đó trong quá khứ rất đáng được ghi nhận và tôn vinh, nhưng không có nghĩa là nên đồng tình, thỏa hiệp với hành vi trái pháp luật. 

Rất mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết để không còn những barie ngăn sông cấm chợ theo "lệ làng" giữa Thủ đô, đồng thời sớm nghĩ ra các giải pháp giúp cải thiện tình trạng bất tiện của cư dân trong những con ngõ hay bị sử dụng làm lối tắt khi đường lớn ùn tắc.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Hoàng Sơn

Tin mới