Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 22/6, hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGAP đã được sàn thương mại điện tử Vỏ Sò xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (Đức).
Đây là lần đầu tiên nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng thương mại điện tử do Việt Nam phát triển và vận hành.
Để đảm bảo vận hành luồng hàng thương mại điên tử xuyên biên giới đối với mặt hàng nông sản tươi, sàn thương mại điện tử này đã bắt tay vào việc xây dựng gian hàng quốc tế từ tháng 3/2021.
Vải thiều Việt xuất sang châu Âu qua sàn thương mại điện tử. (Ảnh: MOIT)
Gian hàng là nơi người tiêu dùng ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là kiều bào Việt Nam có thể tìm mua các sản phẩm nông sản chất lượng cao có xuất xứ từ Việt Nam. Người mua có thể đặt hàng trên sàn thương mại điện tử, trực tiếp thanh toán qua hệ thống thanh toán quốc tế được kết nối với sàn. Sau 4-5 ngày, người người mua sẽ nhận được vải Việt Nam tận nhà.
Quả vải Việt Nam đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải đạt chuẩn GlobalGAP của Lục Ngạn, Bắc Giang đã được sơ chế loại bỏ quả sâu hỏng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và tại Châu Âu, được dán tem truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng qua ứng dụng được cung cấp bởi Công ty CP Icheck Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết nước ta đã xuất khẩu nhiều trái cây, nông sản sang thị trường châu Âu, châu Á, trong đó xuất khẩu qua thương mại điện tử B2C đều thông qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Amazon. "Sự kiện xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới là dấu mốc đặc biệt, một bước tiến đáng ghi nhận đối với ngành thương mại điện tử nước ta”, ông Hải nói.
Để thông luồng xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp cùng sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò, cùng các Bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin & Truyền thông để hỗ trợ hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục kiểm dịch và kiểm định chất lượng cho hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của nước sở tại.
Hiện các bên đang tiếp tục phối hợp để hoàn thiện quy trình cũng như nỗ lực mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng châu Âu khi thưởng thức trái vải thiều tươi ngon của Việt Nam.