Mỗi lần có chuyện gì là Hồng Anh (25 tuổi, ở Hà Nội) đều đi bói bài để đưa ra lựa chọn. Ngay cả đi khám bệnh, cô gái trẻ cũng phải đi bói bài mới ra quyết định đi hay không.
Mới đây sau thời gian dài mất ngủ cô đi khám, được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực, trầm cảm. Bác sĩ chỉ định cô dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, thay vì nghe theo phác đồ của bác sĩ, Hồng Anh tiếp tục đi bói để xem tương lai ra sao. Nghe "thầy bói" phán thời gian tới cô sẽ gặp những vấn đề không thuận lợi, Hồng Anh càng lo lắng hỏi cách giải quyết.
Cũng vì tin theo "thầy" mà cô gái trẻ bỏ thuốc điều trị tâm thần. Cô mất ngủ khi nghĩ tới tương lai không tốt đã được dự đoán qua buổi bói bài đó. Gần đây, khi vào mùa nắng nóng, bệnh của Hồng Anh trầm trọng lên, được gia đình đưa vào viện với biểu hiện trầm cảm nặng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Chung - Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E) cho biết, những bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực cần điều trị lâu dài, việc tuân thủ điều trị rất quan trọng. Việc người bệnh bỏ ngang khiến nguy cơ tái phát cao, nhất là khi gặp những yếu tố thúc đẩy bệnh tăng nặng như đợt nắng nóng vào hè.
Mắc bệnh tâm thần nhưng nghe theo bói bài không dùng thuốc.
Rối loạn lưỡng cực là rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành động của con người. Biểu hiện của rối loạn lưỡng cực chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như năng lượng tăng cao, hoạt động quá mức, cảm giác vui vẻ, hưng phấn, dễ bị kích động. Người bệnh giảm nhu cầu ngủ, nói nhiều, suy nghĩ nhanh, dễ mất tập trung cộng với hành vi bốc đồng, liều lĩnh.
Giai đoạn trầm cảm, người bệnh sẽ có cảm giác buồn bã, chán nản, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày, thay đổi khẩu vị và giấc ngủ. Bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng, khó tập trung, suy nghĩ tiêu cực, có ý tưởng tự sát.
Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực khi có các triệu chứng của hưng cảm, trầm cảm. Các triệu chứng này ảnh hưởng tới các chức năng làm việc, học tập hoặc các mối quan hệ.
Theo bác sĩ Chung, để điều trị rối loạn lưỡng cực, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc kéo dài trong nhiều năm mới ổn định.
Bác sĩ khuyến cáo, khi có vấn đề giấc ngủ, rối loạn cảm xúc, mọi người cần đi khám chuyên khoa sức khỏe tinh thần sớm để tìm nguyên nhân và điều trị sớm.