Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất thị trường liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi cá nhân tăng trở lại. Lãi suất bình quân liên ngân hàng nhích nhẹ 0,02 - 0,03% lên mức 0,26%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,44%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng hiện tăng lên mức 3,64%/năm.
Từ đầu tháng 4 đến nay, lãi suất huy động tiền đồng ở các kỳ hạn đã được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân điều chỉnh theo xu hướng tăng. Có những ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên đến gần 7%/năm.
Lãi suất quý II/2021 được dự đoán sẽ tăng. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, NamABank đưa ra với mức 6,9%/năm, ngân hàng SCB (6,8%/năm), VietcapitalBank (6,7%), CBBank (6,65%/năm), NCB, Kienlongbank và VietABank đều có mức lãi suất 6,6%/năm…
Theo các chuyên gia, tín dụng trong quý 1/2021 tăng tốc nhanh hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động gần đây tăng lên.
Trong báo cáo chiến lược tháng 4 vừa được công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng năm 2021, lãi suất có thể tăng nhẹ so với 2020 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 2,3% cùng kỳ trong giai đoạn 2017-2019.
Theo VDSC, tháng 3/2021, lạm phát toàn phần tăng nhưng vẫn nằm trong vùng kiểm soát với mức tăng 1,2% so với cùng kỳ từ 0,7% của tháng 2 năm 2021, trong khi CPI lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) chỉ tăng 0,7% trong tháng qua.
“Lạm phát toàn phần thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% và có khả năng sẽ tiếp tục duy trì dưới ngưỡng này trong thời gian còn lại của năm nay”, VDSC dự báo.
Ngoài ra, do những bất ổn kinh tế vẫn còn rõ rệt liên quan đến rủi ro đến từ COVID-19 và tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn dự kiến trong quý 1/2021, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ duy trì chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2021.
Theo dự báo của HSBC, hiện tại nền kinh tế vẫn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nhiều ngành hàng sẽ phải mất thêm thời gian để phục hồi nên các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… cũng sẽ gặp rủi ro hơn. Trong bối cảnh này, kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là kênh an toàn đối với người dân. Thêm vào đó, lãi suất huy động đang có xu hướng đi lên sẽ thu hút được tiền gửi của người dân.
Các chuyên gia của SSI Research cũng cho rằng, hiện tại, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào và Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Chính vậy, theo SSI Research, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý 1 và đầu quý 2/2021.
“Tuy nhiên, lãi suất sẽ có thể nhích tăng từ cuối quý 2/2021 khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng”, SSI Research nhấn mạnh.