Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lần dấu vết, xử lý công ty đứng sau video nhảm nhí, bệnh hoạn trên YouTube

(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội cho rằng phải lần ra dấu vết của tổ chức đứng sau những video nhảm nhí, bệnh hoạn để xử lý, chứ không thể bó tay trước thực trạng này.

Video xấu, độc hại, nhảm nhí ngày càng tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt là YouTube, Facebook. Nó như một loại dịch bệnh lây lan chưa có thuốc chữa, cứ quét sạch lại có rác mới. Thực tế này trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội, là bài toán không hề đơn giản cho các cơ quan quản lý.

Trả lời VTC News về thực trạng này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng việc đấu tranh với các dạng video xấu, độc hại do cơ quan quản lý văn hóa và lực lượng an ninh mạng quản lý.

Tuy nhiên theo ông Vân, có những vấn đề không thuộc phạm vi kiểm soát vì nhiều video xấu, độc phát tán từ server nước ngoài, nguồn phát tán từ nước ngoài nên rất khó kiểm soát.

Với các video vi phạm, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng trước hết, cần xem xét nội dung, hình thức của video có vi phạm quy định của pháp luật liên quan không. Nếu vi phạm thì có quyền yêu cầu, xử lý theo quy định. Ông Vân cho rằng, trước nhất cần xóa video dung tục, bệnh hoạn, nếu nghiêm trọng có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.

Trên thực tế, nhiều kênh YouTube đang đặt dưới sự quản lý của công ty, mạng đa kênh. Các công ty này vì lợi nhuận sẵn sàng lan truyền, cổ súy cho các video xấu, độc hại.

Dù là người nào quản lý trong đường dây hay nhóm nào đấy thì phải lần ra dấu vết của tổ chức để xử lý, chứ không phải bó tay trước thực trạng này”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Theo ông, thực tiễn hiện nay cho thấy phạt tiền vẫn chưa đủ sức răn đe, do đó cần phải áp dụng các quy định khác.

"Chế tài về mặt kỹ thuật phải có sự hợp tác từ nhà mạng để chặn, chế tài pháp luật có mức độ xử lý vi phạm. Trước hết là xử lý chành chính, phạt tiền, hạn chế quyền đăng video. Nặng hơn là xử lý hình sự, nhưng vấn đề này còn phụ thuộc vào hành vi đó tác động tới xã hội thế nào, từ đó xử lý cho chuẩn mức", ông Vân cho hay.

Trả lời trên báo chí sau khi Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan yêu cầu xử lý các video nhảm nhí, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện và xử lý hàng chục nghìn video xấu.

Theo ông Phúc, tuy số lượng nội dung không lành mạnh đã giảm nhưng "cứ quét sạch lại có rác mới". Việc xử lý các nội dung như vậy là bài toán khó trong điều kiện tự do thông tin xuyên biên giới.

Cơ quan quản lý đã yêu cầu các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, đồng thời thiết lập kênh hợp tác có hiệu quả. Nhưng theo ông Phúc, có nhiều vấn đề các bên còn có cách nhìn khác nhau, chẳng hạn thế nào là văn hoá nhảm, thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục.

Theo ông Phúc, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, Trung tâm lưu chiểu truyền thông số quốc gia, để tìm hiểu thông tin tiêu cực trên không gian mạng và có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngoài ra, Bộ cũng hợp tác với các công ty công nghệ quốc tế để yêu cầu xử lý các thông tin ảnh hưởng tới cộng đồng. Một số kênh như của Khá "Bảnh", Hưng Vlog... đều bị xử lý nhờ sự phối hợp của cơ quan chức năng và các nền tảng.

Trong khi đó, trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, trong năm 2020, Thanh tra Sở xử phạt 45 tổ chức, cá nhân vi phạm trên môi trường internet với tổng số tiền 610 triệu đồng.

Theo ông, trên không gian mạng internet, video có nội dung không lành mạnh xuất hiện tràn lan. Mục tiêu của những người dùng này khi đưa video lên mạng xã hội là câu view. Sau khi người xem đã chú ý, tập trung vào video, chủ sở hữu sẽ chuyển đổi sang mục đích quảng cáo sản phẩm.

