Sự việc xảy ra ở thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) và được công chúng chú ý khi một video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội vào ngày 6/9. Clip này ghi lại cảnh người đàn ông họ Yuan chết trong lúc ngủ gục trên chiếc xe máy điện sau khi phải làm việc 18 tiếng một ngày và hoàn thành rất nhiều đơn hàng.
Cái chết thương tâm này làm bùng lên những cuộc thảo luận gay gắt về phúc lợi và quyền hợp pháp của những người giao hàng trên khắp Trung Quốc.
Làm việc 18 giờ một ngày, shipper đột quỵ khi đang ngủ gục trên xe. (Ảnh: SCMP)
Một nhân chứng tiết lộ, vào khoảng 21h ngày 5/9, sau khi giao xong đơn hàng, Yuan nằm nghỉ trên xe máy điện của mình như thường lệ. Đến hơn 1h ngày 6/9, mọi người phát hiện ông vẫn nằm bất động. Một số shipper khác thấy vậy đã lại gần lay gọi nhưng ông không tỉnh. Họ vội vàng gọi cảnh sát và xe cấp cứu, nhưng nạn nhân không qua khỏi.
Một nhân chứng khác tên là Yang Yang chia sẻ với Zonglan News rằng, Yuan nổi tiếng là làm việc không ngừng nghỉ, thường kiếm được từ 500 đến 600 nhân dân tệ (1,7- 2 triệu đồng) mỗi ngày và thu nhập có thể vượt quá 700 nhân dân tệ (2,4 triệu đồng) vào những ngày mưa.
“Đôi khi ông ấy làm việc đến 3 giờ sáng, sau đó thức dậy lúc 6 giờ sáng để bắt đầu đi làm. Khi cảm thấy mệt mỏi, ông ấy sẽ ngủ một giấc ngắn trên xe máy điện và sẵn sàng quay lại làm việc ngay khi có đơn hàng”, Yang nói.
Một đồng nghiệp khác của Yuan là Zhao Hua nói với Dingduan News rằng, một tháng trước khi qua đời, Yuan bị gãy chân trong một vụ tai nạn giao thông khi đang giao hàng. Tuy nhiên, ông chỉ nghỉ ngơi khoảng 10 ngày rồi quay lại làm việc và hai tuần sau thì thảm kịch xảy ra.
Zhao Hua cho biết Yuan chuyển từ tỉnh Hồ Bắc đến Hàng Châu để kiếm sống và nuôi đứa con trai 16 tuổi cũng đang học ở đây. Ông còn có một người con trai lớn đã kết hôn và sinh con.
Ngày 9/9, Văn phòng quận Dư Hàng, thành phố Hàng Châu ra thông báo xác nhận rằng Yuan đã ngã gục và tử vong mặc dù được cấp cứu. “Công ty giao đồ ăn, công ty bảo hiểm và gia đình đã đạt được thỏa thuận. Các bên đang sắp xếp thực hiện các thủ tục theo trình tự”, thông báo nêu rõ.
Người giao đồ ăn ở Trung Quốc có điều kiện làm việc khắc nghiệt và thường xuyên bị khách hàng đối xử tệ trong khi mức lương thấp. (Ảnh: Shutterstock)
Cái chết thương tâm của shipper ở Hàng Châu khiến nhiều người bức xúc về áp lực công việc và cuộc mưu sinh đầy khó khăn của những người giao hàng. Cư dân mạng xót xa bình luận: “Lại một 'vua ship hàng' nữa ngã xuống. Thật sự không có cách nào tránh khỏi những thảm kịch này sao?”; “Ông ấy đã ngoài 50 tuổi, là trụ cột gia đình, làm việc ngày đêm. Mong ông ấy yên nghỉ. Tôi hy vọng kiếp sau, ông ấy sẽ không phải chạy đua với thời gian thế này nữa”...
Năm 2023, số người hành nghề giao đồ ăn tại Trung Quốc đã vượt quá 10 triệu. Hai nền tảng giao hàng lớn nhất là Meituan và Ele.me có lần lượt khoảng 7,45 triệu và 4 triệu tài xế.
Sun Ping, nhà nghiên cứu tại Viện Báo chí và Truyền thông, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết từ năm 2018 đến năm 2021, số giờ làm việc của các shipper toàn thời gian đã tăng đáng kể. Năm 2018, khoảng 36,5% số người giao hàng làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày; đến năm 2021, con số này đã tăng lên 62,6%
Sự gia tăng nhân lực và số giờ làm việc cũng như sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành giao hàng khiến công chúng quan tâm nhiều hơn về quyền lợi hợp pháp của họ.
Cách đây 5 tuần, một sự việc liên quan đến shipper cũng gây xôn xao dư luận. Ngày 12/8, một người giao hàng bị nhân viên an ninh tịch thu chìa khóa xe máy điện do đi qua vành đai xanh của khu dân cư để tiết kiệm thời gian. Trong cơn tuyệt vọng vì sợ bị chậm đơn, shipper này quỳ xuống và cầu xin được trả lại chìa khóa. Một số người giao hàng khác tụ tập lại phản đối hành động của shipper này vì cho rằng anh đã hạ thấp bản thân.