Video: Làng nuôi ‘phương tiện’ tiễn ông Táo về trời kiếm bộn tiền ngày Tết
Từ ngày 20/12 (Âm lịch), người dân nuôi cá chép đỏ ở làng Tân Cổ, Tân Trúc (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Đây là làng nghề nuôi cá chép đỏ làm “phương tiện” tiễn ông Công, ông Táo về trời nổi tiếng ở xứ Thanh.
Đến hẹn lại lên, gần đến ngày 23/12 Âm lịch, người dân nơi đây bắt đầu hút ao, kéo cá để phục vụ người dân. Dọc các con đường dẫn lối vào làng không khí tấp nập, hối hả hơn bao giờ hết.
Cá chép đỏ được nuôi bắt đầu từ tháng 6 – 7 Âm lịch. Đến cuối tháng 12 cá to khoảng 2 đầu ngón tay sẽ được người dân bắt đầu thu hoạch.
Ở làng Tân Cổ và Tân Trúc, hầu như mỗi nhà đều có một ao dành để nuôi cá chép đỏ phục vụ ngày Tết ông Công, ông Táo. Đây là nghề truyền thống của người dân nơi đây.
Cá chép đỏ sau khi được bắt lên bờ sẽ được phân loại. Những con cá to, khỏe mạnh sẽ được bán với giá thành cao hơn. Theo người dân nơi đây, cá chép đỏ năm nay có xu hướng “khan hiếm” nên giá thành có phần cao hơn so với mọi năm.
Là người có thâm niên trong nghề, anh Nguyễn Văn Định (thôn Tân Trúc) cho biết, năm nay gia đình anh nuôi gần 3 tạ cá. Với giá bán từ 13 – 15 triệu 1 tạ cá, đem về lợi nhuận từ 30 – 40 triệu đồng.
Cá chép đỏ sau khi được chọn lọc kỹ càng sẽ được các lái buôn thu mua tận nơi rồi đem bán lẻ ngoài thị trường. Thông thường, 3 con cá chép đỏ sẽ được bán lẻ với giá 45- 50 nghìn đồng.
Hiện, ở làng cá chép Tân Cổ, Tân Trúc có khoảng hơn 200 hộ làm nghề nuôi cá chép đỏ. Không chỉ thế, đây còn là nơi sản xuất cá giống, ếch giống lâu đời ở xứ Thanh.
Nhờ nghề nuôi cá, ếch, những năm trở lại đây cuộc sống của người dân nơi đây được nâng lên rõ rệt, những căn nhà khang trang mọc lên san sát.