Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lạng Sơn tạo nhiều cơ hội cho nông dân chuyển đổi số

(VTC News) -

Quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn tại Lạng Sơn thời gian qua đã đem đến những đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội số.

Quyết tâm chuyển đổi số để người nông dân đỡ cực khổ

Nếu như cách đây vài năm, những người biết tới na Chi Lăng tại Hà Nội, TP.HCM, dù thích cũng khó khăn trong việc mua được loại đặc sản này thì giờ đây đã dễ dàng hơn rất nhiều.

Thương mại điện tử phát triển, người nông dân dễ dàng đưa sản phẩm của mình lên các nền tảng số để giới thiệu với người tiêu dùng cả nước. Việc người dân đồng bào dân tộc thiểu số lên Facebook, TikTok… để livestream bán hàng, giới thiệu nông sản một cách chuyên nghiệp ngỡ là chuyện không tưởng trước đây, giờ cũng đã trở thành chuyện thường ngày.

Khách hàng ở Hà Nội, TP.HCM cũng chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là đã có thể đặt được những trái na Chi Lăng thơm ngon cho gia đình mình. Các loại nông sản, đặc sản của Lạng Sơn được “đóng dấu” OCOP ngày càng nhiều, không chỉ nâng giá trị sản phẩm mà còn đem đến nguồn thu nhập bền vững cho người nông dân.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều những chuyển biến tích cực mà công cuộc chuyển đổi số đã đem đến, làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế của người nông dân tại Lạng Sơn những năm gần đây.

Na Chi Lăng được nông dân livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội.

Lạng Sơn là một trong những tỉnh biên giới với diện tích rộng, đường biên giới dài trên 231km, địa hình phức tạp, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, dân số thưa thớt với mật độ chỉ 94,9 người/km2, chưa bằng 1/3 mật độ dân cư chung của cả nước. Người dân tại Lạng Sơn đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, làm nông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy, mặc dù có rất nhiều loại đặc sản tiềm năng, trong suốt nhiều năm, nền kinh tế của người nông dân Lạng Sơn vẫn còn rất hạn chế.

Trong bối cảnh đó, từ rất sớm, cùng với lời kêu gọi chuyển đổi số quốc gia, chính quyền địa phương nhanh chóng nắm bắt, triển khai các chính sách chuyển đổi số tới từng người dân, đặc biệt chú trọng tới việc phát triển kinh tế nông thôn để phát huy các lợi thế về tự nhiên và con người nơi đây.

Ông Nguyễn Trọng Hùng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn cho biết: “Là một tỉnh miền núi biên giới nghèo còn nhiều khó khăn, thách thức nên Lạng Sơn xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh, trong đó ưu tiên chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn.

Với quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, làm động lực và là mục tiêu phát triển, Lạng Sơn đã đẩy mạnh kinh tế số, đưa người dân lên nền tảng số. Từ đó, thúc đẩy công tác chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực của tỉnh, đặc biệt là phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Có như thế, bà con Nhân dân những xã nghèo mới nhanh chóng phát triển, đỡ khổ cực”.

Ông Nguyễn Trọng Hùng – Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn.

Từ mục tiêu đến triển khai, tháng 01/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch số 09/KH-UBND về “Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2023-2025”. Điều này đã giúp cho quá trình chuyển đổi số nông thôn, đưa người nông dân xứ Lạng trở thành những công dân số nhanh và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 20.984 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 2 toàn quốc, với 48.920 giao dịch thành công, đứng thứ 4 toàn quốc. Đặc biệt, có 228.099 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, đạt 93% về tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo về kỹ năng số/hộ gia đình.

Lạng Sơn cũng là một trong những tỉnh sớm triển khai được nền tảng công dân số một cách hiệu quả. Chỉ riêng nền tảng Công dân số Xứ Lạng, tính đến tháng 11/2023 đã cài đặt được 644.850 tài khoản (đạt 136% kế hoạch, chỉ tiêu 80% dân số).

