Vào khoảng tháng 5, những cây lan đột biến như Phú Thọ, HO, Hồng Mỹ Nhân...được mã hóa dưới dạng NFT xuất hiện trên sàn giao dịch OpenSea. Tuy vậy, hiện tại, không còn người mua các vật phẩm này, lan đột biến NFT dần thoái trào.
Cụ thể, theo dữ liệu từ sàn OpenSea, giao dịch mua lan đột biến NFT cuối cùng trên cả mạng lưới Ethereum và Polygon được thực hiện cách đây 4 tháng. Gần đây, không có bất kỳ giao dịch nào diễn ra.
Bảng thống kê các giao dịch lan đột biến NFT trên sàn giao dịch OpenSea.
Theo ghi nhận, hiện chỉ có khoảng 6 người dùng đã mua lan "ảo" và 25 cây được bán ra. Để sở hữu những chậu lan đột biến NFT, người dùng có thể mua trực tiếp trên sàn hoặc đấu giá bằng tiền mã hóa. Đơn vị thanh toán vật phẩm này chủ yếu là đồng Ethereum.
Thống kê của sàn giao dịch OpenSea cho thấy mỗi cây lan kỹ thuật số có giá trung bình vào khoảng 0.04 Ethereum, tương đương hơn 3 triệu đồng.
Chia sẻ với Zing, nghệ nhân lan Nguyễn Minh, ngụ quận 7, TP.HCM cho rằng việc sở hữu lan đột biến "ảo" hoàn toàn vô nghĩa đối với những người yêu thích loài hoa này.
"Thú chơi hoa lan nói chung, dù là dòng lan thường hay đột biến, là để người chơi cảm nhận giá trị thật qua vẻ đẹp, màu sắc và hương thơm của hoa. Tôi thấy loại lan được mã hóa hoàn toàn vô nghĩa đối với thú chơi này", ông Minh chia sẻ.
Thông tin giới thiệu trên trang chủ của dự án lan NFT cho biết tổng số token được phát hành là 10.200, mỗi loài lan có ít nhất 100 cây được bày bán. Tuy nhiên, các giò lan này đều được vẽ lại thành hình ảnh kỹ thuật số và tương đối giống nhau. Người chơi chỉ có thể phân biệt qua con số được gán trên tên của mỗi cây như Phú Thọ #1, Hồng Yên Thủy #3, HO #12...
Trên thế giới đã có nhiều vật phẩm NFT từng được đấu giá rất cao như bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật của Mike Winkelmann, trị giá 69,3 triệu USD. Tuy nhiên, theo số liệu của NonFungible, trào lưu này đã dần giảm nhiệt cho đến hiện nay.