Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Làng Tranh Khúc tất bật bánh chưng bán Tết

Càng gần đến Tết, làng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) - nơi nức tiếng làm bánh chưng phục vụ thị trường Tết Hà Nội tất bật chuẩn bị cung cấp hàng vạn chiếc bánh chưng ra thị trường.

Những ngày này, thị trường bánh chưng bắt đầu rục rịch. Tại làng nghề bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) không khí chuẩn bị làm hàng vạn chiếc bánh chưng xuất bán đang rất náo nhiệt. Mọi việc từ đãi gạo, ngâm đỗ, rửa lá, đốt lò đều được lên kế hoạch, tính toán tỉ mỉ.

 Các cơ sở gói bánh chưng tích trữ lá dong phục vụ dịp Tết Nguyên Đán.

Bà Lý Thị Diệp (52 tuổi) trưởng làng Tranh Khúc cho biết: “Ngày thường, có những hộ chỉ gói khoảng 200-300 bánh đưa ra các chợ, siêu thị để bán. Nhưng vào mỗi dịp Tết, nhà nào cũng hối hả gói bánh, có những đơn hàng lên tới hàng nghìn chiếc.

Bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp, nhà nào nhà nấy đều cuống quýt làm hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội”.

Chị Nguyễn Mai Phương (46 tuổi) – chủ một cơ sở gói bánh chưng làng Tranh Khúc nói: Nguyên liệu để gói bánh chưng hầu như không tăng chỉ riêng lá dong tăng khoảng 15-20 đồng. Chính vì vậy, giá bánh bình quân trên thị trường cũng tăng nhẹ khoảng 5% so với năm trước.

“Loại bánh chưng nặng 0,8 kg, có giá dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/chiếc, loại bánh 1kg có giá khoảng 50.000 đồng/chiếc, loại 1,2kg có giá 60.000-70.0000 đồng/chiếc; loại nhiều nhân, nhiều đỗ nhiều thịt đặt riêng thì 100.000 đồng/chiếc.

Thậm chí. có nơi còn bán loại bánh 200.000 đồng/chiếc tùy vào nhu cầu của khách hàng”, chị Phương nói.

Theo tìm hiểu của PV VTC News, buổi sáng là thời gian chuẩn bị các nguyên vật liệu gói bánh, đến chiều các hộ dân mới bắt tay vào gói để cuối ngày bắc bếp.

 Theo bà Diệp, các cơ sở tại làng đang rục rịch chuẩn bị cung cấp bánh chưng cho thị trường.

Theo bà Diệp, bánh chưng ngon, đảm bảo chất lượng thì phải có đầy đủ: Thịt ba chỉ, nếp, đỗ xanh, lá dong bánh tẻ, lạt buộc và được nấu chín dền.

Người tiêu dùng cần lưu ý chọn loại gạo nếp có hạt đều, mẩy. Ngon nhất là loại nếp cái hoa vàng, vừa thơm vừa dẻo. Gạo phải ngâm ít nhất 8 tiếng, đãi sạch sạn, vớt ra để ráo nước trước khi gói bánh. Mỗi chiếc bánh có thể gói từ 0,5 - 1kg gạo, tuỳ độ kích thước.

Đối với đỗ xanh, phải chọn loại đỗ xanh tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng thì bánh sẽ thơm ngon hơn. Đỗ xanh xay vỡ, ngâm trong nước chừng 1-2 giờ rồi đãi sạch vỏ xanh, nấu chín, đánh tơi để làm nhân bánh. Tỷ lệ thông thường là 8 phần gạo: 2 phần đỗ.

Về thịt lợn, chọn loại thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn bánh sẽ ngon hơn. Không nên chọn loại thịt quá nạc. Thịt rửa sạch thái thành các miếng dài chừng 5-7 cm, dày chừng 0,5 cm, ướp muối, tiêu, hành củ thái lát cho ngấm chừng 15 phút trước khi gói bánh.

"Bánh chưng truyền thống mãi cũng chán, khoảng 3-4 năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình còn bán thêm loại bánh chưng đỏ. Ban đầu chỉ là sản phẩm người trong làng tự làm thử nghiệm ăn chơi, nhưng sau một vài khách biết đến ăn thử thấy ngon nên đặt hàng nhiều hơn.

Bánh chưng gấc vỏ ngoài vẫn là màu xanh, nhưng bên trong có màu đỏ đẹp mắt, nhân vẫn có thịt, nhưng thường là nhân ngọt. Khi ăn bánh dẻo như xôi gấc và có độ nhuyễn của bánh chưng. Giá bình quân một chiếc bánh chưng gấc khoảng 50.000 - 80.000 đồng/chiếc", bà Diệp cho biết.

Theo bà Lý Thị Diệp, để bảo quản bánh sau khi sản phẩm ra lò các cơ sở thường hút ép chân không, dán nhãn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày gói và hạn sử dụng. Người tiêu dùng sẽ yên tâm khi ăn bánh.

Hiện nay, làng Tranh Khúc có hơn 200 hộ dân làm nghề gói bánh chưng. Nghề đang chiếm khoảng 40 - 45% tổng thu nhập của thôn Tranh Khúc. Có nhiều cơ sở nổi tiếng như cơ sở của bà Lý Thị Diệp, Thúy - Phương, Bảo – Ngân… được người tiêu dùng tin dùng.

Video: Nông dân kiếm tiền tỷ nhờ "rác" quả dừa

Thu Nga

Tin mới