Đi về phía lửa là bộ phim truyền hình dài tập về nghề lính cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn do đạo diễn Trần Thanh Huy thực hiện. Bộ phim được lấy cảm hứng từ series truyền hình đình đám Đài Loan - Nước mắt của hỏa thần.
Chuyện phim xoay quanh cuộc đời với những bộn bề, tâm tư tình cảm về nghề, về gia đình của bốn người lính trẻ tuổi trong một đội cứu hỏa địa phương.
Bên cạnh việc khắc họa những ca cứu hộ, cứu nạn đầy gian nan, phải đối mặt với lằn ranh sinh tử, phim còn hé lộ cho khán giả nhiều góc khuất nội tâm và những câu chuyện giàu cảm xúc trong đời sống riêng của người lính cứu hỏa.
Lãnh Thanh bày tỏ "Đi về phía lửa" là bộ phim khiến anh phải thể hiện sự “điên” nhiều nhất trong sự nghiệp diễn xuất.
Bốn tên tuổi diễn viên trẻ tiềm năng được “chọn mặt, gửi vàng” cho vai chính trong dự án này là: Lãnh Thanh, Trần Ngọc Vàng, Xuân Phúc, Hồ Thu Anh.
Với sự nhiệt huyết dành cho nhân vật, các diễn viên không ngại trực tiếp tham gia vào quá trình rèn luyện đầy gian khổ cùng các chiến sỹ của Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ PC07 Công an TP Đà Nẵng.
Vì thế bộ phim đã có những cảnh quay cháy nổ với lửa thật có độ khó cao, khiến dàn diễn viên phải dốc hết sức mình và nhiều lần trải nghiệm cảm giác như thể “diễn viên cũng chính là lính cứu hỏa”.
Lãnh Thanh bày tỏ Đi về phía lửa cũng là bộ phim khiến anh phải thể hiện sự “điên” nhiều nhất trong sự nghiệp diễn xuất. Anh cho rằng đây là một bộ phim “rất khó và mệt” để thể hiện lên màn ảnh.
“Bạn sẽ không bao giờ thấy một diễn viên mặt hoa da phấn, nói những lời ngôn tình đâu. Mọi thứ đều rất khốc liệt”, Lãnh Thanh mô tả.
Cộng thêm với việc phải hóa thân trọn vẹn vào một nhân cách “lúc nào cũng lầm lầm lì lì, có vấn đề trong chuyện chia sẻ, mở lòng với người khác” khiến nam diễn viên phải “nảy số” ra nhiều cách khác nhau để dễ dàng nhập vai.
Lãnh Thanh thổ lộ: “Khó nhất là trong một phân cảnh phải lao vào biển lửa để làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, chứng kiến cảnh người gặp nạn nằm chồng chất lên nhau… tôi không tránh khỏi ám ảnh bởi độ chân thật và cảm xúc nhập vai lúc đó”.
Theo tiết lộ từ Trần Ngọc Vàng, tất cả diễn viên đều phải trải qua những bài tập rèn luyện thể lực gắt gao.
Theo tiết lộ từ Trần Ngọc Vàng, tất cả diễn viên đều được huấn luyện và đào tạo bài bản những kiến thức, kỹ năng về ngành phòng cháy chữa cháy trước khi bắt đầu bấm máy.
Nhớ lại những trải nghiệm khi vào vai lính cứu hỏa, Trần Ngọc Vàng nói: "Ngày nào chúng tôi cũng phải đến đơn vị để học và luyện tập từ 6 giờ sáng đến 9 - 10 giờ đêm. Sau khoảng 10 ngày, chúng tôi mới bắt đầu vào phim để quay. Cá nhân mỗi diễn viên thì đều có một môn thể thao để theo đuổi, tập luyện hằng ngày để rèn luyện sức khỏe".
Còn Xuân Phúc cho biết, bản thân anh và các diễn viên khác đã trải qua những cảnh quay vất vả tới mức "vắt kiệt sức", mặc dù thời lượng xuất hiện trong từng tập vô cùng ngắn ngủi và "trông có vẻ đơn giản".
Ví dụ như cảnh bế những nạn nhân ra khỏi đám cháy, cả đoàn phải bấm máy thực hiện tới 10 lần để lấy nhiều góc quay. Tới khi hoàn thành cảnh quay, tất cả diễn viên mới được cởi bỏ đạo cụ, gỡ mặt nạ, bình dưỡng khí, lúc này ai nấy đều đã mệt nhoài.
Diễn viên Xuân Phúc đã trải qua những cảnh quay vất vả tới mức "vắt kiệt sức".
"Tôi cũng từng đóng nhiều phim hành động nhưng đây thực sự là bộ phim đem đến nhiều trải nghiệm khó khăn nhất, cũng là lần đầu tiên đi làm phim mà mệt đến độ vượt quá sức tưởng tượng", Xuân Phúc nói.
Trải nghiệm này cũng khiến Xuân Phúc hóm hỉnh chia sẻ thêm rằng nếu vợ anh mà có mặt tại bối cảnh phim, chắc chắn cô sẽ ngăn cản nam diễn viên tham gia tác phẩm này. Quá trình diễn xuất vất vả là thế, nhưng anh cũng nhìn nhận đây là vai đặc biệt trong sự nghiệp.
Đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết: "Mục đích thực hiện bộ phim này là để tôn vinh những người lính cứu hỏa, cũng như công việc phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Tôi và ê-kíp đã thực hiện bộ phim bằng tất cả lòng ngưỡng mộ, sự trân trọng dành cho những người lính cứu hỏa và bằng tất cả sự thấu hiểu cho nỗi đau của những người đã đi qua mất mát".