Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lãnh đạo Nga - Trung 'ngoại giao gấu trúc' tại vườn thú Matxcơva

Sau các cuộc hội đàm chính thức tại Điện Kremlin, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến vườn thú Matxcơva để thăm hai con gấu trúc khổng lồ.

Video: Lãnh đạo Nga - Trung 'ngoại giao gấu trúc' tại vườn thú Matxcơva

Hai gấu trúc này đã được Trung Quốc trao cho Nga như một "dấu hiệu của sự tôn trọng và tin tưởng".

Theo RT, gấu trúc có nguy cơ tuyệt chủng được coi là báu vật quốc gia ở Trung Quốc. Nga là một trong số 18 quốc gia trên thế giới đón những động vật dễ thương này.

"Khi chúng ta nói về gấu trúc, một nụ cười xuất hiện trên khuôn mặt của chúng ta", ông Putin nói với các nhà báo trong cuộc họp báo trước đó ngày 5/6.

 (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Nga đã cảm ơn Chủ tịch Trung Quốc về cử chỉ thân thiện khi gửi những con vật này đến Matxcơva, mà theo ông là biểu hiện cho thấy Bắc Kinh coi trọng quan hệ song phương và các chuyên gia động vật Nga ở mức độ cao nhất.

Hai con gấu trúc khổng lồ - con đực tên là Ru Yi, được ba tuổi vào ngày 30/7 tới và con cái tên là Ding Ding, ít hơn một tuổi và một ngày - đến từ Tứ Xuyên, phía Tây Nam Trung Quốc được đưa sang Nga hồi tháng Tư. Ông Putin và ông Tập đã đến thăm chúng tại khu nuôi mới được xây dựng để chính thức hóa việc bàn giao.

Ru Yi và Ding Ding sẽ ở lại Thủ đô Nga trong 15 năm tới nhưng vẫn là tài sản của nhà nước Trung Quốc. Nếu chúng sinh con - gấu trúc được biết là hiếm khi sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt - gấu con cũng sẽ thuộc về Bắc Kinh.

  (Ảnh: Sputnik)

"Những con gấu trúc đang cảm thấy tuyệt vời", Thị trưởng Matxcơva Sergei Sobyanin cam đoan với hai nhà lãnh đạo. Những con thú đen trắng ủng hộ lời nói của ông bằng cách nhai cà rốt và tre với sự háu ăn tuyệt vời và trông hoàn toàn không bị tác động gì từ chuyến thăm của những vị khách cấp cao.

Sở thú Matxcơva đăng ký tham gia chương trình bảo tồn của Trung Quốc để bảo vệ và nghiên cứu gấu trúc vào năm 2016. Cuộc đàm phán diễn ra trong ba năm, có thể được coi là khá ngắn sau khi Phần Lan và Hà Lan cần 10 và 16 năm, để đàm phán thỏa thuận tương tự.

Mối quan hệ chính trị và kinh tế đang phát triển nhanh chóng giữa Matxcơva và Bắc Kinh đã góp phần thúc đẩy cái gọi là "ngoại giao gấu trúc", theo RT.

 

 

Trung Quốc sử dụng gấu trúc như một phần xu hướng “ngoại giao gấu trúc” bắt đầu từ năm 1957, khi tặng “Ping Ping” cho Liên Xô. Món quà tương tự sau đó cũng được tặng cho Mỹ và Triều Tiên như biểu tượng thiện chí, theo Tân Hoa Xã.

Dù vậy, từ năm 1982, chính phủ Trung Quốc ngừng chính sách tặng gấu, khi loài này cần được bảo vệ. Thay vào đó họ bắt đầu cho các nước được chọn “mượn” những con gấu trong một thời gian.

Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford năm 2013, những dịp Trung Quốc cho “mượn” gấu trúc trùng hợp với thời điểm các thỏa thuận thương mại quan trọng diễn ra, khiến động thái được xem như “con dấu chấp thuận” của các thỏa thuận. Theo Times of India, chi phí cho mượn khoảng 1 triệu USD mỗi gấu (năm 2017), sẽ được đưa vào các dự án bảo tồn gấu trúc.

Một trong những nước được mượn gấu gần đây là Đức – với hai con Jiao Quing và Meng Meng – trong 15 năm. Sự tiếp đón những con gấu trúc này diễn ra khá nổi bật, với việc Thị trưởng Berlin và Đại sứ Trung Quốc tại Đức, sau đó là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ghé thăm chúng trước thềm một hội nghị G20.

“Ngoại giao gấu trúc” tuy nhiên không phải lúc nào cũng tràn ngập không khí ấm áp. Theo truyền thông, đầu năm 2014, vụ mất tích máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia – với ít nhất 150 người Trung Quốc trên máy bay đã khiến Trung Quốc hoãn việc đưa hai con gấu trúc đến vườn thú Kuala Lumpur 1 tháng, để thể hiện sự không hài lòng với công tác điều tra.

Phương Anh

Tin mới