Tương truyền, cách đây khoảng 700 năm, một lần, đoàn thuyền của vua Lê trên đường vào phương Nam ghé qua xứ Nghệ. Thuyền Rồng nhà vua theo hướng kênh nhà Lê thị sát tình hình.
Không ngờ năm ấy hạn hán kéo dài nên mực nước thấp, thuyền Rồng mắc cạn. Nhà vua cho quân đi rao truyền trong vùng, mong tìm được người tài giỏi hiến kế đưa thuyền thoát cạn. Tin đến làng Hoàng Lao, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Người thợ đóng thuyền trẻ tuổi Nguyễn Quốc Công xin ra mắt nhà vua và hiến kế. Kế của Nguyễn Quốc Công là cắt đôi thuyền rồng đưa ra khỏi chỗ cạn rồi ghép thuyền lại như cũ để tiếp tục hành trình.
Nghĩ tới người hiến kế giúp thuyền rồng thoát cạn, khi về đến vùng biển Nghi Thiết, Vua Lê đã ban sắc phong cho Nguyễn Quốc Công là Tiền triều Minh nghị tướng quân, giao cai quản việc đóng tàu chiến tại làng Hoàng Lao, thuộc hữu ngạn sông Lò (Một nhánh của sông Lam đổ ra biển).
Làng đóng tàu Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) với truyền thống 700 năm
Lúc bấy giờ, khu vực tả ngạn sông Lò là nơi đồn trú của đội thủy quân Triều đình nhà Lê do Đô đốc hải quân Nguyễn Sư Hồi, con trai của Tam quốc công thần Nguyễn Xí chỉ huy. Ở hữu ngạn sông Lò có thêm Tiền triều Minh nghị tướng quân Nguyễn Quốc Công với nhiều diệu kế, lại tài giỏi trong việc đóng thuyền.
Vì vậy, trong một thời gian ngắn, đội thủy quân nhà Lê ở tả hữu ngạn sông Lò có nhiều chiến thuyền lớn và trở nên hùng mạnh, bảo vệ vững chắc bờ cõi.
“Sau khi Tiền triều Minh nghị tướng quân Nguyễn Quốc Công qua đời, người dân làng Hoàng Lao tiếc thương ông nên đã dựng đền thờ ngay đầu làng và tôn là Thành hoàng làng.
Sau này, làng nghề Hoàng Lao được đổi tên thành làng nghề Trung Kiên như sự nhắc nhở các thế hệ mai sau về giá trị của lòng trung thành, một lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của Tiền triều Minh nghị tướng quân”, ông Nguyễn Gia In, Chủ nhiệm Hợp tác xã đóng tàu thuyền Trung Kiên chia sẻ.
Cho tôi xem những hình ảnh còn lưu trên máy tính về những chiếc tàu mà Hợp tác xã Trung Kiên đã đóng mới trong thời gian qua, ông Nguyễn Gia In lộ rõ niềm vui và tự hào, bởi, những chiếc tàu mang thương hiệu Trung Kiên đã đi khắp đất nước. Nhiều người ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Bình Thuận… cũng tìm đến Hợp tác xã Trung Kiên thuê đóng tàu.
Tàu vươn xa giữ chủ quyền biển đảo
Theo ông Nguyễn Gia In, do có kinh nghiệm đóng tàu gỗ truyền thống từ mấy trăm năm nên trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng đóng tàu Trung Kiên là một trong những nơi được Trung ương giao nhiệm vụ “mật” là đóng mới và sữa chữa nhiều con tàu đặc biệt, tàu không số vận chuyển quân lương phục vụ tiền tuyến, tạo nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển.
Thời gian này, những người thợ làng Trung Kiên đóng những con tàu khác thường về kết cấu nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. Những con tàu không số đều có 2 lớp vỏ với 4 khoang. Khoang phía trên là nơi để dụng cụ đánh bắt cá và khoang ngầm phía dưới là để chở lương thực và vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam.
Kể về những tháng ngày đóng và sửa chữa tàu không số trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chủ nhiệm HTX Đóng tàu thuyền Trung Kiên chia sẻ: “Những năm kháng chiến chống Mỹ, một đơn vị thủy văn Trung ương về làng, yêu cầu đóng mới và sữa chữa những con tàu với thiết kế kỳ lạ, không có số hiệu. Sau khi hòa bình lập lại, chúng tôi mới biết đó là những con tàu trong đoàn tàu không số vận chuyển lương thực, vũ khí cho tiền tuyến miền Nam. Có 6 con tàu được chính những người thợ làng Trung Kiên đóng tại đây. Ngoài ra, thợ Trung Kiên còn được điều vào các tỉnh khác để đóng tàu không số”.
Theo nhiều tài liệu tổng hợp trong Ban liên lạc Cựu chiến binh Đoàn tàu không số Nghệ Tĩnh năm xưa, những con tàu do Hợp tác xã Trung Kiên đóng đều được ngụy trang kỹ càng dưới hình thức tàu đánh cá của ngư dân.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến thời bình, làng nghề Trung Kiên tiếp tục sứ mệnh của mình: Sáng tạo, cải tiến, áp dụng khoa học công nghệ để sửa chữa, đóng mới những con tàu phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Từ các cơ sở đóng tàu manh mún nhỏ lẻ, đến năm 2003, Hợp tác xã đóng tàu thuyền Trung Kiên được thành lập. Đây là nơi quy tụ những người thợ giỏi của làng Trung Kiên. Đến nay, Hợp tác xã có hàng chục thành viên với gần 200 lao động, có thu nhập ổn định.
“Tàu thuyền gỗ do thợ làng Trung Kiên đóng đã được Nhà nước công nhận, một số mẫu được ngư dân ưu chuộng. Những con tàu hạ thủy rất chắc chắn, đảm bảo về kỹ thuật, đánh bắt hiệu quả ở các ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa. Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng từ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Vũng Tàu… cũng thường xuyên tìm về đây để đặt hàng”, vị Chủ nhiệm hợp tác xã nói.
Những con tàu được đóng tại làng đóng tàu Trung Kiên với truyền thống 700 năm
Ngày nay, những người thợ Trung Kiên đã đóng được những con tàu có công suất lớn từ 800 - 1.200 CV, có khả năng bám biển dài ngày.
Trung bình mỗi năm, có khoảng 80-100 con tàu đóng tại Trung Kiên tỏa đi các vùng biển từ Bắc vào Nam. Những con tàu vượt sóng vươn ra khơi xa không chỉ khai thác hải sản mà còn góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 2006, xã Nghi Thiết vinh dự được đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng. Năm 2014, làng nghề đóng tàu Trung Kiên được Ban chấp hành TW Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh là ''Làng nghề tiêu biểu Việt Nam''; Hợp tác xã đóng tàu thuyền Trung Kiên được tặng danh hiệu ''Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam''.
Trải qua hơn 700 năm hình thành và phát triển, với biết bao thăng trầm của lịch sử, những người thợ làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên vẫn kiên trì với nghề truyền thống của cha ông để lại, giúp bà con ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.