Khách thưa thớt, giá xăng dầu liên tục tăng đã ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, buộc họ phải đối mặt với khó khăn chồng chất.
Ông Đinh Quang Sơn, chủ nhà xe chạy tuyến Thị Xã Phú Thọ - Mỹ Đình nói: “Cứ cách nhật tôi lại chạy một chuyến, nhưng đi từ Thị Xã Phú Thọ đến đầu cầu Việt Trì mà không có khách là tôi quay về nghỉ luôn”.
Ông Sơn lý giải nếu không làm như vậy thì chẳng khác nào đốt tiền dầu, tiền xăng một cách vô nghĩa. Giá vé chạy tuyến của nhà xe này là 52.000 đồng/lượt. Muốn tăng cước cũng không thể vì giá vé tuyến cố định đã được giám sát, quản lý bởi bến xe và Sở Công Thương.
Chia sẻ về việc giá xăng dầu tăng còn khách thì vắng vẻ vì đại dịch, ông Sơn nói: “Có xe, có tuyến đường hoàng mà tôi cũng coi như thất nghiệp hơn một năm nay khi mà xe khách bị cấm hoạt động. Tới lúc được hoạt động trở lại không được bao lâu thì xăng liên tục tăng giá, khách lại chẳng thấy đâu, càng làm càng thấy lỗ”.
Trước khi đại dịch COVID-19 ập đến, nhà xe của ông ngày nào cũng chạy, còn phải thuê thêm 2 lái phụ để thay nhau đỡ đần công việc cho ông. Đến nay, xe xuất phát chỉ có tài xế, kiêm luôn lơ xe, bán vé, bốc xếp hàng hóa. Thế mà vài ngày cũng không chạy nổi một chuyến vì vắng khách. Ông Sơn nhiều lần nghĩ đến việc bán xe, bỏ nghề nhưng chưa đành.
Tăng giá cước là chuyện doanh nghiệp vận tải nào cũng muốn, nhưng khó lòng thực hiện.
Ông Vũ Văn Cường, chủ nhà xe Sơn La - Hà Nội cũng chia sẻ, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40-50% giá thành vận tải. Việc giá xăng tăng khiến doanh nghiệp của ông đã lỗ ngày càng thêm lỗ.
“Chi phí cho mỗi chiếc xe hoạt động cả lượt đi và lượt về mất khoảng 10 triệu đồng. Bao gồm lương lái xe, phụ xe, xăng dầu, phơi lệnh, ăn uống, cầu đường…Trong khi, chuyến nào cũng chí có 12-15 khách. Với giá vé 250.000 đồng/người, thêm hàng hoá nữa thì mỗi xe tôi phải bù lỗ từ 1,8-2 triệu đồng/ngày”, ông Cường phân tích.
Doanh thu thì giảm, khách đi lại không có khiến doanh nghiệp của ông Cường phải hoạt động cầm chừng. Hơn 20 xe nhưng chỉ có khoảng 10 xe hoạt động, nhân sự cũng phải cắt giảm 50% vì quá khó khăn.
“Khách không có nên buổi tối chúng tôi toàn phải dồn hết khách của 3 xe vào 1 xe để chạy. Cái gì cũng tăng nhưng chủ xe không dám tăng giá cước, phải cắn răng chịu lỗ. Xe để không nhưng lãi ngân hàng vẫn phải trả. Khó khăn vô cùng”, ông Cường thở dài.
Phía các doanh nghiệp vận tải du lịch cũng chẳng khá hơn. Ông Nguyễn Văn Minh - chủ hộ kinh doanh cá thể xe du lịch tại huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Muốn tăng giá cước để bù lỗ nhưng việc này vô cùng khó làm, bởi càng ít khách thì mình càng phải giữ”.
Thế nhưng, nếu không tăng giá cước khi mà giá xăng dầu cao thì chỉ có thua lỗ. Do đó, ông Minh không thể không tính toán đến phương án này. Trong khi đó, xe đắp chiếu hàng ngày ở nhà vẫn chịu đủ mọi loại thuế phí, lãi ngân hàng vẫn phải trả đúng hạn.
"Tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản gì từ các gói hỗ trợ, lãi ngân hàng vẫn phải nộp không thiếu đồng nào. Trong khi đó, xe di chuyển trên đường trạm phí nào cũng phải đóng tiền, đăng kiểm vẫn phải chịu đủ loại thuế phí", ông Minh nói.
Cùng cảnh ngộ, ông Khúc Ngọc Duy, Quản lý một doanh nghiệp vận tải có xe chạy các tuyến Hà Nội - Sa Pa, Hà Nội - Huế Hội An - Đà Nẵng và ngược lại cho biết, hiện doanh nghiệp này chỉ đang duy trì hoạt động được 6/17 xe.
“COVID-19 chưa qua lại đến giá xăng dầu tăng mạnh, khách thì èo uột khiến tôi không biết ngóc đầu lên kiểu gì. Văn phòng vẫn mở, tiền nhà, tiền thuê văn phòng vẫn phải nộp đúng hạn, không được giảm. Nói chung xe chạy là lỗ nhưng vẫn phải làm để giữ nguồn khách và nguồn hàng duy trì”, ông Duy cho hay.
Theo ông Duy, để có tiền duy trì công ty và trả lãi ngân hàng, ông phải rao bán bớt xe. Tuy nhiên, người mua trả giá quá rẻ.
“Một chiếc xe Thaco 38 chỗ giường nằm, có nhà vệ sinh, đời 2018, tôi phải bỏ ra số tiền 3,8 tỷ đồng gồm tiền mua mới và chi phí đủ để xe lăn bánh. Nếu định giá hiện tại cũng phải được 1,3 tỷ đồng nhưng giờ người ta trả có 700 triệu đồng. Họ trả vậy thôi nhưng cũng không có ai mua. Giá ấy khác gì mang xe cân sắt vụn đâu”, ông Duy nói.
Nói về tác động của giá xăng dầu đến ngành vận tải ở thời điểm hiện tại, Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận Tải Hà Nội cho biết, khi dịch bệnh chưa kịp lắng xuống, giá xăng tăng cao khiến doanh nghiệp thua lỗ nghiêm trọng.
Giá xăng có cơ hội giảm 1.100 đồng/lít
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dự thảo đề án cơ quan này được Chính phủ giao đang lấy ý kiến để chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu thì Bộ Tài chính đề xuất giảm 1.000 đồng với mỗi lít xăng và 500 đồng với mỗi lít dầu diesel, mazut và dầu hỏa. Riêng với nhiên liệu bay thì do đã giảm từ năm 2021 nên Bộ Tài chính không đề xuất.
Ông Chi cũng cho biết thêm, theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức đề xuất này, nếu được thông qua, và dự kiến áp dụng từ ngày 1/4, giá xăng sẽ có cơ hội để giảm giá khoảng 1.100 đồng/lít, trong khi mức giảm giá của các loại dầu là 550 đồng mỗi lít.
Bộ Tài chính ước tính, nếu đề xuất này được chấp nhận và với giả định sản lượng xăng dầu trong nước tiêu thụ năm 2022 như năm 2019 (trước đại dịch) thì ngân sách năm 2022 sẽ giảm thu cả năm 15.976 tỷ đồng (thu ngân sách mỗi tháng giảm khoảng 1.331 tỷ đồng) và tính từ 1/4 thì trong năm nay mức giảm là 11.982 tỷ đồng.