Trong đó, tài khoản Công dân số Xứ Lạng đạt 240.278 tài khoản, đạt 151% kế hoạch; tài khoản thanh toán điện tử: 266.962 tài khoản, đạt 168% kế hoạch; tài khoản mua/bán trên sàn TMĐT: 238.482 tài khoản (PostMart 186010 tài khoản, Voso 52.472 tài khoản) đạt 150% kế hoạch.

Số đơn hàng trên sàn TMĐT là 48075 đơn (năm 2023 là 2.541 đơn) với doanh thu là 10.921.789.416 đồng (năm 2023 là 406.714.000 đồng).

Toàn tỉnh đã kiện toàn 1.658 Công nghệ số cộng đồng với 9.042 thành viên, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.

Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2022, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; là năm thứ 2 liên tiếp nằm trong top 10 tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số.

Theo báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Lạng Sơn với điểm tổng hợp đạt 67,88 điểm xếp thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2021; xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Với tổng điểm 17,31 điểm, Lạng Sơn cũng là một trong 3 tỉnh đứng đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) cùng với Trà Vinh và Bắc Ninh, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong năm 2022.

Với những nỗ lực mạnh mẽ, quyết tâm của các cấp, Lạng Sơn đang tạo nhiều cơ hội số hóa một cách hiệu quả cho người nông dân.

Nhờ những nỗ lực chuyển đổi số tới từng người dân, Lạng Sơn đang từng bước tạo ra những cơ sở vững chắc cho việc phát triển kinh tế số. Mọi ban ngành, mọi lĩnh vực của Lạng Sơn đều được số hóa, liên kết với nhau để tạo nên vòng khép kín, hỗ trợ, cùng nhau phát triển.

Đặc biệt, với lĩnh vực nông nghiệp, những nỗ lực chuyển đổi số đã giúp khách hàng tiếp cận, mua sản phẩm nông nghiệp của Lạng Sơn một cách dễ dàng hơn, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm vô cùng thuận tiện, người nông dân cũng có đầu ra bền vững, yên tâm sản xuất để đem đến những sản phẩm chất lượng tốt hơn.

Nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn để chuyển đổi chính mình

Tính đến nay, Lạng Sơn có 110 sản phẩm OCOP và đã, đang được bán rộng rãi tại các sàn thương mại điện tử, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trong cả nước. Nhiều sản phẩm uy tín, có thương hiệu, được biết đến rộng rãi như hồng vành khuyên Văn Lãng, hồng không hạt Bảo Lâm, thạch đen Tràng Định, quýt vàng Bắc Sơn, na Chi Lăng, Hoa Hồi, chè đặc sản Đình Lập... Các sản phẩm đều đã có thị trường tiêu thụ ngày càng rộng, doanh số bán ra ngày càng tăng.

Đơn cử sản phẩm na Chi Lăng, hiện nay, chỉ riêng xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng), sản lượng na hàng năm đã đạt gần 3.800 tấn, ước doanh thu hơn 114 tỷ đồng. Đây cũng là vùng trồng na lớn nhất của tỉnh, với diện tích 415ha, trong đó có 120 ha diện tích được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Hiện cũng đã có tới hơn 70% số hộ gia đình trong xã Chi Lăng mở cửa hàng số và mở tài khoản thanh toán điện tử, trên hai sàn thương mại điện tử: voso.vn và postmart.vn.

Hướng tới mục tiêu “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”, với sự định hướng của chính quyền, việc phổ biến công nghệ số ngày càng trở nên rộng rãi. Để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân xứ Lạng ngày càng có nhiều hơn các gian hàng nông sản trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok, sàn thương mại điện tử Vỏ sò (voso.vn), postmart.vn...

