Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, ở bậc trung học cơ sở, các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học là riêng biệt. Nhưng từ năm học 2021- 2022, các môn học này sẽ tích hợp thành hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Việc tích hợp 5 môn học khiến không ít giáo viên lúng túng.
Chia sẻ tại buổi toạ đàm trực tuyến "Nhu cầu nguồn nhân lực dạy môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018" do báo điện tử VTC News tổ chức ngày 27/4, PGS.TS Mai Văn Hưng – Chủ nhiệm môn Sư phạm Khoa học tự nhiên, khoa Sư phạm, Đại học Giáo dục cho biết, khi tích hợp các môn lại với nhau, một giáo viên được đào tạo đơn môn sẽ phải dạy kiến thức của 3 lĩnh vực nên gặp nhiều khó khăn là điều hoàn toàn có thể nhận thấy.
Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị tốt việc bồi dưỡng liên tục lực lượng giáo viên ở các địa phương chuyển từ dạy đơn môn sang môn tích hợp.
Phó giáo sư Mai Văn Hưng (ngoài cùng bên phải) và tiến sĩ Đoàn Nguyệt Linh (thứ ba từ trái sang).
Mặc dù hiện nay các giáo viên chủ yếu được đào tạo đơn môn, nhưng trong chương trình đào tạo ở các trường sư phạm, học sinh đều được học các kiến thức đại cương của các môn liên quan. Vì thế khi giáo viên chuyển sang dạy tích hợp cũng không quá khó khăn.
Ông cho rằng, công tác tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn tốt cho giáo viên thì việc chuyển hình thức sang dạy đa môn học rất thuận lợi.
Tiến sĩ Đoàn Nguyệt Linh - Phó chủ nhiệm bộ môn Sư phạm Ngữ văn và Khoa học xã hội, khoa Sư phạm, Đại học Giáo dục cho rằng, việc dạy học tích hợp thiết lập được các mối quan hệ logic trong học tập. Cái hay trong dạy học tích hợp là lược bỏ những lượng kiến thức không cần thiết, bị trùng lặp, tăng kiến thức cần thiết trong cuộc sống.
Tuy nhiên, ban đầu giáo viên gặp nhiều khó khăn. Giáo viên cũng chưa được trang bị kiến thức liên môn bài bản. Ví dụ như môn Lịch sử, Địa lý, trước đây họ chỉ dạy đơn môn nhưng bây giờ phải tích hợp các môn. Điều khó nhất là nội dung dạy học và năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục, và giáo viên cần thời gian để tổ chức các hoạt động như vậy.
Một khó khăn nữa là hiện nay một tiết học ở lớp chỉ khoảng 45 phút, nên giáo viên cũng băn khoăn thời gian dạy đa môn là tương đối ít.
Theo tiến sĩ Linh, có rất nhiều phương pháp để nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên. Thứ nhất, cần chú trọng dạy cách học chứ không dạy kiến thức. Nghĩa là các hoạt động học tập rèn luyện trong trường đại học sẽ chú trọng rèn luyện để sinh viên gắn kết chặt chẽ giữa kiến thức với thực tiễn cuộc sống. Một loạt các hoạt động chủ đề sẽ được xây dựng để giúp cho các em có thể hoà mình vào môi trường phổ thông.
Hiện Đại học Giáo dục gửi sinh viên về các trường phổ thông vệ tinh từ những năm thứ 2 đến năm thứ 4 để các em có thể quan sát, rèn nghề trong môi trường thực tiễn đó. Tiếp theo, trường cũng sẽ có hệ thống nguồn học liệu. Từ đây, sinh viên sẽ có những tương tác trong môi trường học liệu đó cả về học liệu thực, học liệu số hay thậm chí là môi trường trí tuệ nhân tạo giúp các em học tập và tương tác tốt.
Thứ hai, theo chuyên gia cần chú trọng vào môi trường học tập đa phương tiện, trong đó đặc biệt chú ý đến đối tượng thực tiễn nghề nghiệp. Tức là hầu như nhóm sinh viên nào cũng sẽ có thêm các giáo viên trường THPT hướng dẫn.
Cuối cùng, cần tổ chức các hoạt động sư phạm theo kiểu làm mẫu. Đại học Giáo dục có những phòng thực hành dạy học hay những phòng video để sinh viên có thể dạy hay quay video lại sau đó về xem lại, nhìn lại xem mình cần phải chỉnh sửa như thế nào cho phù hợp.
Ngoài ra, các em có thể dự giờ của các giáo viên phổ thông để từ thực tiễn đó các em có thể bắt chước và phát triển sáng tạo theo cách dạy của mình. Thậm chí, các em sinh viên có thể làm mẫu, nghĩa là các em sinh viên có thể tự đứng lên làm mẫu để dự giờ của nhau trong quá trình dạy học tích hợp.