Thay van động mạch chủ qua da là kỹ thuật cao mang đến hiệu quả vượt trội. Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể dẫn đến một số vấn đề về rối loạn nhịp tim. Một nghiên cứu mới của GS tim mạch hàng đầu Đài Loan đã mở ra hướng tiếp cận đột phá giảm nguy cơ này. Báo cáo sẽ được trình bày tại Hội nghị quốc tế "Những tiến bộ trong can thiệp tim mạch" diễn ra tại BVĐK Hồng Ngọc ngày 10/8 tới đây.
Thay van động mạch chủ qua da và biến chứng thường gặp
Thay van động mạch chủ qua da (TAVR) là phương pháp thay thế van động mạch chủ khi bị hẹp nặng và không còn khả năng thực hiện đầy đủ các chức năng vốn có.
Phương pháp này mở ra hướng can thiệp mới dành cho người bệnh bị hẹp van động mạch chủ, thay vì chỉ định duy nhất là mổ mở như trước đây. Thay van động mạch chủ qua da (TAVR) là biện pháp có nhiều ưu thế so với phẫu thuật mổ mở: xâm lấn tối thiểu, tiết kiệm thời gian, hiệu quả cao, ít biến chứng, hậu phẫu nhanh, giảm nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tồn tại một số nguy cơ, đặc biệt là vấn đề rối loạn nhịp tim sau can thiệp. Đây là thách thức lớn với các chuyên gia, đặt ra bài toán làm thế nào để giảm thiểu rối loạn dẫn truyền trong can thiệp tim mạch, nhất là với nhóm đối tượng nhạy cảm, có bệnh nền.
Cusp Overlap - “La bàn chiến lược” giảm thiểu rối loạn dẫn truyền sau TAVR
Cusp Overlap là kỹ thuật tiên phong trong chiến lược giảm thiểu rối loạn dẫn truyền sau thay van động mạch chủ qua da, được thực hiện bằng cách chồng đỉnh xoang vành phải (RCC) với đỉnh xoang vành trái (LCC) và cách biệt đỉnh xoang không vành (NCC).
Kỹ thuật mới giúp giảm thiểu rối loạn dẫn truyền sau thay van động mạch chủ qua da.
Rối loạn dẫn truyền là biến chứng thường gặp nhưng không lành tính của thay van động mạch chủ qua da. Bệnh nhân có thể đối mặt với các nguy cơ như rối loạn nhịp tim, cần cấy máy tạo nhịp, suy tim hoặc đột quỵ nếu không được quản lý và điều trị kịp thời.
Nghiên cứu cho thấy khoảng cách không đủ giữa độ dày vách liên thất phần màng và độ sâu thả van có thể làm nặng thêm tình trạng chèn ép cơ học lên mô dẫn truyền bởi van nhân tạo TAVR.
Từ cách chồng hình đỉnh xoang vành và cách biệt NCC, Cusp Overlap tạo ra mặt phẳng can thiệp chính xác cho việc đánh giá độ sâu đặt van nhân tạo ở cấp độ NCC. Đây là yếu tố then chốt tạo nên “la bàn chiến lược” giảm thiểu biến chứng rối loạn dẫn truyền sau thay van động mạch chủ qua da.
Ngoài ra, Cusp Overlap còn có những ưu điểm khác liên quan tới: đánh giá dễ dàng vị trí của dây dẫn trong tâm thất trái và mức độ căng của dây; tối ưu việc đặt van trở nên dễ dàng hơn; đánh giá được sự nở tối đa của van nhân tạo (THV); góc chiếu này (RAO) hạn chế tia xạ cho thủ thuật viên.
Ghi nhận kết quả ban đầu từ nghiên cứu OPTIMIZE PRO, sử dụng kỹ thuật Cusp Overlap để triển khai các van Evolut đang được tiến hành ở Bắc Mỹ và châu Âu cho thấy không có trường hợp tử vong hoặc đột quỵ gây liệt và tỷ lệ đặt máy tạo nhịp tim thấp (8,8%) sau 30 ngày.
