Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lãnh đạo huyện Lục Ngạn tiết lộ về loại vải thiều đắt nhất Việt Nam

Trao đổi với VTCNews, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND Lục Ngạn cho rằng, đây là mức giá xứng đáng đối với loại vải thiều được trồng theo phương pháp hữu cơ.

Thông tin một hộp vải thiều Lục Ngạn đóng gói gồm 12 quả được bán ra với mức giá 200.000 đồng đang khiến người tiêu dùng tò mò lẫn băn khoăn. Năm 2019 được xem là có giá vải thiều cao nhất từ trước đến nay. Mới đây, huyện Lục Ngạn thí điểm thêm mô hình trồng vải hữu cơ. Theo đó, các sản phẩm vải hữu cơ được bán ra thị trường với giá đắt chưa từng có.

Chia sẻ về điều này, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, đây là mức giá xứng đáng với loại vải thiều cao cấp, được trồng theo phương pháp hữu cơ hiện đại nhất hiện nay.

Theo ông Hoàn, nhiều năm, Lục Ngạn đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng vải thiều, gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm chứ không chạy theo số lượng. “Sản xuất Nông Nghiệp hữu cơ không phải là vấn đề mới ở Việt Nam nhưng chưa phát triển mạnh. Mục tiêu của Lục Ngạn là sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đảm bảo môi trường sinh thái”, phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khẳng định.

Được biết, hiện nay, nhu cầu của khách hàng muốn sử dụng sản phẩm vải thiều cao cấp, được sản xuất theo quy trình hữu cơ ngày càng cao, cung không đủ cầu. Trong khi đó, Lục Ngạn đã có vải sản xuất theo quy trình Vietgap, Globalgap và được  đánh giá cao về chất lượng.

 Vải thiều Lục Ngạn đóng hộp 12 quả ,được bán với giá 200.000 đồng.

Khẳng định phương pháp sản xuất vải hữu cơ là tất yếu, tuy nhiên ông Cao Văn Hoàn khẳng định, điều này không làm ảnh hưởng đến các loại vải khác. Thực tế, vải Vietgap trồng tại Lục Ngạn tất cả đều đã có đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

Phương pháp trồng vải hữu cơ được Lục Ngạn bắt đầu thí điểm từ năm nay. Địa phương sẽ có những đánh giá cụ thể và từng bước triển khai mở rộng diện tích. “Vải thiều cũng như các sản phẩm khác, có cao cấp, có bình dân. Nhưng sản phẩm vải thiều Lục Ngạn loại nào cũng đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời mong muốn tạo ra chất lượng, thương hiệu riêng với nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng”, ông Hoàn nói.

Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về sản lượng vải thiều (380.000 tấn), chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ. Chất lượng vải thiều cũng được đánh giá là tốt nhất thế giới. Song, Việt Nam, trong đó có Bắc Giang lại chủ yếu chỉ xuất quả vải thiều theo cân, đóng thùng xốp khá đơn giản nên giá bán không cao. Trong khi đó, cũng là quả vải thiều Việt Nam xuất sang Nhật Bản được doanh nghiệp đóng trong bao gói đẹp và bán trong siêu thị tới 430.000 đồng/12 quả.

Theo ông Cao Văn Hoàn, câu chuyện đóng hộp bán 200.000 đồng/hộp vải thiều tại thị trường nội địa dù mới làm thử nghiệm nhưng là tín hiệu vui, tạo tiền đề để người nông dân liên kết cùng doanh nghiệp làm ra sản phẩm có chất lượng tốt, đem lại giá trị kinh tế cao.

Đào Bích

Tin mới