Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lao động tự do có dễ 'với' tới gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng?

(VTC News) -

Gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ được coi là cứu cánh của người lao động tự do giữa đại dịch COVID-19, tuy nhiên, việc tiếp cận có thực sự dễ dàng?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây ký ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ có tổng trị giá hơn 62.000 tỷ đồng. Khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng chính sách này. Trong đó người lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm (hay còn gọi là lao động tự do) sẽ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong vòng 3 tháng. 

 

Tại Tọa đàm "An sinh xã hội trong đại dịch" do VTC1 tổ chức sáng nay 27/4, bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng - LIGHT, Trưởng Ban điều phối hành động vì Lao động Di cư (M.net) - cho biết, không phải đến khi dịch COVID-19 bùng phát, các chính sách hỗ trợ mới "tìm" đến nhóm đối tượng yếu thế này, thế nhưng trên thực tế, việc thực thi các chính sách chưa thực sự hiệu quả.

Từ trước đến giờ, các chính sách cũng có những điều chỉnh, thay đổi, cố gắng tiếp cận nhóm đối tượng này nhiều hơn nhưng việc thực thi là chưa nhiều. Ví dụ, gói bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến giờ phút này hầu như chưa tiếp cận được bao nhiêu. Trong những năm trước, chúng ta đã mở rộng được độ phủ của bảo hiểm y tế và cũng có một số lao động tự do tiếp cận được nhưng con số này không cao, khi quá trình thực hiện liên quan đến hộ khẩu, thường trú, xác nhận nhân thân của họ còn gặp khó khăn”, bà Giang dẫn giải.

Đặc điểm của các nhóm lao động phi chính thức, lao động tự do này là công việc bấp bênh, thay đổi nhiều, thu nhập không ổn định và thường là thu nhập thấp, thời gian lao động kéo dài. Theo bà Giang, rõ ràng các đối tượng lao động tự do đang phải chịu nhiều khoảng trống về an sinh xã hội. Thứ nhất, số lượng người, tỷ lệ người được đào tạo nghề không cao, đa phần kỹ năng nghề nghiệp thấp, không ổn định, bấp bênh. Thứ hai, trên 90% nhóm lao động tự do này không có bảo hiểm, đồng nghĩa với việc không được hệ thống an sinh xã hội bảo vệ, kể cả bảo hiểm thất nghiệp, lương hưu…Thứ ba, họ cũng không  tiếp cận được các dịch vụ y tế. Thứ tư, đây cũng không phải là nhóm đối tượng thường được hưởng bảo trợ.

Giữa đại dịch COVID-19, người lao động tự do rất thiệt thòi, họ vẫn phải trả tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, nhu yếu phẩm trong khi mất việc làm, không có thu nhập. Bên cạnh đó là vấn đề về sức khoẻ và các hiểu biết, kiến thức, kỹ năng để bảo vệ sức khoẻ cũng hạn chế”, bà Giang nói. 

Bà Nguyễn Thu Giang tại buổi tọa đàm sáng nay 27/4. (Ảnh: VTC Now)

Chính vì vậy gói hỗ trợ an sinh được xem như "cứu cánh" cho nhóm người này, giúp họ phần nào trang trải cuộc sống. Thế nhưng việc xác nhận để giải ngân lại không hề đơn giản. Thậm chí, còn nhiều người chưa biết đến gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng hoặc có biết họ cũng không biết phải hỏi ai, làm như thế nào để được hỗ trợ nên nhiều khi chấp nhận "bỏ qua".

"Chính vì vậy, để gói hỗ trợ đến được với người lao động tự do thì phụ thuộc rất lớn vào các đoàn thể, tổ chức xã hội, chính quyền địa phương", bà Giang khẳng định.

Thứ nhất, các hỗ trợ phải kịp thời, thứ hai là đến đúng được đối tượng và thứ ba là chúng ta phải nhìn thấy một chặng đường dài đằng sau, làm thế nào hỗ trợ cho nhóm đối tượng này để an sinh xã hội cho họ được tốt hơn? Vì không chỉ khi có đại dịch mà chỉ cần một chính sách nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng đến công việc của họ, cũng có thể khiến họ không còn việc làm, đói ăn”, bà Giang nhấn mạnh.

Theo bà Giang, phải có những tiêu chí hết sức mở, vì đóng điều kiện quy định lại là đóng những cơ hội được tiếp cận hỗ trợ của những đối tượng thiệt thòi. Bên cạnh đó, các quy định phải có sự thực thi cầu thị từ chính quyền địa phương, dù là khó nhưng vẫn có thể xác minh được cư trú, nhân thân của một người và đặc biệt là phải có sự giám sát nhiều chiều từ các tổ chức xã hội, mặt trận tổ quốc, giám sát từ chính những người thụ hưởng. Cũng cần niêm yết công khai những đối tượng thụ hưởng, mở các đường dây nóng, các kênh điện tử online để có những phản hồi đầy đủ nhất.

Một chính sách đúng đắn nếu kèm theo việc thực hiện mở, hỗ trợ, công khai minh bạch mới là đích cuối cùng chúng ta cần đạt được trong gói hỗ trợ này”, bà Giang lập luận.      

Trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, lần đầu tiên Chính phủ tung gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng bằng tiền mặt cho hàng triệu người chịu ảnh hưởng. Theo tính toán, nhiều đối tượng xã hội sẽ được hỗ trợ tiền mặt trong 3 tháng, thấp nhất là 500.000 đồng/người/tháng. Nhiều người đánh giá đây là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thể hiện rõ cam kết một “Chính phủ hành động”, nhân văn, không bỏ sót ai chịu thiệt hại vì dịch bệnh. 

Về nguồn vốn của gói này, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương 22.000 - 23.000 tỷ lấy từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019 là 19.000 - 20.000 tỷ đồng. Số còn lại từ nguồn dự phòng 2020, tiết kiệm chi thường xuyên... Ngân sách địa phương 13.000 - 14.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư.

Video: Người nghèo nhận gạo tại các điểm ATM gạo miễn phí tại Hà Nội

LAN HƯƠNG

Tin mới