Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Làng nghề ở Thái Nguyên vươn lên thời hội nhập

Thái Nguyên xác định bảo tồn và phát triển các làng nghề lưu truyền trong dân gian để mang lại hiệu quả thiết thực cho tỉnh.

Hướng đi này đã và đang góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa các địa phương.

Nhiều làng nghề khởi sắc

Các làng nghề góp một mảng màu tươi mới, phong phú và đa dạng trong bức tranh kinh tế nhiều màu sắc của Thái Nguyên. Hiện tỉnh có khoảng 240 làng nghề được công nhận, trong đó có đến gần 200 làng nghề chế biến chè, hàng chục làng nghề chế biến thực phẩm cùng các làng nghề mộc, làng nghề mây tre đan,…

Các làng nghề nói trên đã giải quyết việc làm cho hơn 21 000 lao động với mức thu nhập bình quân năm triệu đồng mỗi tháng. Việc phát triển làng nghề giúp người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn có thêm thu nhập, đời sống đỡ bấp bênh khi chỉ dựa vào chăn nuôi, trồng trọt.

Ngoài nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, việc phát triển các làng nghề còn đóng góp giá trị to lớn trong giữ gìn nét đẹp văn hóa và bản sắc địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch tỉnh Thái Nguyên, thông qua việc thu hút khách tham quan tới thăm các làng nghề truyền thống.

Làng bánh chương Bờ Đậu đỏ lửa suốt ngày đêm trong những ngày cận Tết 

Quá trình xây dựng và phát triển các làng nghề gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, với sự đầu tư “mạnh dạn” từ tỉnh, nhiều làng nghề đã thực sự khởi sắc.

Từ giữa năm 2017, qua khảo sát thực tế và nhu cầu của người dân, Hiệp hội Làng nghề tỉnh và Sở Công Thương đã lựa chọn Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung ở xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) là một trong những đơn vị được thụ hưởng Đề án triển khai nhân rộng làng nghề điểm của tỉnh. Theo đó, Làng nghề được hỗ trợ 50% kinh phí để mua 4 máy đục gỗ vi tính với tổng trị giá 220 triệu đồng.

Cùng với Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung, từ năm 2015 đến nay đã có khoảng 10 làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ máy móc, thiết bị theo Đề án triển khai nhân rộng làng nghề điểm. Trong đó có 9 làng nghề chè, 1 làng nghề làm bánh chưng.

Các làng nghề, làng nghề truyền thống được hỗ trợ tập trung ở các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ và T.X Phổ Yên. Các loại máy móc thiết bị được đầu tư để hỗ trợ chủ yếu phục vụ cho sản xuất, chế biến chè, đồ gỗ mỹ nghệ, … với tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí Nhà nước hỗ trợ 50%, đơn vị được thụ hưởng Đề án đóng góp đối ứng 50%.

Hướng đi mới cho các làng nghề

Sau thành công của các Festival Trà Thái Nguyên những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng hơn và tạo điều kiện phát triển hình thức du lịch làng nghề. Tỉnh đã đưa ra và chỉ đạo thực hiện những biện pháp như: xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, bồi dưỡng tập huấn nguồn nhân lực du lịch, làm sạch, vệ sinh môi trường du lịch, thực hiện các công tác quảng bá, marketing hình ảnh, sản phẩm du lịch làng nghề, phổ cập ngoại ngữ tới các hộ dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích từ việc du lịch làng nghề. Những hoạt động trên được người dân làng nghề chế biến chè nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện.

Đề án “xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương” đã được triển khai tại 4 xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Quyết Thắng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch gắn với hộ gia đình (Home stay), du lịch văn hóa, du lịch làng nghề đã đem lại những kết quả đáng mừng.

Từ những thành công ban đầu của hình thức du lịch làng nghề, tỉnh Thái Nguyên còn mạnh dạn kết hợp thêm hình thức du lịch làng nghề với các tuyến du lịch sinh thái về nguồn như: thăm làng nghề và không gian văn hóa chè Tân Cương; Hồ Núi Cốc và không gian văn hóa chè La Bằng,… Các tuyến du lịch kết hợp trên đã nhận được nhiều sự quan tâm và thích thú từ các du khách trong nước cũng như quốc tế.

Thái Nguyên hướng đến khai thác tiềm năng du lịch làng nghề.

Thực tế, việc phát triển các làng nghề đang giúp nhiều địa phương thuần nông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đa dạng hóa ngành nghề và tăng thu nhập cho người dân. Có thể thấy, các làng nghề của tỉnh đã và đang có đóng góp quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế nông thôn.

Trên cơ sở đó, Thái Nguyên đang tập trung định hướng và hỗ trợ các làng nghề theo hướng bền vững, tăng cường hỗ trợ về vốn, trang thiết bị và khoa học kỹ thuật; định hướng thị trường, gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm và đặc biệt chú trọng phát triển mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Quỳnh Chi

Tin mới