Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Loài gián Đức đang hoành hành ở Việt Nam nguy hiểm thế nào?

Gián Đức có tốc độ sinh sản nhanh chóng và khó tiêu diệt, là vật trung gian truyền bệnh Salmonella và viêm dạ dày - ruột.

Gián Đức (Blatella germanica) là loại gây hại phân bố rộng rãi ở thành thị. Đây cũng là loài gián phổ biến nhất trong các ngôi nhà, chung cư, nhà hàng, khách sạn,... ở Mỹ, Anh và nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Gián Đức (trái) có kích thước nhỏ hơn nhiều so với gián thường. (Ảnh: Wikipedia)

Đặc điểm

Gián Đức trưởng thành dài 1,27 - 1,59 cm, có màu từ nâu vàng nhạt đến nâu sáng. Dù có phần cánh phát triển đầy đủ, gián Đức không bay được. Ở giai đoạn nhộng, gián non có hình dáng tương tự gián trưởng thành, trừ kích thước nhỏ hơn và không có cánh. Đặc điểm dễ nhận dạng nhất của gián Đức là hai vạch song song sẫm màu chạy từ sau đầu tới cánh. Chúng thường trú ngụ trong bếp (gần máy rửa bát, bếp nấu và bồn rửa) và trong nhà tắm.

Loài gián này ưa môi trường ẩm ướt và nhiệt độ ấm áp. Thức ăn của gián Đức rất đa dạng, nhưng chúng đặc biệt thích tinh bột, đồ ngọt, dầu mỡ và thịt. Rác là nguồn thức ăn chính của chúng. Giống như nhiều loài côn trùng, gián Đức hoạt động tích cực nhất vào ban đêm để tìm thức ăn và bạn tình. Ban ngày, chúng trốn trong những kẽ nứt, hốc tường và nơi tối tăm ẩm thấp. Cơ thể to bè và dẹt cho phép chúng ra vào khe hở hẹp dễ dàng.  

 Vòng đời của gián Đức. (Ảnh: Wikipedia)

Có nhiều lý do biến gián Đức thành loài gây hại khó kiểm soát và tiêu diệt. Gián Đức đẻ 35 - 40 quả trứng trong mỗi bọc. Mỗi năm, một con gián cái có thể đẻ 10.000 trứng. Thời gian từ khi trứng nở tới khi trưởng thành chỉ kéo dài một tháng, dẫn tới số lượng tăng lên nhanh chóng. Gián cái ôm bọc trứng trong suốt thời gian phôi thai phát triển bên trong trứng, giúp tăng tỷ lệ nở thành công. Quan trọng nhất gián Đức thường trốn mình ở những nơi khó bắt.

Khả năng gây hại

Chất bài tiết của gián Đức có mùi hôi khó chịu, có thể ảnh hưởng tới mùi vị thức ăn. Chúng cũng là vật chủ của nhiều loại vi khuẩn và virus, trong đó có khuẩn đường ruột Salmonella.

Gián Đức có thể gây ra nhiều dạng của bệnh dạ dày - ruột như ngộ độc thực phẩm, lỵ, tiêu chảy và nhiều bệnh khác. Tổ chức vi sinh vật gây bệnh bám vào chân hoặc thân gián và nhiễm vào thức ăn khi gián bò lên. Trên cơ thể gián cũng có nhiều chất gây dị ứng, có thể gây ra phản ứng như mẩn đỏ da, mắt chảy nước, hắt hơi, ngạt mũi và bệnh hen suyễn.

Các biện pháp diệt trừ

Để ngăn chặn gián Đức phát triển trong nhà, người dân cần lau sạch thức ăn rơi vãi trên sàn nhà, không để bát đĩa bẩn qua đêm, cất thức ăn như ngũ cốc, bánh kẹo, đường, bột mỳ và bánh mỳ trong hộp kín khí. Ngoài ra, rác thải cần đổ vào thùng chắc chắn có nắp đậy kín. Các khe nứt trên tường cũng cần được trám lại. Đặt mồi nhử bằng cách trộn thuốc diệt gián với thức ăn ưa thích của chúng cũng là một biện pháp hiệu quả để kiểm soát hoặc diệt trừ gián Đức.

Video: 'Thảm họa' côn trùng hoành hành tại Việt Nam

Nguồn: VnExpress

Tin mới