Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Làm thế nào để khắc phục tình trạng một người đi bỏ phiếu bầu thay cho cả nhà?

(VTC News) -

Để khắc phục tình trạng 1 người đi bỏ phiếu bầu thay cả nhà, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cử tri thì việc giám sát các tổ bầu cử là rất quan trọng.

Trả lời PV VTC News về biện pháp khắc phục tình trạng bỏ phiếu hộ, một người đi bỏ phiếu thay cho cả nhà trong các kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tuyên truyền cho kỳ bầu cử sắp tới, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã đẩy mạnh thông tin để mỗi công dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, tránh hiện tượng bầu hộ, bầu thay.

Theo ông Cường, ở mỗi địa bàn, yêu cầu đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong quá trình chỉ đạo triển khai công tác bầu cử phải quán triệt và đề nghị đối với các khu dân cư trao đổi để mỗi công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Các tổ chức, cơ quan đơn vị tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ, trên cơ sở đó thực hiện quyền đi bầu để ngày bầu cử 23/5 tới sẽ đạt tỷ lệ đi bầu cao nhất”, ông Cường nói.

Ngày 21/5, cử tri xã đảo Thổ Châu (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) bỏ phiếu bầu cử sớm.

Ông Nguyễn Túc, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, để khắc phục tình trạng bầu hộ, bầu thay, ngoài việc tăng cường tuyên truyền vận động người dân đến các tổ bầu cử thì vấn đề chính phải có sự đôn đốc và giám sát.

Đến ngày bầu cử, hệ thống chính trị tại đơn vị bầu cử từ Bí thư chi bộ, Ban công tác mặt trận đến các hội, đoàn thể phân công đến đôn đốc tới từng nhà, từng người. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức thành viên của hệ thống chính trị tại địa bàn để hạn chế tối đa câu chuyện bầu hộ, bầu thay.

Các tổ bầu cử cần dứt khoát không chấp nhận chuyện một cử tri mang phiếu bầu thay cho cả nhà, cho nhiều người khác và nếu làm nghiêm có thể thực hiện được”, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết ở những đợt bầu cử trước, trên thực tế, câu chuyện bầu hộ bầu thay tồn tại và khó để chấm dứt triệt để.

"Lần này, trên tinh thần quán triệt mỗi cử tri phải trực tiếp đi bầu cử để thể hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình, nếu phát hiện trường hợp cử tri đi bầu cử bỏ phiếu giùm cho người khác, tổ bầu cử sẽ không nhận phiếu", ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang tập trung rốt ráo cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân và thực hiện chia khung giờ bỏ phiếu một cách cụ thể, chi tiết để mọi cử tri thực hiện tốt nhất quyền bỏ phiếu của mình.

"Thành phố Đà Nẵng tận dụng tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh tại các ngã tư đèn đỏ, trên các khu vực đồng ruộng (ở các xã). Các xe chở loa vừa tuyên truyền dịch COVID-19 và vừa tuyên truyền về bầu cử đi len lỏi tận từng ngõ xóm trong nội thị.

Đặc biệt tất cả thuê bao di động của thành phố đều có tin nhắn nhắc nhở cử tri đi bầu, sáng suốt lựa chọn những người ứng cử xứng đáng… để không bỏ sót việc tuyên truyền bất kỳ cử tri nào, đảm bảo tất cả cử tri đều hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đối với những cử tri già yếu, vì lý do sức khỏe không thể đi bỏ, ông Thắng cho hay, tại Khoản 4 Điều 69 Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định rất rõ, đó là trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Vấn đề này đã thực hiện từ nhiều năm nay rồi, không có gì khó khăn. Các Tổ bầu cử đều đã được trang bị thùng phiếu phụ và phân công con người để sẳn sàng phục vụ những trường hợp già yếu, ốm đau trong khu vực thực hiện được quyền bầu cử của mình", ông Thắng nói.

Một cử tri cao tuổi người dân tộc Mông ở xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến điểm bầu cử.

Nêu quan điểm về vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu tổ bầu cử thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình, nêu cao tinh thần trách nhiệm thì những hành vi vi phạm về bầu cử sẽ ít khi xảy ra và việc bỏ phiếu của cử tri được thực hiện thuận lợi hơn.

“Nếu tổ bầu cử thực hiện nghiêm túc quy định, quy trình về bầu cử thì sẽ không xảy ra trường hợp một người bỏ phiếu cho nhiều người. Về nguyên tắc thì cử tri nào khi thực hiện quyền bỏ phiếu thì phải xuất trình thẻ cử tri, phải tự viết phiếu và tự bỏ phiếu”, luật sư Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định tại Điều 69 Luật bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND thì cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay. Cử tri không thể viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu.

Trường hợp cử tri vì khuyết tật mà không thể tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri bị ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Đối với cử tri là người bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện mà tại trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không có khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri thực hiện nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử”, luật sư Cường phân tích.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, thời điểm hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều nơi bị cách ly, phong tỏa, nhiều người đang ở trong khu cách ly tập trung, khu điều trị bệnh nên các địa phương sẽ thành lập các tổ bầu cử hoặc các hòm phiếu phụ cho những người bị cách ly, đang điều trị COVID-19 có điều kiện thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật cũng quy định về thời gian bầu cử và có thể bầu cử trước thời hạn ấn định. Bởi vậy tùy từng địa phương, phụ thuộc vào tình hình phòng chống dịch bệnh thì có thể quyết định thực hiện việc bầu cử trước thời điểm đã ấn định là 23/5.

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh, bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND quy định bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Chính vì thế mà mỗi một cử tri phải tự mình đi bầu, không được bầu thay hoặc để đại diện hộ gia đình bầu cho tất cả mọi người.

Theo luật sư Bình, cán bộ Tổ bầu cử không được cho phép cử tri bầu cử thay hay bầu cử hộ cho cử tri khác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 69 Luật Bầu cử.

Nhóm PV

Tin mới