Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động kỳ hạn dài tại các ngân hàng thực sự là cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nguyên nhân là do các ngân hàng cần nguồn vốn cho khách hàng vay, đặc biệt nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%.
Nhiều ngân hàng đang tăng lãi suất.
Do đó, với những kỳ hạn trên 12 tháng, một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất trên 8%.
Tuy nhiên, mới đây, mức lãi suất này được SHB bắt đầu áp dụng cho kỳ hạn dưới 12 tháng.
Khảo sát tại 25 ngân hàng cho thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng tại một số đơn vị khá cao. Nhiều ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất dao động 7 – 8,2%/năm.
Chẳng hạn, Kienlongbank là 7%/ năm, SCB: 7,1%, VietBank: 7,1-7,2%, VPBank: 7,1 – 7,4%, DongABank: 7,2%, BacABank và NCB: 7,5%, VietcapitalBank: 7,8%…
Trong đó, lãi suất huy động 9 tháng của SHB đang cao nhất, lên đến 8,2%/năm, mức lãi suất cho kỳ hạn này đang được các ngân hàng TMCP khác áp dụng 5,8 – 6,8%/năm.
Các ngân hàng quốc doanh vẫn đứng cuối trong thang lãi suất. Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank vẫn giữ nguyên mức lãi suất khá thấp, chỉ 5,5%/năm.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động ở các ngân hàng liên tục được điều chỉnh tăng nhằm hút tiền gửi của khách hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 4 tháng đầu năm nay, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống tổ chức tín dụng sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ trong tháng 5, lượng tiền gửi từ các tổ chức bất ngờ tăng vọt gần 140.000 tỷ đồng, đạt 3,42 triệu tỷ đồng.
Số liệu từ NHNN cũng cho thấy, số tiền người dân gửi vào hệ thống trong tháng 5 đạt hơn 4,67 triệu tỷ đồng, tăng 38.000 tỷ đồng so với tháng 4.
Lượng tiền gửi tăng cao được cho là do một số ngân hàng đã tăng lãi suất để hút tiền về. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải cân đối vốn để đảm bảo an toàn về vốn như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong năm nay theo yêu cầu từ NHNN.