Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lần đầu tiên 3 nước đang phát triển sẽ đóng vai trò chủ chốt trong G20

(VTC News) -

Đây sẽ là lần đầu tiên 3 quốc gia chủ chốt trong nhóm G20 là ba nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, điều giúp mang lại tiếng nói lớn hơn cho họ.

Theo Đại sứ quán Ấn Độ, hôm 8/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra mắt logo và trang web cho nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ bắt đầu vào 1/12 năm nay, đến 30/11/2023.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Ấn Độ, nước này cùng với Indonesia và Brazil sẽ hợp thành nhóm ba quốc gia chủ chốt hay "troika" - nhóm gồm các nước chủ tịch đương nhiệm, kế nhiệm và cựu chủ tịch. Đây sẽ là lần đầu tiên ba quốc gia chủ chốt là ba nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, mang lại tiếng nói lớn hơn cho họ.

Trong lễ ra mắt, Thủ tướng Modi nhấn mạnh rằng hình hoa sen trong logo tượng trưng cho hy vọng vượt qua hoàn cảnh và bảy cánh hoa tượng trưng cho bảy lục địa trên thế giới - thể hiện sự hài hòa đồng thời tôn trọng sự đa dạng. Ông khẳng định Ấn Độ hiểu rõ khát vọng phát triển của Khu vực Nam bán cầu và luôn tìm cách tiến tới một thế giới cũng như một tương lai thực sự.

(Ảnh: Đại sứ quán Ấn Độ)

Ông cũng nhấn mạnh rằng thành tựu của Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực sẽ giúp ích cho các nước khác trên thế giới. Ví dụ như cách Ấn Độ sử dụng công nghệ kỹ thuật số để phát triển, hòa nhập, xóa bỏ tham nhũng, tăng khả năng kinh doanh. Tất cả đều có thể là mô hình và khuôn mẫu cho các nước đang phát triển.

G20 là diễn đàn liên chính phủ của 19 nền kinh tế phát triển và đang phát triển lớn trên thế giới và Liên minh châu Âu. Nhìn chung, G20 chiếm 85% GDP toàn cầu, 75% thương mại quốc tế và 2/3 dân số thế giới, trở thành diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế. G20 hiện bao gồm Đường lối Tài chính với 8 dòng công việc, Hội nghị Sherpa với 12 dòng công việc và 10 Nhóm thảo luận thuộc các khu vực tư nhân/ xã hội dân sự/các cơ quan độc lập.

Các lĩnh vực G20 quan tâm sẽ xoay quanh tăng trưởng bao trùm, công bằng và bền vững; LiFE (Phong cách sống Vì Môi trường); trao quyền cho phụ nữ; phát triển cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số và hỗ trợ công nghệ trong các lĩnh vực từ y tế, nông nghiệp và giáo dục đến thương mại, lập bản đồ kỹ năng, văn hóa và du lịch; tài trợ khí hậu; kinh tế tuần hoàn; an ninh lương thực toàn cầu; An ninh năng lượng; hydro xanh; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khả năng chống chịu; hợp tác phát triển; đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế; và cải cách đa phương.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sắp diễn ra tại Bali, Indonesia từ ngày 15-16/11, trong nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia. 

Phương Anh

Tin mới