Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Làm gì để sớm phát hiện ung thư vú?

(VTC News) -

Ung thư vú có tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 90% nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, vậy làm gì để phát hiện sớm bệnh này?

Bên lề Hội nghị khoa học với chủ đề “Cập nhật kiến thức trong chẩn đoán và điều trị ung thư vú” do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City tổ chức, TS.BS Nguyễn Thu Hương - Giám đốc Đơn vị bệnh lý tuyến Vú, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City; Cố vấn chuyên môn cho mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam chia sẻ, ca mắc ung thư vú tại Việt Nam ngày càng tăng và rất nhiều trường hợp đến bệnh viện điều trị muộn.

TS.BS Nguyễn Thu Hương trao đổi tại Hội nghị khoa học "Cập nhật kiến thức trong chẩn đoán và điều trị ung thư vú".

"Tôi từng tiếp nhận điều trị những ca ung thư vú khi đến bệnh viện ở giai đoạn muộn. Khi đó, bệnh nhân chảy dịch máu núm vú 1 bên ngực, có hạch ở vùng nách, thậm chí đã di căn. Đối với những trường hợp này, việc điều trị sẽ kém hiệu quả hơn.

Chúng tôi khuyến cáo ngay từ khi chưa có dấu hiệu gì, chị em từ 40 tuổi trở cũng nên thăm khám, tầm soát, sàng lọc ung thư vú. Việc sàng lọc cần thực hiện X-quang vú ngay cả với trường hợp không có triệu chứng, dấu hiệu gì, không sờ thấy khối u. Việc này cần được thực hiện mỗi năm một lần như khám sức khỏe định kỳ", TS.BS Nguyễn Thu Hương thông tin.

Theo các chuyên gia, ung thư vú là bệnh ung thư có tỷ lệ mắc đứng hàng thứ nhất trong ung thư ở nữ giới. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 2 triệu người mắc mới và khoảng 600.000 người tử vong. Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu (Globocan), mỗi năm ung thư vú chiếm 25% bệnh ung thư ở nữ giới với gần 22.000 ca mắc mới và hơn 9.000 ca tử vong.

Tỷ lệ sống sau 5-10 năm phát hiện bệnh và điều trị ở giai đoạn sớm rất cao, đạt 95-99%. Nhưng phát hiện muộn khi ung thư đã di căn vào não, vào xương, vào gan... thì tỷ lệ sống sau 5-10 năm chỉ khoảng 30%. Vì vậy, vai trò của các phương pháp chẩn đoán sớm rất quan trọng.

Tại hội nghị, các chuyên gia trình bày 13 bài báo cáo chuyên sâu về các phương pháp trong chẩn đoán, can thiệp sớm và điều trị ung thư vú, trong đó nổi bật về giá trị lâm sàng là kỹ thuật sinh thiết tổn thương vú dưới hướng dẫn X-quang và xạ hình hạch gác trong mổ.

Các bác sỹ thực hiện sinh thiết tuyến vú dưới hướng dẫn X-quang cho một bệnh nhân.

Đây là các kỹ thuật phức tạp đang được ứng dụng tại Đơn vị Bệnh lý tuyến Vú, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, giúp phát hiện sớm bất thường liên quan tới ung thư vú để đưa ra phương pháp can thiệp kịp thời, mang lại hiệu quả điều trị cao cho bệnh nhân.

Trong chẩn đoán bệnh, có những tổn thương vú hoàn toàn không nhìn thấy được trong siêu âm mà chỉ được phát hiện thông qua chụp X-quang, đòi hỏi sinh thiết mẫu bệnh phẩm dưới hướng dẫn X-quang để có được kết quả chính xác nhất.

Kỹ thuật này sẽ giúp chẩn đoán sớm và chính xác nhiều trường hợp đặc biệt khó như trên bệnh nhân có túi ngực, trường hợp vú rất mỏng hay ca bệnh với các cụm vi vôi hóa rất nhỏ chỉ 2mm.

Về điều trị, kỹ thuật xạ hình hạch gác trong phẫu thuật cũng là một kỹ thuật mới, tiên tiến và mang lại lợi ích to lớn cho người bệnh.

Hạch gác là một hạch, hoặc một nhóm hạch đầu tiên mà các tế bào ung thư xuất hiện trước khi lây lan đến các hạch khác. Với kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ xác định chính xác vị trí hạch gác để bóc tách trong phẫu thuật, giúp bệnh nhân tránh được việc nạo vét hạch không cần thiết, từ đó giảm thiểu các biến chứng như rối loạn cảm giác, phù tay, mất thẩm mỹ cho người bệnh.

GS.TS.BS Đào Thu Hà - Trưởng đơn vị hình ảnh tuyến vú, Bệnh viện Henri Mondo (Cộng hòa Pháp) cho biết: “Việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến về chẩn đoán và can thiệp ung thư vú sẽ giúp bệnh nhân có được kết quả điều trị tích cực, khả quan ngay tại Việt Nam mà không cần ra nước ngoài".

Không chỉ cập nhật kiến thức về các phương pháp mới, trong khuôn khổ hội nghị, các bác sĩ tham dự đã trực tiếp thực hành trên mô hình một số kỹ thuật can thiệp dưới hướng dẫn siêu âm (chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, sinh thiết tổn thương vú bằng kim lõi và kim lớn) và hướng dẫn X-quang (đặt định vị kim dây, sinh thiết tổn thương tuyến vú bằng kim lớn).

“Từ kết quả thực hành cũng như các báo cáo, thảo luận trong hội nghị, chúng ta có cơ sở tin tưởng rằng trình độ chẩn đoán sớm và điều trị ung thư vú ở Việt Nam đang tiệm cận với xu hướng ở các quốc gia có nền y học phát triển như Pháp hay Hàn Quốc, giúp người bệnh có cơ hội được điều trị tốt hơn, đảm bảo chất lượng cuộc sống”, TS.BS Nguyễn Thu Hương - Giám đốc Đơn vị bệnh lý tuyến Vú, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City; Cố vấn chuyên môn cho mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam nói.

Thanh Hải

Tin mới