Hình ảnh người nông dân Xứ Lạng livestream, làm tiktoker giới thiệu sản phẩm không còn là điều xa lạ với người dùng mạng xã hội tại Việt Nam. Không chỉ bước lên môi trường số mà còn bước lên một cách độc đáo và ấn tượng nhất, thú vị nhất với những nội dung số chất lượng là cách mà nhiều người nông dân xứ Lạng đang gặt hái những thành công cho những nỗ lực chuyển đổi của mình.

Với sự quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khởi nghiệp với 1 sào ruộng, đến nay gia đình chị Đàm Thị Hoài (SN 1976, thôn Phai Làng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan) không chỉ chỉ vươn lên làm giàu với sản phẩm hoa hồi của địa phương, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác. Chị Đàm Thị Hoài cũng là nông dân duy nhất của tỉnh Lạng Sơn được Hội đồng Chung khảo bình chọn là 1/100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.

Bên cạnh các kênh phân phối hàng truyền thống, nhờ các ứng dụng số hóa như Zalo, chị Hoài không chỉ quảng bá, tiếp thị được sản phẩm hoa hồi của người dân Văn Quan tới các khách hàng trong nước mà còn giúp cho việc kinh doanh của bản thân trở nên thuận tiện hơn, khách hàng không cần phải đến nơi, người bán không cần phải gặp gỡ trực tiếp vẫn có thể trao gửi sự tin tưởng tuyệt đối, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng, đem lại nguồn thu nhập tốt hơn cho gia đình, hỗ trợ nhiều gia đình nông dân khác cùng phát triển.

Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, để đạt được những thành tích ấn tượng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số cho nông dân, bên cạnh những thuận lợi về chủ trương, chính sách của Nhà nước, cũng phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành của địa phương.

Sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, quản lý và điều hành. Công tác phổ biến, tuyên truyền tầm quan trọng của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số được đẩy mạnh đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị.

Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đây là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với đông đảo người dân.

Tổ công nghệ số sẽ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để hướng dẫn, hỗ trợ người dân mở cửa hàng số trên các sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn, đồng thời hướng dẫn người dân cài đặt các nền tảng số, các ứng dụng thương mại số, thanh toán số để người dân thực hiện mua và bán sản phẩm nông sản trên các sản thương mại điện tử, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Để nâng tầm thương hiệu các nông sản của địa phương, Lạng Sơn cũng triển khai có hiệu quả các chương trình truyền thông giới thiệu, hội thảo, tọa đàm, thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo những đầu ra chất lượng cho sản phẩm. Tận dụng sức mạnh số, các đặc sản, nông sản địa phương cũng từ đó mà bước lên môi trường số ngày một nhiều hơn. Thấy được hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi số cũng lại trở thành động lực giúp những người nông dân còn đang phân vân trở nên quyết tâm hơn trong việc số hóa.

Các phong trào nông dân chủ động tham gia phát triển kinh tế số, sản xuất, phân phối, giao dịch, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chất lượng cao như na, hồng, thạch đen, hoa hồi, quýt,... của tỉnh cũng ngày càng thu hút được đông đảo người dân và các hộ sản xuất tham gia.

Mặc dù vậy, cũng theo ông Nguyễn Trọng Hùng, việc chuyển đổi số nông thôn tại nhiều nơi trong tỉnh cũng đang gặp những khó khăn đáng kể. Đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa chưa được phủ sóng di động 3G/4G, người dân sử dụng điện thoại thông minh không truy cập được Internet, không “lên sàn” được thuận tiện. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ số của người dân chưa đồng đều, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí còn thấp nên khi tiếp cận với các nền tảng công nghệ số còn lúng túng, việc tuyên truyền, triển khai thực hiện phát triển kinh tế số còn gặp khó khăn.

Được biết, hiện nay Sở Nông nghiệp Lạng Sơn cũng đang triển khai dự án xây dựng Hệ thống thông tin OCOP và nông đặc sản của tỉnh để truyền thông rộng rãi hơn các sản phẩm chất lượng tới người dân cả nước.

Bảo Anh

Tin mới