Chúng tôi dựa trên văn bản quy định của pháp luật đã tổ chức thanh kiểm tra, xử lý vi phạm đối với một số tổ chức cá nhân này. Đặc biệt là Bùi Xuân Huấn (tức Huấn “hoa hồng”), chúng tôi đã xử phạt hơn 70 triệu đồng và tịch thu số tiền thu lợi bất chính từ việc quảng bá những video này”, ông Minh thông tin.

Trước nhiều ý kiến cho rằng mức phạt các video nhảm, xấu, độc còn nhẹ, ông Minh cho biết, hình thức xử phạt bước đầu đang mang tính răn đe. Mức phạt hiện tại phù hợp với mức sống trung bình của người dân. Đây là mức quy định chung do Nhà nước đặt ra.

Ông Minh lấy ví dụ về trường hợp MV Muôn kiếp là anh em của Huấn “hoa hồng” được Công ty Cổ phần Kênh 28 Entertainment đăng tải, bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt với tổng số tiền 70 triệu đồng và và tịch thu thu lợi bất chính từ việc quảng bá những video này.

Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khẳng định, đây là mức phạt mang tính răn đe, cảnh cáo đối với Công ty Cổ Phần Kênh 28 Entertainment.

Bên cạnh đó, trong thời hạn 1 năm đối với lĩnh vực thông tin truyền thông, nếu công ty này có hành vi vi phạm tương tự thì mới áp dụng tình tiết tăng nặng. Sau thời hạn 1 năm, nếu công ty này có hành vi vi phạm tương tự sẽ không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Ông Minh nói thêm, nếu người dân không may mắc phải hành vi vi phạm thì hoàn toàn chấp hành được mức phạt này. Nếu mức phạt cao, người dân không đáp ứng được thì sẽ dễ trở thành vi phạm hình sự, tội chồng tội.

Với cơ quan quản lý nhà nước, tiền phạt chỉ là một phần trong việc răn đe các trường hợp vi phạm, còn chủ yếu là hình phạt bổ sung khi các trường hợp trên tái phạm. Những điều này đã được quy định rất rõ trong Nghị định 15/2020/NĐ-CP”, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nói.

Ông Minh cũng thông tin thêm, hiện nay có nhiều nội dung có bản chất không đúng sự thật, hay các video sai lệch về thuần phong mỹ tục ảnh hưởng tới tư duy định hướng, phát triển của thế hệ trẻ trong môi trường công nghệ số phát triển mạnh.

Đặc biệt khi Chính phủ đang thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện số hoá tiến tới cắt mạng 2G. Như vậy, việc phổ cập smartphone cho con người có thể truy cập mạng internet mọi lúc, mọi nơi. Chính vì vậy, thế hệ trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ các video trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là những video có nội dung xấu, độc hại trên YouTube, Facebook.

Quan điểm cá nhân tôi thì nên đưa chương trình hướng dẫn sử dụng mạng xã hội trong môi trường học tập. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa chương trình hướng dẫn sử dụng môi trường mạng như một môn học trong các cấp.

Vì học sinh, sinh viên chiếm số lượng rất lớn trong việc sử dụng mạng xã hội, cần hướng dẫn sử dụng chứ không nên cấm, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Chính phủ điện tử và số hoá”, ông Minh nói.

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, những clip câu like, câu view, trái ngược thuần phong mỹ tục, đạo đức dân tộc, thậm chí có hành vi khiêu dâm, dạy người khác sử dụng ma túy trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính đến xử lý hình sự theo luật an ninh mạng.

Về hành chính, Điều 5 năm 2020 quy định, phạt 10-20 triệu đồng đối với tổ chức, với cá nhân phạt 5-10 triệu đồng.

Tuy nhiên theo tôi, chế tài hiện nay còn rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe, chế tài cần nâng lên nữa. Ví dụ phạt tiền từ 50-100 triệu đồng, hoặc 100 triệu đồng trở lên để từ đó có tác động giáo dục mọi người tuân thủ”, luật sư nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Bình cho hay, điều 288 Bộ luật Hình sự, đối với hành vi nhằm thu lợi bất chính thì khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến tù 3 năm, trong trường hợp vi phạm có tổ chức, thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng thì phạt tù 7 năm.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện các công ty đứng sau các kênh video nhảm nhí, thì các công ty này sẽ bị xử phạt với mức phạt sẽ nặng hơn các trường hợp cá nhân hoạt động tự phát.

Trương Huyền - Song Hy - Nhật Vũ - Tuấn Anh

Tin mới