Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lao vào đánh nhau sau va chạm giao thông: Vì đâu sự côn đồ ngày càng lên ngôi?

(VTC News) -

Một bộ phận người Việt ngày càng trở nên côn đồ, hung hãn, thích thể hiện quyền lực và sử dụng nắm đấm để giải quyết khi có xung đột, nhất là xung đột giao thông.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ ẩu đả, đánh nhau sau va chạm giao thông khiến người nhập viện, kẻ vướng vòng lao lý.

Mới đây nhất, tối 28/5, nam tài xế ở Hải Phòng bị nhóm người đánh hội đồng dã man sau va chạm ô tô. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị vỡ xương hốc mắt, rách mi mắt, đầu óc choáng váng.

Trước đó, ngày 21/5, sau va chạm giao thông ở Phú Yên, người lái xe ô tô bực tức do gã thanh niên lái xe máy lớn tiếng chửi bới nên lấy gậy đánh bóng chày ra để "xử". Không ngờ đối thủ giật lấy gậy đánh trả rất mạnh khiến tài xế ô tô bị chấn thương sọ não.  

Hay vụ việc khác xảy ra ngày 11/5, người phụ nữ lái xe máy bị cặp vợ chồng lao vào hành hung sau khi tông vào cháu bé trên đường xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng. Đáng nói, nguyên nhân do người cha bất cẩn để bé trai chạy cắt ngang mặt đường, đúng lúc xe máy chạy tới tông trúng khiến cả nữ tài xế và cháu bé ngã ra đường. 

Bạo lực khi tham gia giao thông không phải câu chuyện mới trên đường phố. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai, từ người điều khiển phương tiện cơ giới tới thô sơ, từ người trẻ tới người già, từ xô xát tới án mạng. Thay vì bình tĩnh giải quyết khi xảy ra va chạm giao thông thì không ít người tham gia giao thông lại thích dùng bạo lực, nắm đấm để “nói chuyện”.

Con nhỏ chạy vụt qua đường bị xe máy tông trúng, người bố lao vào đánh nữ tài xế.

Càng “lép vế" càng muốn thể hiện “đẳng cấp”

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, một bộ phận người dân, một bộ phận tài xế nhận thức, ý thức pháp luật, ý thức xã hội rất kém dẫn đến cách hành xử côn đồ.

“Nguyên nhân dẫn đến những trường hợp va chạm chỉ là do vô ý và hậu quả để lại là không đáng kể nhưng hệ lụy do chính cách ứng xử của những người liên quan lại rất nghiêm trọng bởi gây ra thương tích, thậm chí xảy ra án mạng. Điều này cho thấy một bộ phận người Việt ngày càng thể hiện sự côn đồ, hung hăng, coi thường pháp luật, thiếu kiềm chế và không chuẩn mực khi tham gia giao thông”, đại biểu Hoà nói. 

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp).

Không những thế, nhiều tài xế còn kéo bè, kéo cánh, lôi kéo người nhà, người thân, bạn bè ra để đuổi đánh người khác mà không kiềm chế, làm rõ nguyên nhân để có hướng giải quyết.

“Có thể nói một bộ phận người dân càng lép vế, càng hèn yếu, vị thế xã hội thấp lại càng muốn thể hiện “đẳng cấp”, thể hiện cái tôi ngoài cộng đồng để những người xung quanh biết mình là ai. Và nghịch lý là khi họ càng thể hiện thì số phận cuộc đời họ càng trở nên bi ai, đau thương vì ẩu đả hoặc bị pháp luật trừng trị”, đại biểu Hoà nói.

Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Văn Hoà, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thời gian gần đây xảy ra nhiều hành vi lệch chuẩn trong ứng xử cộng đồng. Điều này cho thấy, một bộ phận người dân, nhất là những người yếu thế về nhận thức, thiếu hiểu biết ngày càng hung đồ, muốn thể hiện cái tôi ngoài cộng đồng.

Đại biểu Nga lý giải thêm, sự hùng đồ, giải quyết bằng bạo lực của một bộ phận người Việt trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật, ý thức xã hội rất kém. Đồng thời, sự nóng nảy, thiếu kiềm chế có thể nảy sinh từ áp lực cuộc sống, áp lực hạ tầng giao thông ngày một lớn mà bản thân họ không thể giải quyết được.

“Nếu như đường thông hè thoáng, đường ai nấy đi thì ít xảy ra va chạm và ít xảy ra tình huống mà con người bộc lộ xung đột với nhau. Nhưng hiện nay, phương tiện ngày càng nhiều, đường xá thì chật chội nên những người tham gia giao thông rất dễ ức chế. Chẳng hạn như tắc đường, tình trạng ngập lụt dẫn đến dễ xảy ra va chạm giao thông, sau đó ẩu đả xảy ra”, đại biểu Nga phân tích.

