Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lần đầu ra trận đã thắng lớn, Katyusha đã khiến quân Đức khiếp sợ như thế nào?

(VTC News) -

Đòn tấn công đầu tiên của Katyusha đã khiến quân Đức choáng váng bởi họ chưa bao giờ đối mặt với một thứ vũ khí đáng sợ như vậy.

Có thể ít người biết rằng cách đây 80 năm trước 14/7/1941, Hồng quân Liên Xô trong trận Orsha cách Moskva 500km đã lần đầu tiên sử dụng pháo phản lực phóng loạt BM-13 “Katyusha” giáng đòn sấm sét xuống phòng tuyến của quân Đức. Sự xuất hiện của Katyusha đã góp phần làm thay đổi cục diện Mặt trận phía Đông trong những năm sau đó.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti về sự kiện lịch sử này, Tiến sĩ Vladimir Koshlakov, Tổng giám đốc Trung tâm Keldysh, nơi đã phát triển ra BM-13 cho biết, đòn tấn công đầu tiên của Katyusha đã khiến quân Đức choáng váng bởi họ chưa bao giờ đối mặt với một thứ vũ khí đáng sợ như vậy. Thậm chí, thời gian sau đó Đức đã nhiều lần chế tạo lại Katyusha nhưng bất thành.

Pháo phản lực phóng loạt BM-13 “Katyusha” của Liên Xô trong Thế chiến thứ 2. (Ảnh: RIA Novosti)

“Các nguyên mẫu pháo Katyusha đầu tiên được chế tạo và thử nghiệm tại Viện Keldysh dưới sự chỉ huy của Đại tá Ivan Flerov. Đến ngày 2/7/941, các khẩu đội Katyusha đầu tiên được đưa ra tiền tuyến cùng với đó là các thiết kế sư của Keldysh nhầm hỗ trợ hiệu chỉnh vũ khí trước khi chúng được sử dụng”, Koshlakov cho biết.

Cũng theo Koshlakov, ngay cả Flerov và các thiết kế sư trong viện nghiên cứu chưa lần nào chứng kiến Katyusha hoạt động trong điều kiện thực tế. Dù vậy, điều này không thể ngăn những người lính hồng quân đưa Katyusha vào trận Orsha dù họ biết rủi ro là rất lớn.

Đến thời điểm tấn công ngày 14/7, 7 xe phóng Katyusha dưới sự chỉ huy của Flerov đồng loạt khai hỏa về phía Orsha, những gì Katyusha làm được sau đó không chỉ khiến quân Đức mà cả các tướng lĩnh Liên Xô cũng phải ngỡ ngàng.

Tham mưu trưởng Bộ Tổng tư lệnh lục quân Đức - Tướng Franz Halder viết trong nhật ký về sự kiện này như sau: “Người Nga sử dụng một loại vũ khí cho đến nay chưa từng ai biết tên. Một trận bão đạn đốt cháy ga tàu Orsha, toàn bộ binh sĩ và thiết bị quân sự. Kim loại tan chảy và mặt đất bị đốt cháy”.

Koshlakov giải thích rằng tính sáng tạo của Katyusha trước hết là đặc điểm độc đáo của đầu đạn - nó có khối lượng lớn với hai ngòi nổ đảm bảo hiệu ứng hủy diệt và gây cháy. Thứ hai là tính cơ động của bệ phóng. Thứ ba là chiến thuật ứng dụng - kiểu bắn theo loạt cả đại đội đảm bảo khả năng tấn công bao trùm những diện tích rộng lớn và khắc phục được độ kém tập trung của đạn tên lửa.

Nạp đạn rocket cho BM-13. (Ảnh: RIA Novosti)

Với một tổ hợp Katyusha có thể phóng đồng thời toàn bộ số rocket nó mang theo trong vòng 5-20 giây - một loạt 16 quả đạn, một tiểu đoàn gồm 12 bệ phóng tương đương 192 quả rocket, mỗi trung đoàn gồm 36 giàn - 576 quả rocket. Mỗi quả đạn Katyusha (đường kính 132mm) mang theo đầu đạn nặng 22kg có sức công phá tương đương với một quả đạn trọng pháo nhưng tầm bắn chỉ hơn 8km.

"Phát xít Đức dù cố gắng nhưng vẫn không chế tạo được những mẫu vũ khí tương tự về hiệu quả và khả năng sản xuất hàng loạt. Một trong những nguyên nhân là do chúng không thể bắt chước được công thức chế tạo thuốc súng và "khám phá" ra giải pháp kỹ thuật của các nhà khoa học chúng tôi", Koshlakov nhấn mạnh.

Các thiết kế sư của Viện Keldysh sau đó đã được trao giải thưởng nhà nước cho phát minh của họ.

Thành công của pháo phản lực phóng loạt BM-13 Katyusha trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã mở đường cho các thiết kế sư Liên Xô tiếp tục cho ra đời các mẫu pháo phản lực tiếp theo sau như BM-21 Grad, Bm-27 Uragan, BM-30 Smerch và 9A52-4 Tornado.

Trà Khánh (Tổng hợp)

Tin mới