Giáo sư can thiệp tim mạch hàng đầu Đài Loan giới thiệu kỹ thuật Cusp Overlap
GS.TS.BS Ying-Hwa Chen (Giám đốc Bệnh Tim Cấu trúc, Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc) là chuyên gia can thiệp tim mạch hàng đầu Đài Loan, một trong những người đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da, đã can thiệp hơn 2.000 ca TAVR.
Hơn 10 năm tìm tòi, nghiên cứu, thực hiện kỹ thuật TAVR, GS.Ying Hwa Chen đúc kết ra “Chiến lược giảm thiểu rối loạn dẫn truyền sau thay van động mạch chủ qua da với van tự giãn nở”, nghiên cứu áp dụng thành công trên hàng ngàn bệnh nhân.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, kỹ thuật Cusp Overlap sẽ được giáo sư trình bày trong khuôn khổ “Hội nghị Quốc tế Những tiến bộ trong can thiệp tim mạch” do BVĐK Hồng Ngọc đồng tổ chức cùng Hội Tim mạch học Việt Nam.
Kỹ thuật này đặc biệt quan trọng đối với những ca bệnh phức tạp, đòi hỏi một chiến lược can thiệp chính xác và an toàn.
GS.TS.BS Ying-Hwa Chen sẽ trình bày Kỹ thuật Cusp Overlap.
Thay van động mạch chủ qua da vốn là một trong những kỹ thuật can thiệp tim mạch phức tạp nhất hiện nay. Báo cáo của GS Ying-Hwa Chen tại Hội nghị mở ra hướng tiếp cận mới với kỹ thuật này, giúp quá trình can thiệp an toàn, chính xác hơn, hạn chế tối đa biến chứng và có tính ứng dụng cao trong thực hành lâm sàng.
Bên cạnh đó, Hội nghị xoay quay những cập nhật mới nhất về can thiệp tim mạch: Nong bóng phủ thuốc với bệnh nhân có bệnh mạch vành kèm nguy cơ chảy máu cao, chẩn đoán hội chứng vành cấp, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ tuần hoàn trong sốc tim, hội chứng động mạch chủ cấp,... được trình bày bởi các chuyên gia tim mạch đến từ các bệnh viện hàng đầu thế giới và Việt Nam.
Hội nghị sẽ tường thuật trực tiếp quá trình ThS.Bs Nguyễn Văn Hải - Trưởng Khoa Tim mạch & Can thiệp Tim mạch BVĐK Hồng Ngọc - thực hiện kỹ thuật nong bóng phủ thuốc kết hợp phần mềm vFFR - đo phân suất dự trữ lưu lượng vành không xâm lấn, lần đầu tiên triển khai tại miền Bắc.
Phần mềm vFFR được xem là bước tiến mới trong can thiệp mạch, thay thế phương pháp đo phân suất dự trữ lưu lượng vành FFR xâm lấn truyền thống, giúp bác sĩ kiểm tra được chính xác vị trí mạch tổn thương mà không cần đặt thiết bị vào cơ thể, không xâm lấn nên hạn chế tổn thương, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân.
Hội nghị Quốc tế “Những tiến bộ trong can thiệp tim mạch” tại Việt Nam được tổ chức ngày 10/8.
Hội nghị được kỳ vọng sẽ mang đến những kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyên sâu, kỹ thuật cao, từ đó ứng dụng trong thực tiễn, nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân tim mạch.
Đây là cũng là dịp để các bác sĩ, chuyên gia tim mạch giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và cùng thảo luận về những thách thức cũng như các giải pháp mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch hiện nay.
THÔNG TIN SỰ KIỆN:
Tên hội nghị: Hội nghị Quốc tế Những tiến bộ trong Can thiệp tim mạch
Thời gian: 08h00 – 16h30 ngày 10 tháng 08 năm 2024
Địa điểm: Trung tâm hội nghị tầng 4, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh, số 8 Châu Văn Liêm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Link đăng ký tham gia: https://forms.gle/W4YDgcvrRJQhqHJV7
Hội nghị cấp CME hoàn toàn miễn phí.