Một quan chức cấp cao của EU hé lộ, Biển Đông sẽ là vấn đề được mang lên bàn nghị sự giữa ông Tập và các nhà lãnh đạo của tổ chức này.
Hồi đầu năm, quan chức của EU từng bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương gần đây ở Biển Đông, nhấn mạnh những hành động này 'làm gia tăng căng thẳng' và 'hủy hoại' môi trường an ninh hàng hải trong khu vực.
Cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 14/9 là cuộc gặp thứ 2 giữa các quan chức cấp cao hàng đầu của Trung Quốc và lục địa già trong 2 tháng qua.
Giới quan sát tin rằng trong cuộc gặp này, Chủ tịch Tập sẽ phải có những hành động cụ thể khi mà ông đang tìm cách ngăn liên minh châu Âu xích lại gần hơn với Mỹ.
Không chỉ phải đối mặt với lời kêu gọi mới từ các nhà lãnh đạo châu Âu về việc nhượng bộ để kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 7 năm về một hiệp định đầu tư, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ phải giải thích về tình hình ở Hong Kong, theo chương trình nghị sự của EU.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
Giới chức EU cũng sẽ nhân dịp này thúc giục Trung Quốc tham gia đầy đủ vào cuộc điều tra độc lập về hoạt động ứng phó đại dịch COVID-19 của WHO cũng như tăng cường xóa nợ cho các nước châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Theo SCMP, Trung Quốc coi hội nghị lần này như một ví dụ về hợp tác trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang. Nhưng các quan chức EU nói họ sẽ giữ vững lập trường về các vấn đề không cùng quan điểm với Bắc Kinh.
Việc Ngoại trưởng Trung Quốc mới đây đưa ra tuyên bố chung với người đồng cấp Nga cũng làm sâu sắc thêm sự hoài nghi của EU. Đặc biệt là sau khi châu Âu hướng mũi dùi về Matxcơva đối với cái mà khối này gọi là âm mưu ám sát lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny.
Các nhà lãnh đạo EU cũng được cho là sẽ bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia mới đối với Hong Kong mặc dù không có dấu hiệu cho thấy khối có kế hoạch mở rộng phạm vi các biện pháp trừng phạt đối với thành phố này.
"Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng EU cần làm việc với Trung Quốc ở những khía cạnh mà chúng tôi có thể và chúng tôi phải làm. Nhưng chúng tôi cũng cần phải kiên định về lợi ích và giá trị của mình. Nói cách khác, hơp tác là có thể, nhưng kiên quyết là cần thiết", một quan chức cấp cao của EU cho hay.
Bắc Kinh thường chú trọng tới từng quốc gia trong EU hơn là toàn khối. Nhưng cuộc gặp của Chủ tịch Tập diễn ra vào thời điểm các nước châu Âu đang ngày càng thống nhất trong việc đối phó với Trung Quốc.