Theo đại biểu Nga, những người có ý thức chấp hành luật giao thông không tốt thường chạy xe rất ẩu, chỉ biết mình mà không biết đến những người xung quanh, dẫn đến va chạm và xung đột xảy ra.

“Có thể hậu quả vụ va chạm giao thông, xung đột giao thông xảy ra không lớn, nhưng chính bản thân con người giữa hai bên lại làm cho nó rất lớn. Va chạm giao thông có thể không xảy ra thương tích, nhưng án mạng có thể xảy ra từ những tài xế khi giải quyết với nhau. Họ ghét nhau chỉ vì vượt xe của nhau, rồi bấm đèn, bấm còi mà cảm thấy không hài lòng cũng sẵn sàng nhảy xuống hơn thua, ẩu đả”, nữ đại biểu nói.

 Sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn giao thông thể hiện sự yếu đuối, nhận thực pháp pháp luật hạn chế. (Ảnh: Internet).

Cần tăng chế tài xử lý, giáo dục pháp luật cho người dân

Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, để hạn những vụ việc phát sinh sau xung đột giao thông, bản thân mỗi người cần phải kiềm chế, nhẫn nại hơn để tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân rồi mới giải quyết.

“Công tác giáo dục cần được đặt lên hàng đầu để giúp người tham gia giao thông có một "cái đầu lạnh" khi ra đường. Và đặc biệt, cần thiết phải có những chế tài xử lý nghiêm để hạn chế tình trạng xô xát khi va chạm giao thông, giúp lái xe ứng xử với nhau một cách văn minh hơn”, đại biểu Hoà cho biết.

Cũng theo ông Hoà, hiện nay các phương tiện thông tin như báo chí, mạng xã hội rất phát triển. Mọi hành vi vi phạm dù nhỏ của lái xe đều dễ dàng được ghi lại bởi camera an ninh hoặc thiết bị ghi hình của người dân và sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt thích đáng. Không những vậy, những hành vi côn đồ, ứng xử vô văn hoá còn có thể bị cộng đồng lên án, "ném đá" mạnh mẽ.

Đại biểu Hoà cho rằng: "Khi mỗi người đều thể hiện sự nhường nhịn, ứng xử đúng mực sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh hơn, để những chuyện đáng tiếc không xảy ra, gây hậu quả nặng nề cho cá nhân, gia đình và xã hội. Và quan trọng nhất, tự thân các lái xe cần nâng cao nhận thức về pháp luật để tránh tối đa va chạm xảy ra".

Về giáo dục ý thức văn hoá trong mỗi con người và nhất là khi tham gia giao thông, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, đây là vấn đề rất đáng quan tâm.

“Trên diễn đàn của Quốc hội tôi đã phát biểu nhiều về việc chúng ta cần quan tâm đến giáo dục ý thức văn hoá cho con người mọi nơi, mọi lúc”, đại biểu Nga nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Quochoi.vn).

Từ thực tế những vụ việc xảy ra, đại biểu Nga cho rằng, chúng ta không nên thờ ơ, mặc định cho ngành giáo dục, ngành văn hoá thể thao và du lịch, mà việc ứng xử văn hoá cần phải được hình thành từ trong lối sống của mỗi con người, trong mỗi gia đình và trong cả cộng đồng.

"Nếu ở gia đình, cha mẹ không quan tâm đến cách giáo dục, ứng xử văn hoá của con em mà hoàn toàn phụ thuộc, giao phó cho nhà trường dạy dỗ là không nên. Riêng trong giao thông, tôi nhận thấy ngày càng xảy ra rõ hơn, nhận diện rõ hơn những hành vi ứng xử chưa chuẩn mực và nặng hơn là cách ứng xử chưa văn hoá khi tham gia giao thông”, đại biểu Nga cho biết.

Theo đại biểu Nga, đây là thực trạng rất báo động, không những chỉ ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông của người khác, mà điều quan trọng cách ứng xử này nó thể hiện sự xuống cấp của văn hoá ứng xử, đạo đức trong một bộ phận người trong xã hội.

“Ở góc độ tâm lý học, họ thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc và hành vi, chưa có kỹ năng xử lý tình huống. Còn dưới góc độ về nhận thức, họ còn thiếu về kỹ năng ứng xử, chuẩn mực đạo đức và đặc biệt là về nhận thức về pháp luật chưa đầy đủ dẫn đến thái độ và hành vi không đúng mực”, đại biểu Nga nói.

Chính vì vậy, chúng ta phải nhanh chóng lên tiếng để giải quyết dứt điểm việc này để những người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông và nhất là cách ứng xử giữa người với người trong mọi tình huống cũng cần phải được nhắc nhở để điều chỉnh.

“Nếu mỗi người bình tĩnh giải quyết khi xảy ra va chạm giao thông thì câu chuyện trở nên nhẹ nhàng, nhân ái hơn rất nhiều”, đại biểu Nga nói.

PHẠM DUY

Tin mới