Đây là lần thứ 2 Google Doodles vinh danh một người Việt Nam. Trước đó là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông.
Ngay sau khi Google thay đổi biểu tượng, đại diện phía gia đình của cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, con trai ông, họa sĩ Bùi Thanh Phương, gửi lời cảm tạ thông qua trang fanpage chính thức mang tên Bùi Xuân Phái.
Hình ảnh về họa sĩ Bùi Xuân Phái trên Google Doodle hôm nay (1/9/2019).
"Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm tạ Google, tập đoàn công nghệ thông tin đa quốc gia của Hoa Kỳ đã dành tình cảm và vinh danh Bùi Xuân Phái, cha chúng tôi, nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông (1/9/1920 – 1/9/2019)."
Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh ngày 1/9/1920 tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc thủ đô Hà Nội).
Theo dữ liệu Google Doodle, họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những người có công định hình sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam hiện đại, trở thành một trong những họa sĩ Đông Nam Á nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Những đóng góp của ông cho nền hội họa nước nhà, đặc biệt là thương hiệu "Phố Phái" sẽ còn sống mãi với thời gian.
Chân dung danh họa Bùi Xuân Phái.
Lớn lên trong thời kỳ Pháp thuộc, thay vì theo đuổi nghề y như nguyện vọng của cha, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã sớm nảy nở tình yêu với nghệ thuật, đặc biệt là hội họa.
Để trang trải học phí tại trường École Supérieure des Beaux-Arts de l'Indochine (trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), ông đã miệt mài vẽ minh họa cho các tờ báo Hà Nội.
Sau những tháng ngày học tập kiên trì, người họa sĩ tài danh của Việt Nam đã bán bức tranh đầu tiên của mình ở tuổi 20.
Năm 1952, ông cùng vợ chuyển đến Hà Nội sinh sống. Căn nhà nhỏ của cha mẹ ở số 87 đường Thuốc Bắc (ở Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhanh chóng trở thành xưởng vẽ nhỏ.
Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Tác phẩm Phố của danh họa Bùi Xuân Phái.
Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái. Vào thập niên 70, khi người Hà Nội chợt nhận ra rằng đã từ lâu có một "Phố Phái" hiện hữu, đầy ắp trong lòng thành phố của mình, cho đến bây giờ người ta mới hiểu Bùi Xuân Phái đã "như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ" (Thái Bá Vân), người ta mới nhận ra tầm vóc của ông.
Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50, 60 hay 70. Các mảng màu trong tranh Phái thường có đường viền đậm nét, từ bề mặt đến cảnh quan đều có chiều sâu bên trong. Ngắm tranh phố cổ của Phái, người xem nhận thấy họa sĩ đã gửi gắm những kỉ niệm, những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, như điềm báo về sự đổi thay và biến mất của từng mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ.
Mặc dù ông đã rất thành công với các chủ đề như chân dung, phong cảnh miền núi, khoả thân và Chèo, nhiều người biết đến mảng đề tài Phố Cổ Hà Nội của ông nhất, dòng tranh này được quần chúng mến mộ gọi là “Phố Phái”.
Ngoài phố cổ, ông còn vẽ các mảng đề tài khác, như: chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật... rất thành công.
Những cống hiến của ông trong hội họa nhanh chóng được công chúng quan tâm, yêu mến và ghi nhận. Ông nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá cả ở trong nước và quốc tế, trong số đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 1996); Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam 1997; Giải thưởng quốc tế (Leipzig, Đức) về trình bày cuốn sách "Hề chèo" (1982); Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (năm 1980); Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô các năm 1969, 1981, 1983, 1984...
Họa sĩ Bùi Xuân Phái mất ngày 24/6/1988 tại Hà Nội. Xưởng vẽ nhỏ của ông hiện trở thành bảo tàng, nơi ghi dấu những tác phẩm của người họa sĩ tài danh, để tôn vinh những di sản của một người hết lòng vì nghệ thuật.