Giải đáp câu hỏi này, ông Kiều Mạnh Cường, Trưởng tàu SE1-2 cho biết, tàu hỏa là phương tiện giao thông đặc thù, chuyên dụng để chở người, hàng hóa… lưu thông sang các tỉnh thành từ Bắc vào Nam.
Là một loại hình vận tải đặc thù nên giấy phép của lái tàu cũng đặc thù, bao gồm 5 loại sau: giấy phép lái tàu đầu máy diesel (dùng cho cả lái toa xe động lực diesel); giấy phép lái tàu đầu máy điện (dùng cho cả lái toa xe động lực chạy điện); giấy phép lái tàu đầu máy hơi nước; giấy phép lái phương tiện chuyên dùng đường sắt; giấy phép lái tàu điện (trên đường sắt đô thị).
Những giấy phép này có thời hạn là 10 năm, kể từ ngày cấp.
Là một loại hình vận tải đặc thù nên giấy phép lái tàu cũng đặc thù với nhiều loại. (Ảnh minh họa)
Người được cấp giấy phép chỉ được điều khiển loại phương tiện giao thông đường sắt đã quy định trong giấy phép và phải mang theo giấy phép khi lái tàu.
Lái tàu không đảm nhiệm chức danh theo giấy phép từ 12 tháng trở lên thì giấy phép đó không còn giá trị, nếu muốn đảm nhiệm lại chức danh thì phải thực hiện sát hạch và cấp mới giấy phép lái tàu theo quy định.
Thông tư nêu rõ, điều kiện sát hạch và cấp giấy phép lái tàu đối với chức danh lái tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng là cá nhân có đầy đủ quyền công dân Việt Nam, độ tuổi từ 23 đến 55 đối với nam, từ 23 đến 50 đối với nữ, có đủ sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Bộ Y tế.
Đồng thời, đã có bằng hoặc chứng chỉ tốt nghiệp chuyên ngành lái phương tiện giao thông đường sắt do cơ sở đào tạo cấp; đã qua thời gian làm phụ lái tàu an toàn liên tục 24 tháng trở lên.
“Đối với chức danh lái tàu trên đường sắt đô thị, phải đáp ứng điều kiện độ tuổi không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ; có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; có bằng, chứng chỉ đào tạo lái tàu đường sắt đô thị”, ông Cường nói.
Ngoài ra, khi sát hạch tất cả các chức danh trên cần có đủ hồ sơ theo quy định.
Nội dung sát hạch bao gồm 2 phần: sát hạch lý thuyết; sát hạch thực hành. Quy trình sát hạch cấp giấy phép lái tàu thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo khoản 1 Điều 62 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm quy định về Giấy phép lái tàu, bằng, chứng chỉ chuyên môn như sau:
“Điều 62. Xử phạt nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm quy định về Giấy phép lái tàu, bằng, chứng chỉ chuyên môn
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lái tàu thực hiện hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà không mang theo Giấy phép lái tàu hoặc sử dụng Giấy phép lái tàu quá hạn hoặc Giấy phép lái tàu không phù hợp với phương tiện điều khiển.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn giả, Giấy phép lái tàu giả hoặc không có Giấy phép lái tàu.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu bằng, chứng chỉ chuyên môn giả, Giấy phép lái tàu giả.”
Như vậy, trường hợp người lái tàu điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà không mang theo Giấy phép lái tàu bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.